Công tác giám sát, phản biện ngày càng được chú trọng

Quốc Định 10/11/2017 19:45

Chiều 10/11, tại TP HCM, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp cùng MTTQ TP HCM tổ chức Hội nghị khoa học Thực trạng và giải pháp thực hiện nhiệm vụ “Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh tới dự và chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có các cán bộ của UBTƯ MTTQ Việt Nam, đại diện Thành ủy TP HCM, đại diện MTTQ TP HCM, đại diện các tổ chức thuộc MTTQ Việt Nam TP HCM.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận thiết thực của các đại biểu tham dự.

Ông Lý Ngọc Thạch, Trưởng ban Dân chủ Pháp luật của MTTQ TP HCM cho biết, từ năm 2014 đến nay, hệ thống MTTQ các cấp của TP. đã chủ trì tổ chức giám sát ở 24 nội dung, với 2.453 cuộc, trong đó tập trung giám sát vào các nội dung, lĩnh vực mà người dân quan tâm hoặc còn bức xúc.

Qua các cuộc giám sát, đã kiến nghị chính quyền các cấp khắc phục một số tồn tại, hạn chế trên cơ sở báo cáo, ý kiến, kiến nghị, kết luận của Đoàn giám sát.

Về công tác phản biện, MTTQ TP. đã tổ chức được 11 hội nghị; MTTQ các quận, huyện tổ chức được 33 hội nghị; MTTQ cấp phường, xã tổ chức được 19 hội nghị.

Qua các kiến nghị của MTTQ các cấp thuộc TP HCM, UBND cùng cấp đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến kiến nghị của MTTQ.

Nói về những kinh nghiệm của mình, ông Đinh Hoàng Ninh, Phó Chủ tịch MTTQ quận 5 chia sẻ: Việc lựa chọn các phương pháp phản biện như tổ chức hội nghị phản biện, tổ chức lấy ý kiến phản biện hoặc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chủ thể phản biện với cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo được phản biện có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đạt được hiệu quả đề ra.

Trong quá trình tổ chức các hoạt động phản biện cần phát huy vai trò, huy động trí tuệ của các vị ủy viên, các tổ chức thành viên, các nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, những người đã tham gia lãnh đạo, quản lý liên quan đến nội dung cần phản biện.

Quang cảnh Hội nghị.

Luật sư Trương Thị Hòa (Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật, MTTQ TP HCM) kiến nghị: Cần có thể chế chính trị - pháp lý đồng bộ, đầy đủ về chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ.

Cần xây dựng nguồn lực để thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp bao gồm: nhân lực, tài chính, các điều kiện về kỹ thuật để thực hiện chức năng giám sát, chức năng phản biện xã hội.

Cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ Mặt trận để có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu đối với từng chuyên đề giám sát, phản biện xã hội.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM đề nghị: Cần xây dựng phương án khắc phục khó khăn hiện tại trong công tác xã hội hóa, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý như phần lớn hội viên hiện nay chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, do đó thiếu nhân lực để triển khai các mặt công tác; chưa huy động được các nguồn lực xã hội, chủ yếu vẫn do ngân sách nhà nước cấp; chưa khuyến khích và thu hút được cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động hội; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng cho hội viên và cán bộ hội chưa thường xuyên.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng: Nội dung các ý kiến được chuẩn bị hết sức công phu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đại diện cho nhân dân. Cũng từ các tham luận này đã cho thấy được nhiều cách làm hay, sáng tạo, các mô hình hiệu quả.

Trong các bài phát biểu đó, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh phát biểu của LS Trương Thị Hòa bởi nội dung của Luật sư nêu rất rõ, sâu sắc về nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam; có cơ sở pháp lý, lập luận rất chặt chẽ, qua đây thấy được đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình.

Hay như phát biểu của đại diện Hội Luật gia TP. cũng nêu nổi bật lên được những hoạt động, những sáng kiến, mô hình hay như Mô hình tổ tư vấn pháp luật cho người dân.

Cũng qua các ý kiến góp ý của các đại biểu, chúng ta thấy được vấn đề, nhiều góc cạnh của đời sống xã hội, không ít cán bộ, đảng viên, công chức chưa gương mẫu cũng được phát hiện và nêu ra…

“Điều đó giúp chúng ta thêm khẳng định việc giám sát, phản biện không chỉ có Trung ương mới làm được mà ở các khu dân cư cũng có thể triển khai hiệu quả. Từ giám sát, phản biện, cán bộ, công chức, đảng viên cũng phải tự điều chỉnh mình để phục vụ nhân dân, đất nước được tốt hơn” - Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị, trong thời gian tới cần tổ chức tuyên truyên sâu rộng hơn nữa về công tác giám sát, phản biện để các đối tượng giám sát, phản biện, đến mọi tầng lớp nhân dân để họ hiểu được ý nghĩa của việc này.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, cũng như những kiến nghị của các đại biểu để tổng hợp và đề xuất tới các cơ quan có thẩm quyền liên quan, giúp cho hoạt động của MTTQ ngày càng hiệu quả. Đặc biệt là công tác Mặt trận luôn được nhân dân tin tưởng, và được chính họ giao quyền đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công tác giám sát, phản biện ngày càng được chú trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO