Hiến kế cho hoạt động giám sát

Tuệ Phương 24/11/2017 11:45

Đây là nội dung được đề cập nhiều nhất tại hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ), hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở năm 2017”, do Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức ngày 24/11. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn chủ trì.

Quang cảnh hội nghị.

Tiếng nói từ cơ sở

Chia sẻ kinh nghiệm trong giám sát tại cơ sở, ông Hy Đa Trương, trưởng Ban TTND phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho rằng, Ban TTND là tổ chức hoạt động tự nguyện trong điều kiện không có lương và phụ cấp song lại luôn đối mặt với những tiêu cực; trong khi, hầu hết các thành viên Ban TTND đều là những người cao tuổi, đã nghỉ hưu đem tâm huyết, trí tuệ của mình để cống hiến sẽ là chưa đủ.

Trong công tác quản lý đất đai, Ban TTND đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến, phản ánh của nhân dân đã kiến nghị với chính quyền thu hồi được 18.000 m2 đất đầm do bị nhân dân sau san lấp chiếm. Hiện nay quận Tây Hồ đã giao cho Trung tâm Quỹ đất quận quản lý.

Với kinh nghiệm 3 nhiệm kỳ làm Trưởng ban TTND phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Bá Vinh cho rằng, muốn làm tốt chức năng, nhiệm vụ về công tác thanh tra, mọi thành viên Ban TTND phường cần nắm vững quy định của Luật Thanh tra.

Bên cạnh đó, phải phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể trong phường. Việc phối hợp trên đã tạo ra sự thống nhất trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật và có tác dụng rất lớn để hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

“Căn cứ vào chương trình hoạt động hàng năm, Ban TTND sẽ triển khai chương trình giám sát. Đầu tiên chúng tôi giám sát việc chi trả trợ cấp, quà tặng từ nguồn ngân sách và các nguồn quỹ khác nhau tới các đối tượng chính sách nhân dịp ngày lễ, tết cũng như việc thu, chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp. Trong những năm qua, Ban TTND phường cũng đã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề như việc miễn thuế cho một số hộ dân trên địa bàn phường; xử lý hệ thống nước mưa của các hộ gia đình chảy từ trên cao xuống vỉa hè gây mất mỹ quan đường phố...”, ông Vinh nói.

Chia sẻ về giám sát trong trật tự xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Hạc, Trưởng Ban TTND phường Cống Vị, quận Ba Đình cho rằng, việc xây dựng hiện nay còn nhiều lộn xộn bất cập, gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý cũng như bức xúc của nhân dân. Nguyên nhân của việc này là do người dân chưa tự giác chấp hành luật pháp, đưa lợi ích cho cá nhân, gia đình hoặc công ty mình lên hàng đầu dẫn biết sai cũng cứ làm. Khi bị phát hiện họ lại tìm cách chạy chọt.

Thực tế có không ít trường hợp chạy đã mang lại hiệu quả giống như kiểu chịu phạt để được tồn tại. Những cán bộ và người dân tâm huyết, muốn luật pháp được tôn trọng cũng cảm thấy bất lực. Thậm chí có không ít trường hợp vì lợi ích riêng còn bày vẽ cho người sai phạm mưu kế để không phải tháo gỡ, hoặc chỉ làm phép cho qua.

Để trật tự xây dựng đi vào nề nếp, đúng pháp luật, ông Hạc đề nghị, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân để người dân tự giác chấp hành. Bên cạnh đó, cần có cơ chế rõ ràng đối với Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ để các hoạt động thanh tra có tính pháp lý cao, cũng như những kiến nghị đúng đắn của của thanh tra phải được thực hiện.

Cần cơ chế phối hợp thực hiện

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2017, qua hoạt động, 5.203 Ban TTND trên địa bàn đã giám sát được 6.885 vụ việc, phát hiện 2.193 vụ vi phạm, kiến nghị và được chính quyền giải quyết 1.985 vụ việc. Các Ban TTND đã tập trung giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng khó khăn và hộ nghèo bảo đảm đúng đối tượng, công khai, dân chủ, minh bạch, không để tiêu cực xảy ra; giám sát thu chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp; giám sát công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy trình thủ tục chính sách công tác thu hồi, bồi thường...

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, trong thời gian qua, các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trên địa bàn thành phố đã phát huy vai trò của mình thực hiện giám sát có hiệu quả, phát hiện hàng nghìn vụ việc sai phạm của các tổ chức và cá nhân.

Thông qua hoạt động giám sát, các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ đã kiến nghị với các cơ quan chức năng thu hồi hàng nghìn m2 đất và hàng tỷ đồng tài sản; góp phần phát hiện, ngăn ngừa những sai phạm trong quá trình thực hiện pháp luật ở cơ sở và việc triển khai các dự án đầu tư ở địa phương.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở đã được quan tâm, các Ban Công tác Mặt trận xây dựng các mô hình điểm, các nhóm nòng cốt, đồng thời phối hợp với tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố tham gia hòa giải những vụ việc, những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân ngay tại địa bàn dân cư.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Anh Tuấn cho rằng, việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo hệ thống MTTQ các quận, huyện, thị xã đã được triển khai sâu rộng. Hàng quý, hàng năm các Ban Thanh tra đều tổ chức giao ban, trao đổi, đánh giá lại các hoạt động. Trong quá trình giao ban, trao đổi kinh nghiệm đó những khó khăn, kiến nghị khi thực hiện các hoạt động thanh tra cũng đã được trao đi đổi lại nhiều lần.

“Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thanh tra thì chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực phải được kiện toàn hơn theo hướng tăng về số lượng và chất lượng. Đối với công tác thanh tra, mỗi người đều có một sở trường nhất định, muốn phát huy được sở trường đó thì phải rà soát lại tất cả những người ưu tú trên địa bàn để mời họ tham gia vào công tác thanh tra. Muốn làm được việc đó, các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ phải xây dựng được chương trình, kê hoạch hoạt động trong từng năm, từng quý để trên cơ sở đó xây dựng phương án tài chính để thực hiện”, ông Tuấn gợi mở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiến kế cho hoạt động giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO