Người tự tìm thầy và tìm nghề

Phạm Quang Đẩu 30/06/2020 18:00

Có những người, trong quá trình lập nghiệp phải tự tìm thầy và tự tìm lấy cho mình một nghề mới, để rồi cuối cùng với bao tâm huyết và nỗ lực đã thành công. PGS.TS Nguyễn An Lương - nguyên Viện trưởng Viện Bảo hộ lao động (BHLĐ), nguyên Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là một người như thế.

Tại Viện KHKT BHLĐ, Viện trưởng Nguyễn An Lương (đứng giữa) giới thiệu với Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu một số thành quả nghiên cứu của Viện (năm 1990).

Nguyễn An Lương xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Năm 1959, anh thi đỗ vào khóa 4 Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội và suốt các năm học anh đều trong top đứng đầu lớp, tốt nghiệp được giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn công nghệ chế tạo máy thuộc Khoa Cơ khí. Ngày đó, thầy giáo trẻ An Lương còn được đi thực tế vùng mỏ Quảng Ninh, chui vào hầm lò chợ mỏ Hà Lầm để có kiến thức thiết kế phần cơ khí ở mỏ mới Tây Khe Sim. Cũng tại đây, lần đầu anh tiếp xúc với các công việc BHLĐ và vệ sinh công nghiệp, anh không ngờ rằng đấy chính là cái “nghiệp” nhiều năm sau này của mình. Giữa 1968, anh được nhà trường cử đi nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc. Trên đường qua Matxcơva (Liên Xô) đã có một cuộc hội ngộ thú vị, 4 anh em trai trong gia đình anh đều có mặt ở thủ đô nước bạn do được trong nước cử đi làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) cùng trong năm ấy.

Vừa đặt chân lên thủ đô Praha, Nguyễn An Lương gặp ngay thử thách lớn, có nguy cơ phải “trắng tay” về nước. Một cuộc “chính biến” nổ ra lúc đó làm đảo lộn tất cả, các nghiên cứu sinh nước ngoài như anh rất khó thực hiện đề tài như đã dự kiến ở nhà do không có thầy hướng dẫn. Trong khi nhiều bạn trong đoàn đang “ngơ ngác”, thì An Lương vạch ra cho mình một cách đi riêng: tự tìm đề tài và tìm thầy. Anh hì hụi vào thư viện tìm đọc sách chuyên môn về công nghệ chế tạo máy, bắt gặp một công trình nghiên cứu sâu của tác giả Josef Pesak. Ông là PGS.TS thuộc đại học kỹ thuật Sec Praha. Thế là anh tìm đến địa chỉ nhà thầy. Trước mặt anh là một ông già cao lớn, đạo mạo bao giờ cũng comple cà vạt chỉnh tề và gọi người đối thoại với mình là “ngài”.

Sau khi nghe Nguyễn An Lương tự giới thiệu và bày tỏ ý muốn được làm học trò, PGS Pesak vui vẻ nói: Ngài kỹ sư Lương. Tôi biết người Việt Nam vốn có tư chất thông minh, tôi từng có những học trò là đồng hương với ngài như Trần Xuân Đàm, Nguyễn Xuân Chuẩn... họ chẳng những học giỏi, còn nắm vững tiếng Tiệp đến nỗi trong thời gian học ở đây đã viết được Từ điển Việt - Tiệp. Giờ tôi lại rất xúc động vì ngài kỹ sư đã đọc công trình của tôi mà tự tìm đến. Nhưng thời buổi khó khăn, việc nhận nghiên cứu sinh không dễ như trước, ngài kỹ sư phải chấp nhận cuộc thi nhận(thi đầu vào) bằng tiếng Tiệp, như thế đòi hỏi phải rất thạo tiếng nước tôi đấy...

Cuộc thi nhận diễn ra sau đó vài tháng, chính Nguyễn An Lương cũng không ngờ có hơn 8 tháng học tiếng và vài tháng ôn chuyên môn mà anh lại trả lời trôi chảy các câu hỏi của hội đồng giáo sư, trong 15 câu, anh đã đạt điểm cao ở 13 câu và được nhận vào trường, với nhận xét của người thầy khả kính đầu đời: Chuyên môn vững và sử dụng tiếng Tiệp tốt.

Trong quá trình làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của thầy J.Pesak, Nguyễn An Lương đã vận dụng một loại thuật toán đưa vào máy tính để ra các kết quả cho bản luận văn “Tự động hóa quá trình chuẩn bị sản xuất cơ khí trong chế tạo sản phẩm hàng loạt”. Trong đó anh vận dụng có sáng tạo phương pháp MTM, một phương pháp hiện đại để phân tích các chuyển động, đo thời gian thực các thao tác và nguyên công trong quá trình công nghệ. Bản luận văn của anh được hội đồng khoa học Đại học kỹ thuật Sec Praha đánh giá xuất sắc. Năm 1974, anh về nước với học vị tiến sĩ. Lại bắt đầu những năm tháng vừa giảng dạy vừa nghiên cứu ở khoa Cơ khí...

Đến một ngày, TS Nguyễn An Lương được hiệu trưởng Phạm Đồng Điện mời lên trao quyết định phó phòng Quản lý khoa học. Trưởng phòng là GS.TSKH Mai Kỷ, nhưng thời gian đó ông lại đang rục rịch chuyển ra Bộ Cơ khí luyện kim và sau này nhậm chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình. Vậy là TS Nguyễn An Lương vừa giảng dạy, vừa quản lý phòng khoa học. Cũng từ đó ông bén duyên với hoạt động công đoàn khi được bầu vào ban chấp hành Liên hiệp công đoàn thành phố Hà Nội. Lúc ông lên đọc tham luận trở về chỗ ngồi, thì Chủ tịch Tổng Công đoàn Hoàng Quốc Việt nắm tay ông nói: Đây là trí thức của giai cấp công nhân. Từ đó ông tham gia ban chấp hành nhiều khóa và trở thành Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) khóa 7, khóa 8 (1998-2003) là Phó Chủ tịch thường trực.

Vậy là do chuyển hẳn sang hoạt động công đoàn, TS Nguyễn An Lương thôi giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở trường cũ, tiếp cận một nghề còn rất mới mẻ thuộc hệ thống công đoàn ở nước ta là BHLĐ và vệ sinh công nghiệp. Nghề này có tính khoa học liên ngành, có mối quan hệ trực tiếp đến an sinh xã hội của người lao động. Năm 1979, ông từ Đại học Bách khoa Hà Nội được điều chuyển về Tổng LĐLĐVN, thì Viện BHLĐ đã được ra đời trước đó vài năm và ông được bổ nhiệm ngay là Viện phó, đến giữa năm 1984 thì lên Viện trưởng.

Ông chủ động tìm đến một nghề mới là BHLĐ, hay nói đúng hơn nghề BHLĐ đã chọn ông. Để một viện nghiên cứu nhiều đặc thù như vậy tồn tại, phát triển phải tìm ra được các đề tài nghiên cứu ứng dụng từ thực tiễn sản xuất và đời sống. Thế là từ đây bắt đầu một thời kỳ vừa chỉ đạo hoạt động công đoàn trong cả nước, vừa trực tiếp điều hành một viện nghiên cứu chuyên ngành.

Ông liên tiếp đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm 2 Chương trình tiến bộ KHKT cấp Nhà nước về nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp KHKT BHLĐ, nhằm cải thiện một bước điều kiện lao động, giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Trong số mấy chục đề tài nhánh cụ thể của 2 Chương trình, có những đề tài lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta và đạt trình độ khoa học cao, có ứng dụng tốt trong sản xuất và đời sống, như: Ứng dụng tay máy, robot để thực hiện những thao tác sản xuất ở những nơi đặc biệt nguy hiểm và độc hại (mã số 58.01.03.03); Xây dựng các chỉ tiêu nhân trắc học người lao động Việt Nam và các chỉ dẫn đánh giá ecgonomi chỗ làm việc, phòng ngừa tai nạn và sự cố do sai lầm của người điều khiển những hệ thống kỹ thuật phức tạp (58A.01.02); Nghiên cứu các biện pháp an toàn trong lặn sâu bằng kỹ thuật hiện đại áp dụng ở điều kiện Việt Nam( 58A.01.05)... Sau 2 Chương trình tiến bộ KHKT kể trên, liên bộ Y tế và Lao động Thương binh xã hội đã có cơ sở để bổ sung thêm 8 bệnh nghề nghiệp vào danh mục các bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam, tăng gấp đôi so với số bệnh nghề nghiệp có từ trước năm 1976.

PGS.TS Nguyễn An Lương đến tuổi nghỉ hưu vẫn chưa hết duyên nợ với BHLĐ, ông được bầu 2 khóa làm Chủ tịch Hội KHKT an toàn vệ sinh lao động Việt Nam (VOSHA) và ông lại cùng các đồng nghiệp tiếp tục thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng. Đặc biệt, năm 2012 VOSHA đã cho ra mắt cuốn “Bảo hộ lao động” trở thành sách gối đầu giường cho cán bộ làm công tác BHLĐ. Tiếp đến, VOSHA còn hợp tác với Trung tâm thông tin về an toàn và vệ sinh lao động quốc tế (SIC/ILO) và được sự đồng ý của Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã cho ra mắt lần đầu tiên tại nước ta cuốn từ điển đồ sộ “Thuật ngữ an toàn và vệ sinh lao động” bằng 7 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Hàn, Tây Ban Nha và Việt Nam. Tuy đã rời chính trường đã nhiều năm, nhưng ông vẫn quan tâm đến những vấn đề xã hội có liên quan đến chuyên môn của mình và có tiếng nói mạnh mẽ vì sức khỏe cộng đồng.
Vừa qua, ông cùng với nhiều nhà chuyên môn khác đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không để hoạt động các cơ sở sản xuất tấm lợp sóng từ nguyên liệu amiang tự nhiên, vì chất amian đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, nó sẽ phát tán dần dần, lặng lẽ trong quá trình sử dụng dễ gây ung thư biểu mô, ung thư phổi cho con người. Bước đầu Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định ra hạn lộ trình tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất loại tấm lợp không an toàn cho sức khỏe cộng đồng.

Những năm gần đây, vị trưởng lão của ngành BHLĐ còn sống theo phương châm mà người bạn già, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã đề ra: Lấy thơ phú là liều thuốc an thần chống stress trong cuộc sống hàng ngày. Ông cùng các vị hưu trí trong cụm dân cư nơi gia đình sinh sống lập ra Tổ thơ thuộc Câu lạc bộ Vui khỏe, năng gặp nhau đàm đạo, chuyện trò, có tác phẩm mới thì cùng ngâm vịnh sảng khoái. Hôm nay vừa bước sang tuổi “bát thập”, ông luôn cảm thấy khỏe ra, có những câu thơ ý nhị: “Cuộc đời lần giở từng trang/ Qua thời trai trẻ, bước sang tuổi già/ Lẽ thường cứ thế suy ra/ Mùa xuân tuổi trẻ, tuổi già mùa thu...” Quả là ông đang tiếp tục hành trình của cuộc đời trong một mùa thu vàng ngọc!

Cũng cần nói thêm một điều. Trong đại gia đình của vị Trưởng lão BHLĐ, anh em, con cháu vốn được trời phú cho sự thông minh, cộng với nỗ lực bản thân, luôn chăm chỉ học hành mà đều đỗ đạt cao, có 49 người, thì 42 người có học vị ThS, TS, TSKH và học hàm PGS, GS; 2 người được Giải thưởng Hồ Chí Minh: Cố GS.TS Nguyễn Đình Tứ về vật lý thực nghiệm năng lượng cao; GS.TSKH Nguyễn Tự Cường về toán học hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tự tìm thầy và tìm nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO