Hướng về cơ sở từ hoạt động giám sát, phản biện

Minh Hải (thực hiện) 08/03/2018 06:47

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Lê Đức Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ cấp huyện, cấp xã đã có những chuyển biến rõ rệt. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã đã tích cực chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện với nội dung tập trung vào nhiều vấn đề dân sinh.

Hướng về cơ sở từ hoạt động giám sát, phản biện
Ông Lê Đức Kỳ.

PV: Thưa ông, với chủ trương hướng về cơ sở, thời gian qua, MTTQ tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội ở cấp huyện và cấp xã như thế nào?

Ông Lê Đức Kỳ: Trong năm 2017, tại Bắc Ninh MTTQ cấp huyện đã chủ trì giám sát được 18 cuộc, trên 80 cuộc phối hợp giám sát. Các nội dung chủ trì giám sát tập trung vào các lĩnh vực như: việc thực hiện Nghị quyết 03 Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ thành phố khóa XXI và 05 quyết tâm chính trị của thành phố Bắc Ninh (MTTQ thành phố chủ trì).

Giám sát về thực hiện đầu tư cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Quyết định số 285 của UBND tỉnh về khoán chi cho MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (MTTQ huyện Thuận Thành chủ trì).

Giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở hành nghề y ngoài công lập trên địa bàn huyện. Giám sát việc thực hiện Đề án của UBND huyện về “Hỗ trợ, thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn huyện Lương Tài giai đoạn 2015 – 2020” (MTTQ huyện Lương Tài chủ trì).

MTTQ huyện Gia Bình chủ trì 2 cuộc giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về vệ sinh anh toàn thực phẩm... MTTQ thị xã Từ Sơn, Tiên Du đã tích cực thực hiện công tác giám sát về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tân gia và lễ hội.

Đối với cấp xã, trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát và phản biện xã hội, theo báo cáo của MTTQ các huyện, thị xã đã tổ chức trên 200 cuộc giám sát và trên 30 cuộc phản biện xã hội. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, giải quyết đơn thư của công dân, các nội dung về xây dựng nông thôn mới.

Ông có thể nêu một số cơ sở tiêu biểu thực hiện tích cực công tác phản biện xã hội?

- Hoạt động phản biện của MTTQ cấp huyện đã có những chuyển biến tích cực, tiêu biểu như MTTQ huyện Yên Phong đã tổ chức 2 cuộc phản biện về dự thảo nội dung Đề án “Thành lập Trung tâm hành chính công cấp huyện” và dự thảo Đề án “Phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình kinh tế trang trại VAC”. MTTQ huyện Lương Tài đã tổ chức 2 cuộc phản biện với nội dung: Dự thảo Kế hoạch “Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Lương Tài đến năm 2020” và dự thảo Kế hoạch “Cải cách thủ tục hành chính năm 2018”, một số huyện khác đã chủ động trong việc phản biện bằng các hình thức đóng góp vào văn bản, tham gia góp ý trực tiếp tại các hội nghị…

Còn ở cấp xã, tiêu biểu cấp cơ sở thực hiện tốt là ở địa bàn thành phố Bắc Ninh, Lương Tài. Công tác phản biện tập trung vào các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, các mô hình trồng lúa đông, vấn đề giải phóng lòng, lề đường thực hiện an toàn giao thông, điển hình là các xã thuộc huyện Lương Tài.

Thực tế giám sát của MTTQ các cấp thời gian qua cho thấy những bất cập gì cần phải tháo gỡ, thưa ông?

- Tôi cho rằng, việc tổ chức học tập, quán triệt Quy chế, Quy định và ban hành các văn bản để triển khai thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn chậm. Ở một số địa phương cấp huyện, cấp xã còn lúng túng trong việc cụ thể hóa văn bản hướng dẫn đối với hệ thống của tổ chức mình.

Một số huyện, đơn vị chưa có báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện các Quy chế, Quy định. Một số đoàn thể chính trị - xã hội hiệu quả giám sát chưa cụ thể, thiết thực, báo cáo còn chung chung…Trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát các cấp đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế nổi lên trên một số lĩnh vực và đã đề nghị xem xét, tuy nhiên việc tiếp thu và giải trình còn chậm hoặc chưa trả lời.

Theo ông, để tăng cường hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, chính quyền các cấp cùng Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội cần đưa ra những giải pháp gì?

- Để khắc phục những hạn chế, cần phát huy vai trò MTTQ, Đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị khóa XI nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; tuyên truyền gương các tập thể cá nhân thực hiện tốt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện.

Cùng với đó làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp có hiệu quả với HĐND – UBND, các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Đặc biệt, phải lựa chọn cho được nội dung giám sát, phản biện xã hội là những vấn đề nhân dân quan tâm, phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị từng địa phương như: lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, tài nguyên, môi trường, chuyển đổi đất đai, chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, chính sách người có công, người nghèo, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng về cơ sở từ hoạt động giám sát, phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO