Bộ đội Cụ Hồ 'gieo chữ' ở Trung Phi

Theo baoquocte 15/05/2018 16:10

Trung tá Lê Ngọc Sơn đang công tác tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA). Bên cạnh nhiệm vụ Phái bộ giao, anh còn cần mẫn “gieo chữ” cho trẻ em nơi đây. Hàng tuần, anh dạy cho 6 lớp học với hơn 150 học sinh.

Bộ đội Cụ Hồ 'gieo chữ' ở Trung Phi

Trung tá Sơn làm việc với Trường Đại học Bangui.

Năm 2017, Trung tá Lê Ngọc Sơn cùng 4 sỹ quan đang công tác ở Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam lên đường nhận nhiệm vụ tại MINUSCA. Các anh tham gia vào hoạt động của Phái bộ nhằm kiến tạo, giữ gìn hòa bình, ổn định và đóng góp sức mình cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở đất nước đang chìm trong nội chiến - Cộng hòa Trung Phi.

Gập ghềnh đường đến trường

Nơi đây vẫn còn cảnh giết người, cướp bóc, hãm hiếp. Cuộc sống của người dân khổ cực, không có chỗ ở ổn định, luôn lo sợ bị tấn công và thường phải bỏ nhà chạy nạn khi các vụ đụng độ xảy ra. Vì vậy, trẻ em ở các vùng ngoại ô thủ đô Bangui cả chục năm nay không được đến trường.

Ngay tại Bangui, nơi cuộc sống được xem là tốt hơn rất nhiều so với ngoại ô, trẻ em cũng không được học hành đầy đủ. Nhiều em lang thang, sống vạ vật bằng xin ăn, tối về ngủ tại hiên những nhà thờ. Không chỉ phải chịu cảnh đói khát, dịch bệnh, các em còn là những đối tượng dễ bị tấn công, bị hãm hiếp và giết hại.

Với mong muốn bù đắp được phần nào sự thiệt thòi của các em, ngoài thời gian làm việc ở Phái bộ trên cương vị sĩ quan tham mưu tác chiến, từ những ngày đầu mới đến Trung Phi, Trung tá Lê Ngọc Sơn đã dạy học cho bốn trẻ em ở gần khu trọ.

Bất đồng ngôn ngữ là một trở ngại lớn. Với vốn tiếng Pháp ít ỏi học được từ các trò, thầy Sơn có thể dạy các phép toán, nhưng rất khó diễn giải để trò hiểu được những định hướng tư duy trong học tập. Khi ấy, anh phải dùng phần mềm trên điện thoại dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp để truyền thông điệp cho học trò, mặc dù có lúc lời dịch không chính xác.

Lớp học theo đúng nghĩa

Để thực hiện mong muốn hỗ trợ được nhiều trẻ em hơn nữa, Trung tá Sơn đã nêu ý tưởng về việc mở các lớp học có nhiều học sinh tại một trường, có sự hỗ trợ của phiên dịch, trong buổi giao ban của Phái bộ với sự tham gia của hơn 60 sĩ quan, do Trung tướng Balla Keita - Tư lệnh MINUSCA - chủ trì. Tư lệnh Keita đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung tá Sơn cho trẻ em Trung Phi và chỉ đạo các phòng, ban phối hợp tìm phương án giúp Trung tá Sơn thực hiện ý tưởng của mình. Tuy nhiên sau hơn hai tuần làm việc, cơ quan chức năng báo cáo không thể mở được lớp học như thế.

Không bỏ cuộc, anh Sơn đã liên hệ với các lực lượng dân sự, tổ chức nhân đạo và các cá nhân đang làm các hoạt động từ thiện. Khi Trung tá Sơn làm việc với Tổ chức phi chính phủ (NGO), Quỹ hỗ trợ trẻ em của Liên hợp quốc (UNICEF), Phòng bảo vệ trẻ em đồng ý xây dựng một dự án nhỏ, mở các lớp học Toán cuối tuần tại Trung tâm Don Bosco. Đây là trung tâm hỗ trợ trẻ em đường phố, nằm cách khu trọ của các sĩ quan Việt Nam chừng 17km.

Bên cạnh đó, thông qua những người làm từ thiện, Trung tá Sơn liên hệ với trường học St Charles tại Quận 2 của Thủ đô Bangui, cách khu trọ khoảng 3km. Nhà trường dành cho thầy Sơn một lớp học với hơn 30 học sinh tuổi từ 8 đến 14, đang học tiếng Pháp và Toán để chuẩn bị kiến thức cần thiết trước khi vào cấp 1.

Bộ đội Cụ Hồ 'gieo chữ' ở Trung Phi - 1

​Lớp học với thầy giáo người Việt.

Trung tá Sơn chia sẻ khó khăn nhất là việc tìm phiên dịch và dụng cụ thí nghiệm. Dù nhiều sĩ quan các nước tại MINUSCA thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng họ không thể hỗ trợ anh và các trò vì sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, mọi người đều rất mệt.

Không tìm được phiên dịch từ Phái bộ, Trung tá Sơn đến Đại học Bangui – trường đại học duy nhất của Trung Phi. Nhà trường ủng hộ việc làm của người lính mũ nồi xanh trên ngực thêu hai chữ “Viet Nam” ấy và cử 5 sinh viên giỏi ngoại ngữ hỗ trợ các lớp học.

Đến nay, thầy Sơn đã có 5 lớp học theo đúng nghĩa. Mỗi buổi sáng, trước giờ làm việc của Phái bộ, thầy Sơn đều dành một tiết học 45 phút để dạy tại trường St Charles. Thứ Bảy và Chủ Nhật, anh dạy cho học sinh của 4 lớp từ lớp 3 đến lớp 10 ở Trung tâm Don Bosco. Buổi chiều sau giờ làm việc tại Phái bộ, anh kèm toán cho 4 học trò gần khu trọ.

Người thầy không chỉ dạy chữ

Để khích lệ tinh thần học tập và khám phá khoa học của các trò, thầy Sơn thường làm các thí nghiệm Vật lý và Hóa học cho trò xem vào đầu mỗi giờ học. Có lần, trò vỗ tay không ngừng khi xem thầy thực hiện thí nghiệm cho quả trứng luộc tự chui vào bình trong khi quả trứng to hơn nhiều so với miệng bình. Anh Sơn cho biết, dụng cụ thí nghiệm được Viện Nghiên cứu Pasteur tài trợ.

“Tôi rất xúc động khi họ đã cho tôi những dụng cụ mà tôi cần. Đó là những thứ không dễ dàng tìm được tại Trung Phi. Họ còn dặn tôi khi cần bất cứ điều gì hãy đến gặp họ, giúp được nhất định họ sẽ không từ chối”, anh Sơn kể.

Các trò đều hào hứng mỗi khi thầy đến lớp. Không có cảm giác xa cách với một thầy giáo khác màu da, mang trên mình bộ quân phục rằn ri, các trò reo hò khi thầy giáo chào và hỏi thăm các con bằng tiếng địa phương, hăng hái giơ tay mỗi khi thầy hỏi bài.

"Khi hai chữ 'Viet Nam' được viết trên bảng của một trường học tại Trung Phi và các học trò đồng thanh phát âm hai chữ này, tôi cảm nhận rõ dòng máu dân tộc đang cuộn chảy trong mình”, Trung tá Sơn xúc động chia sẻ.

Không chỉ dạy kiến thức, thầy Sơn còn dạy kỹ năng sống và truyền niềm tin cho học trò rằng, “các con có thể làm được nhiều việc để thay đổi cuộc đời mình”. Thầy Sơn vẫn dặn các trò: “Cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng có niềm tin, lòng quyết tâm và sự kiên trì, các con nhất định sẽ vượt qua để có một tương lai xứng đáng với những nỗ lực đó”.

Chặng đường sang Trung Phi rất dài. Chặng đường đến với học sinh Trung Phi còn dài hơn nhiều lần. Trung tá Sơn đã vượt qua các chặng đường ấy, “gieo chữ” cho trẻ em nơi đây. Sau này khi trưởng thành, có lẽ trong lòng các cô cậu học trò Trung Phi vẫn có hình bóng một người thầy đến từ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ đội Cụ Hồ 'gieo chữ' ở Trung Phi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO