Người về với ngàn mây

Đoàn Quỳnh Lê 15/09/2020 14:00

Người đó là NSND Trần Phương. Mà Trần Phương, lâu rồi, người đời đã nhớ đã quen ông với vai A Phủ trong phim “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc. Mươi năm trước, “chàng A Phủ” ấy đã chuẩn bị tâm thế cho mình trong chuyến đi cuối đời. Một chuyến đi mà như cách nói của ông là “về với ngàn mây”…

Nghệ sĩ Trần Phương.

Sinh năm 1930 tại Thái Nguyên, trước khi bén duyên với điện ảnh Trần Phương đã trải qua nhiều lối rẽ khác nhau. Thời trẻ, Trần Phương đi kháng chiến từng học nghề thợ tiện, phục vụ trong xưởng quân giới của GS Trần Đại Nghĩa. 17 tuổi Trần Phương lại cùng đồng đội tại xưởng quân giới chuyển lên Bắc Kạn. Năm 1952, trong một lần thử đạn, Trần Phương không may bị thương, mất một ngón tay, được phép rời xưởng trở về Thái Nguyên làm công tác hậu cần ở Trường Văn nghệ nhân dân Liên khu Việt Bắc. Chính tại đây, Trần Phương đã có cơ duyên đến với nghệ thuật.

Ban đầu, ông học chèo rồi sau đó theo học kịch với các bậc thầy như Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ; học văn với Nguyên Hồng, Tô Hoài và tham gia đóng ca kịch Hòn đá của Đỗ Nhuận... Sau này, đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa Trần Phương đến với điện ảnh khi giới thiệu cho ông xem một số bộ phim của điện ảnh Nga, Trung Quốc như “Công phá Berlin”, Zắc-cô đi tìm hạnh phúc”, “Bạch Mao nữ”...

Vai diễn đầu tiên Trần Phương tham gia, may mắn thay, lại chính là ở bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng, phim “Chung một dòng sông”. Dù chỉ vào vai anh thanh niên trong đoàn người bờ Bắc đấu tranh cho dân hai bên bờ Bến Hải được đoàn tụ, song điều đó như chấp cánh để ông đến với những vai diễn khác, để đời. Một trong những vai để đời đó, chính là vai A Phủ, trong phim “Vợ chồng A Phủ” được chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài.

Còn nhớ hồi tròn 80 tuổi, NSND Trần Phương có dịp gặp gỡ bạn bè văn nghệ sĩ và những hồi ức quanh vai diễn để đời này được ông hé lộ. Chuyện là trước khi bộ phim được khởi quay, vì muốn thực tế cuộc sống Tây Bắc để có thêm kinh nghiệm diễn xuất, Trần Phương cùng một số đồng nghiệp đã sống cùng bà con dân bản. Trên đường qua Tuần Giáo, ông gặp nhà văn Nguyễn Tuân cũng đang đi thực tế. Qua trò chuyện, Trần Phương học hỏi được những bài học đáng giá về diễn xuất trong điện ảnh, từ việc tìm hiểu về tâm lý, nội tâm nhân vật cho tới lối sống, cách sinh hoạt của người Mông. Khi nhà văn Nguyễn Tuân hỏi: “Cậu biết thế nào về thằng A Phủ?”. Trần Phương, lúc ấy mới 29 tuổi, trả lời rất “mô phạm”, rằng A Phủ là thanh niên người Mông bị áp bức rồi vùng lên đấu tranh, theo đúng mô tả trong truyện và kịch bản. Nguyễn Tuân phì cười, nói: “Cậu không hiểu gì về A Phủ. A Phủ nó cưỡi ngựa rất giỏi. Cậu làm được như thế mới có thể đóng được vai này”.

Từ gợi ý đắc địa này, Trần Phương đã thay đổi cách “tìm hiểu” của mình. Thay vào đó, là sự dấn thân, trải nghiệm thật sự. Người ta thấy một Trần Phương gác lại chữ “nghệ sĩ” ở phía sau để sống, học cách chăn bò, cưỡi ngựa của người Mông ở bản Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La). Mà cưỡi ngựa không yên như những chàng trai Mông là điều chẳng hề đơn giản chút nào, nhất là với một người nghệ sĩ miền xuôi. Vì thế, trong quá trình luyện tập ấy, Trần Phương đã bị ngã ngựa, suýt gãy chân. Cú ngã đau, làm chảy máu ở đầu. Chính vết sẹo ở đầu ông là do bị thương khi học cưỡi ngựa hồi đóng vai A Phủ.
Và suốt 3 tháng ròng rã “ba cùng” với người dân trên núi cao, cả Trần Phương và nghệ sĩ Đức Hoàn (người vào vai Mỵ lúc bấy giờ) gần như đã trở thành người Mông thực thụ. Vai diễn để đời ấy giúp cái tên Trần Phương được "đóng đinh” vào nền điện ảnh cách mạng. Phim “Vợ chồng A Phủ” do xưởng phim Việt Nam sản xuất và đã được trao giải thưởng Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973.

Sau vai diễn đáng nhớ ấy, Trần Phương tiếp tục được mời vào nhiều vai nhân vật khác như Khoa - chồng Tư Hậu trong “Chị Tư Hậu” (1963), Khiêm trong “Tiền tuyến gọi” (1969), Sơn trong “Biển gọi” (1970)... Vẻ đẹp nam tính của Trần Phương lại càng khiến người ta nhớ khi ông sánh vai với các ngôi sao nữ nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam thời đó như Trà Giang, Tuệ Minh...

Cảnh trong phim “Vợ chồng A Phủ”.

Trong con đường nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Trần Phương còn muốn thử mình ở vai trò đạo diễn. Ông đã từng đạo diễn các bộ phim gây được tiếng vang, như: “Mưa rơi trên thành phố”, “Dưới chân núi trắng”, “Hi vọng cuối cùng”, “Đứng trước biển”, “Hoàng Hoa Thám”, “Dòng sông hoa trắng”... Đặc biệt bộ phim “Tội lỗi cuối cùng” đã gây nên một cơn sốt vé chưa từng có trong các rạp chiếu trên toàn quốc vào năm 1980. Thành công của bộ phim đem về cho Trần Phương giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V.

Ở những năm 90 của thế kỷ trước, một lần nữa cái tên Trần Phương lại được nhắc tới khi ông làm nhiều bộ phim như: “Vụ án Hồ Con Rùa”, “Dòng thác”, SBC (Săn bắt cướp), “Thủ môn từ trên trời rơi xuống”, “Tình ngỡ đã phôi phai”, “Vệt sáng ngược”, “Hai năm nữa anh về”, “Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ”... Nhiều phim trong số này mang về khoản doanh thu cao, càng khiến tên tuổi Trần Phương được báo chí săn đón.

Một số đồng nghiệp từng có dịp cộng tác với ông trong thời gian này cho rằng Trần Phương là đạo diễn kỹ tính, rất cẩn trọng trong công việc, đặc biệt là có “mắt xanh” trong việc chọn diễn viên. Dù nghệ sĩ Trà Giang đã "đóng đinh" với hình tượng nữ chiến sĩ cách mạng trong các phim “Vĩ tuyến 12 ngày và đêm”, “Chị Tư Hậu” nhưng trong vai trò đạo diễn, Trần Phương vẫn có cách “làm mới” Trà Giang một lần nữa, khi ông giao cho Trà Giang vai Chín Tâm - người đàn bà mưu mô trong “Đứng trước biển” (1982). Đạo diễn đã khai thác những nét mới mẻ trong lối diễn của Trà Giang, giúp bà lột tả hình tượng người đàn bà quyền lực mưu mô, tham vọng. Và cũng chính nhờ tài đạo diễn của Trần Phương mà những cái tên như Quyền Linh, Phạm Cường, Minh Hòa, Thu Hà… đã dần trở nên thân quen với công chúng.

Còn với NSND Trọng Trinh, NSND Trần Phương là một người thầy, một người cha và một người nghệ sĩ lớn. “Chưa bao giờ tôi thấy có một đạo diễn nào hiền lành, tinh tế, nhẹ nhàng và điềm đạm đến thế. Thời đóng phim “SBC” do ông làm đạo diễn, mỗi cảnh quay ông đều phân tích tâm lý nhân vật cho từng diễn viên, có gì chưa đúng ông nhẹ nhàng chỉ bảo. Làm việc với ông chúng tôi thấy dễ chịu lắm. Hiếm có một nghệ sĩ nào vừa tài hoa, vừa nhẹ nhàng, vừa tinh tế như ông. Ông xứng đáng là một nhân cách lớn, một hình mẫu để chúng tôi học tập. Khi nghe tin ông ra đi, tôi cứ ân hận mãi. Tôi đã không thể gặp được ông lần cuối trước khi ông ra đi”, nghệ sĩ Trọng Trinh tâm sự.

Năm 2001, đạo diễn Trần Phương được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các phim: Hi vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng.

Hơn 10 năm trước, khi ở tuổi 80, NSND Trần Phương đã trù liệu cho chuyến đi cuối cùng của đời mình. Khi ấy, ông nói với bạn bè rằng, rồi đây tất cả chúng ta sẽ “về với ngàn mây”, về với tiên tổ. Nhưng những gì chúng ta làm được, chưa làm được thì lớp hậu sinh sẽ nhớ và nhớ mãi. Và sáng ngày 26/8/2020, trái tim nghệ sĩ Trần Phương đã ngừng đập. Ông đã bay về về với ngàn mây, ở đó chắc rằng ông sẽ gặp lại một miền mây trắng Tà Xùa. Cũng có thể, ông sẽ gặp lại nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, hoặc sẽ cùng đạo diễn Mai Lộc, Đức Hoàn, Trịnh Thịnh… ôn lại những kỷ niệm về một thời đắm say “Vợ chồng A Phủ”…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người về với ngàn mây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO