Cái khó của giám sát và phản biện

Việt Hà (thực hiện) 03/12/2017 08:00

Cũng vì công việc tôi hay có dịp tiếp xúc với ông, khi thì ở hội nghị tại Mặt trận Trung ương 46 Tràng Thi, lúc là nhà riêng- một căn phòng khách nhỏ, ấm cúng khu tập thể Phương Mai (Hà Nội). Ở đâu cũng là những tiếng nói phản biện sổi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm. Một tinh thần rất Mặt trận - không ngại khó, không ngại khổ càng không ngại va chạm, miễn sao nói được đúng tiếng lòng của dân. Dịp này, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Đỗ


Ông Đỗ Duy Thường.

Chưa theo đúng quy trình

PV: Nếu đánh giá về hoạt động giám sát hiện nay, ông có thể chia sẻ điều gì?

Ông Đỗ Duy Thường: - Trước đây MTTQ chủ yếu là phát huy dân chủ trực tiếp của nhân dân, đưa hoạt động giám sát về cơ sở nên vận động nhân dân giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là chủ yếu. Ở thôn, làng, khu dân cư người dân giám sát việc chính quyền thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nếu phát hiện ra sai phạm thì kiến nghị cơ quan Nhà nước, chính quyền xem xét giải quyết. Giám sát đó mang hình thức dân chủ trực tiếp. Từ khi có Quyết định 217 về giám sát và phản biện xã hội của Bộ Chính trị, MTTQ bắt đầu tự mình giám sát và thành lập các đoàn giám sát theo hướng dẫn của Ban thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam.

Sau Quyết định 217, Luật Mặt trận 2015 cụ thể hóa chủ trương của Đảng về giám, sát phản biện, MTTQ đã xây dựng kế hoạch hoạt động rất mạnh là giám sát thông qua cơ quan đại diện là MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch hướng dẫn cụ thể về các hình thức giám sát. Như vậy lâu nay ta chỉ thực hiện quyền dân chủ là dân giám sát, nhưng hiện đã có cơ chế, chính sách, pháp luật giám sát thông qua đại diện của nhân dân là MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Mặt trận Trung ương căn cứ vào các đạo luật của đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thấy có vấn đề gì bức xúc sẽ tổ chức giám sát. Ví dụ ở Trung ương những năm 2014, 2015, tập trung giám sát vấn đề an toàn thực phẩm, giám sát về môi trường, giám sát chính sách đối với người có công…và chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Dưới địa phương cũng căn cứ vào các chương trình giám sát của trung ương và những vấn đề bức xúc ở địa phương để giám sát.

Còn Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có thể nói là hoạt động rất tốt, góp phần tích cực vào việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật ở xã, phường, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, giám sát các dự án đầu tư ở cộng đồng, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tác động mạnh mẽ để chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, chăm lo đời sống của nhân dân. Đồng thời phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, nâng cao trách nhiệm của người dân tham gia xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Còn vấn đề phản biện, qua những chuyến công tác về với các địa phương có thể đánh giá đây là vấn đề khó, thưa ông?

- Đúng vậy, hoạt động phản biện khó vì nó là vấn đề mới. Giám sát thì hoạt động từ khi có Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999, phản biện thì mới bắt đầu thực hiện từ sau khi có Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015. Phản biện khoa học thì các cơ quan Nhà nước làm lâu rồi, nhưng phản biện xã hội của Mặt trận là vấn đề rất mới. Qua thực tiễn hoạt động nhiều năm và vừa rồi chúng tôi có đi khảo sát 4 tỉnh về hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận thì càng thấy rõ hơn điều đó.

Có những tỉnh nói là đã làm tốt công tác phản biện, nhưng hoạt động thì chưa theo đúng quy trình, cơ chế của pháp luật Mặt trận quy định. Phần lớn vẫn là hoạt động góp ý kiến; phải hiểu giữa cơ chế góp ý kiến và phản biện có sự khác nhau. Trước đây ta góp ý vào các dự thảo văn bản pháp luật, giờ đi vào hoạt động phản biện là phải làm đúng quy trình pháp luật mới đem lại kết quả. Ngay ở Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật ở trung ương, hoạt động phản biện cũng còn những khó khăn, hạn chế, chúng ta chưa làm được đúng thực chất của hoạt động này.

Phát huy vai trò của nhân dân

Vậy trong 4 tỉnh mà Đoàn Mặt trận Trung ương đi khảo sát thời gian vừa qua, chắc chắn có những điểm sáng, thưa ông?

- Qua khảo sát tại các địa phương thì thấy TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội làm mạnh mẽ hơn. MTTQ TP. Hà Nội đã xây dựng và ký quy chế phối hợp giữa Mặt trận và HĐND, UBND về cơ chế phản biện xã hội. Thực tế khi Luật Mặt trận Tổ quốc chưa thông qua, Hà Nội đã ban hành quy chế phản biện, bây giờ thực hiện phản biện thuận lợi hơn vì có Luật Mặt trận 2015, có Nghị quyết liên tịch 403 hướng dẫn quy trình. MTTQ luôn sẵn sàng tổ chức hội nghị phản biện trên mọi lĩnh vực theo đề nghị của chính quyền cùng cấp. Chúng tôi rất mong việc này đi vào nề nếp hoạt động, từ Hà Nội.

Nếu MTTQ TP Hà Nội làm tốt việc giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước thì MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh lại làm rất hiệu quả việc giám sát cán bộ đảng viên, công chức ở khu dân cư. Tháng 8 vừa rồi chúng tôi có vào làm việc với MTTQ TP.HCM mới thấy họ có cơ chế thực hiện việc này. Ví dụ Thành ủy có những văn bản chỉ đạo Mặt trận giám sát, sau đó là ký kết giữa HĐND, UBND các cấp. Họ làm trên cơ sở cơ chế, chính sách, pháp luật nên công việc rất thuận lợi.

MTTQ đã phát huy tốt vai trò của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên về các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của Đảng, Nhà nước; thiếu trách nhiệm phục vụ nhân dân; sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc của dân; tổ chức, tham gia, bao che các hoạt động đánh bạc, môi giới buôn bán, sử dụng chất ma túy, hoạt động mại dâm; gây ô nhiễm môi trường...

Thông qua hoạt động giám sát, MTTQ các phường, xã, thị trấn của thành phố đã kiến nghị đảng ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan xem xét xử lý 26 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật, vi phạm về đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, có biểu hiện bạo hành trong gia đình, có cử chỉ thiếu tôn trọng dân, giải quyết công việc chậm để dân đi lại nhiều lần, vi phạm sinh con thứ ba, có những vi phạm về quản lý và thu chi các nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất cho người nghèo, tiếp nhận hồ sơ hộ nghèo sai đối tượng và chậm giải quyết cho dân… Kết quả, có một trường hợp phải chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự; bốn trường hợp buộc thôi việc; năm trường hợp cảnh cáo; sáu trường hợp khiển trách;…

Nói như thế để thấy rằng ở địa phương nào cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, MTTQ và chính quyền phối hợp chặt chẽ sẽ làm tốt hơn vai trò giám sát, phản biện của mình, thưa ông?

- Đúng vậy, chúng tôi thường nói với nhau đó là một trong những yếu tố, điều kiện để thực hiện tốt hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận. Hà Nội trước đây cũng làm và làm tốt Nghị quyết 05. Nhưng sau một thời gian tổng kết 5 năm, Trung ương Mặt trận và Chính phủ chưa ra văn bản kết luận có tiếp tục nữa hay không cho nên TPHCM, Quảng Bình vẫn tiếp tục làm vì văn bản vẫn còn hiệu lực. Bởi vậy MTTQ TP Hà Nội vẫn đang kiến nghị có làm tiếp hay không làm tiếp. Đây là câu hỏi từ địa phương, cơ sở.

Cái khó vẫn là cơ chế

Có thể nói những kết quả đạt được từ hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận không hề nhỏ, nhất là ở Trung ương và cấp tỉnh. Nhưng thực tế cũng cho thấy ở tuyến huyện, xã chưa đạt được sự kỳ vọng của người dân. Vậy theo ông còn ở vướng mắc ở khâu nào?

-Thực ra, giám sát ta nói mãi rồi, nhưng phản biện thì rất mới. Theo tôi, cái khó thứ nhất là chưa có thật đầy đủ cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện. Cụ thể, chưa có một luật về giám sát và phản biện. Hiện nay giám sát dựa vào nhân dân nhưng vẫn phải thông qua Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội chứ chưa có luật giám sát trực tiếp của nhân dân. Đây là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo quy định của văn bản pháp luật thì những gì liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của nhân dân thì phải ban hành bằng luật, nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa có luật giám sát của nhân dân.

Tiếp đến là sự phối hợp giữa MTTQ và các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Ngược lại sự phối hợp giữa chính quyền, cơ quan nhà nước với Mặt trận. Từ trước chúng ta vẫn nói, mọi vấn đề liên quan đến Nhà nước, chính quyền phải phối hợp thực hiện. Nhưng hệ thống của chúng ta xây dựng quy chế chưa đầy đủ. Trên Trung ương có quy chế nên làm rất đều, như hàng năm ký kết Nghị quyết liên tịch giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội; dưới nữa là với các bộ, ngành. Về địa phương, cấp tỉnh còn tương đối nhưng xuống tới cấp huyện, cấp xã thì cơ chế phối hợp đó ở nhiều nơi còn chưa được chặt chẽ.

Một khâu nữa rất quan trọng, đó là cán bộ. Giám sát, phản biện liên quan đến chính sách pháp luật mà cán bộ không nắm chắc về luật, về quy trình hoạt động thì làm sao giám sát, phản biện tốt được. Thực tế cũng khó, vì hiện vẫn chưa có một trường đào tạo cán bộ Mặt trận. Mọi việc giám sát giờ vẫn chủ yếu làm từ sự nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ Mặt trận các cấp và vận động sự tham gia của những cán bộ có trình độ và năng lực về chuyên môn đã nghỉ hưu ở khu dân cư.

Vấn đề cuối cùng tôi muốn nói là cơ sở vật chất và kinh phí. Theo quy định ở một thành phố lớn, 1 năm Mặt trận cấp phường được cấp khoảng hơn 40 triệu đồng để hoạt động. Trong đó, phụ cấp cho trưởng ban Công tác Mặt trận là 500 ngàn đồng/1 tháng, bí thư các đoàn thể 250 ngàn đồng/tháng. Nếu 1 phường rất đông khu dân cư, 1 xã rất nhiều làng thì ngân sách hoạt động co kéo lắm cũng không đủ. Đấy là kinh phí để hoạt động, còn kinh phí cho giám sát, phản biện rất ít, không đáng là bao nhiêu. Theo tôi, đó chính là 4 vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động giám sát, phản biện, dẫn đến kết quả chưa đạt được như sự kỳ vọng của người dân.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cái khó của giám sát và phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO