Lòng thanh thản

Trần Hữu Thăng 14/05/2021 16:47

Trong cuộc đời một con người có rất nhiều yếu tố tác động vào: từ bên trong và bên ngoài; từ nội tại và ngoại lai; từ chủ quan và khách quan...

Trong cuộc đời một con người có rất nhiều yếu tố tác động vào: từ bên trong và bên ngoài; từ nội tại và ngoại lai; từ chủ quan và khách quan; từ những may mắn và không may mắn; từ kiến thức sách vở và thực tế sinh động; từ hôm nay và ngày mai... và còn rất nhiều yếu tố không thể kể hết ra được. Vì thế, trong các thư viện cũng như trong các hiệu sách có đến hàng ngàn hàng vạn cuốn sách dạy về các kỹ năng sống, dạy sự khôn ngoan, dạy cách kiếm tiền, dạy cách lấy lòng mọi người... làm cho chúng ta lúng túng, không biết làm sao để chọn lọc cho chính xác, cho phù hợp với hoàn cảnh của từng người. May mắn thay, ở thế kỷ trước, nhà triết học vĩ đại người Đức là Reinhold Niebuhr (1892 – 1971) đã tìm giúp chúng ta công thức hết sức ngắn gọn, hết sức dễ nhớ, dễ hiểu để có thể tồn tại được và phát triển bản thân được trong những điều kiện bình thường, giống như mọi người. Công thức này đáng quý ở chỗ ai cũng có thể thực hành được, ai cũng có thể áp dụng cho mình được dù ở lứa tuổi nào, dù ở tầng lớp xã hội nào. Cái công thức vĩ đại ấy là: “Xin Thượng đế hãy ban cho tôi ba điều: 1/ Lòng thanh thản để biết chấp nhận những điều mà tôi không thể thay đổi được. 2/ Lòng can đảm để tôi làm được những điều mà tôi có thể thay đổi được. 3/ Sự khôn ngoan để tôi phân biệt được hai điều đó”.

Phân tích kỹ mới thấy Reinhold Niebuhr thật đáng quý, đáng kính trọng biết bao. Ở mệnh đề thứ nhất cho ta thấy cuộc sống hàng ngày thật vô cùng khó khăn, vất vả. Lúc bé thì phải chăm chỉ hết sức để không bị đuối so với các bạn trong tổ, trong lớp. Lớn lên càng học cao càng khó nhọc, có khi hàng trăm người mới có một người được trúng vào đại học. Học hết đại học rồi, có hàng vạn cử nhân thất nghiệp vì đâu có dễ tìm được việc làm. Trong các xí nghiệp, cơ quan, công xưởng, do kỹ thuật ngày càng cải tiến, nên mọi người phải cạnh tranh nhau để giữ được chỗ làm việc. Nỗi lo thất nghiệp luôn thường trực đối với người lao động, nhất là khi áp dụng trí tuệ nhân tạo, rô bốt hóa, tự động hóa không cần đến nhiều nhân lực nữa. Những ai muốn tồn tại phải tự nâng cao trình độ của mình để trở thành người có chất lượng cao mới phù hợp được với yêu cầu của công việc. Đúng như triết gia Mac Anderson (1919 – 1979) đã tổng kết: “Thất bại luôn chiếm phần lớn trong cuộc sống của chúng ta”. Vì thế ta cứ phải luôn cố gắng, luôn phấn đấu, nhưng tình thế vẫn rất khó khăn, ta có thể bị gạt ra khỏi công việc bất cứ lúc nào. Khi đó ta đành phải nhẫn nhịn mà chịu đựng để chờ cơ hội khác chứ biết làm sao bây giờ. Vì thế ta phải biết chấp nhận thất bại, biết chịu đựng trước những hoàn cảnh ta không thể xoay chuyển được, biết chấp nhận hoàn cảnh mới. Như vậy, lúc này, Lòng thanh thản, Tâm bình an sẽ là vũ khí quan trọng giúp ta không lo sợ quá mà gục ngã, mà đổ bệnh. Có Lòng thanh thản, có Tâm bình an rồi ta mới đủ can đảm để tìm lối thoát mới, thậm chí bắt đầu lại từ số không. Nếu ai không rèn luyện được Lòng thanh thản, Tâm bình an để chấp nhận những gì mà mình không thể nào thay đổi được thì hoặc sẽ gục ngã vì bệnh tật, hoặc sẽ nhầm đường lạc lối mà đi theo cái tiêu cực, cái không chính đáng.

Sang đến mệnh đề thứ hai trong lời dạy của Reinhold Niebuhr là “Lòng can đảm để làm việc, để hành động trước những tình thế mà ta có thể thay đổi được, làm chủ được”. Điều này cũng cần đòi hỏi sự cố gắng rèn luyện dần dần ngay từ tuổi thiếu niên cho đến tuổi trưởng thành. Nếu gặp cơ hội có thể được, gặp hoàn cảnh thuận lợi ta không được bỏ lỡ, không được bỏ phí, phải bắt nhịp ngay, phải hòa mình ngay để tạo dựng sự nghiệp cho bản thân mình. Lòng can đảm mà Niebuhr đã nêu ra còn được soi sáng ở các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não gây liệt nửa người, ở những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim phải đặt stent động mạch vành. Trong những trường hợp thoát được những hiểm nguy đột quỵ đó, ai có lòng can đảm, sự quyết tâm rèn luyện, quyết tâm tin tưởng vào các biện pháp điều trị sẽ chiến thắng được bệnh tật trong tình thế mới, trong hoàn cảnh mới. Kết quả thực tế điều trị ở Khoa Chống đột quỵ tại các bệnh viện lớn đã chứng minh cho tác dụng của Lòng can đảm mà người bệnh đã có để tự cứu chính mình. Trái lại với những ai hèn nhát, bi quan, lo lắng, sợ hãi sẽ chết sớm và không có hy vọng nào để hồi phục, để trở lại với cuộc sống bình thường.

Sang đến mệnh đề thứ ba mà Niebuhr nêu lên mới thật là quan trọng, sâu sắc và thú vị. Vì nó đòi hỏi cả kiến thức xã hội, kiến thức tự nhiên, kinh nghiệm sống, sự từng trải, sự nếm mùi đau khổ, cay đắng mới vỡ vạc ra để hiểu rõ mệnh đề thứ ba này.

Nếu không đủ trí khôn mà nhầm lẫn giữa cái không thể thay đổi được mà cho là có thể thay đổi được thì hậu quả là khôn lường, có khi tan cửa nát nhà, thân bại danh liệt. Trái lại, nếu gặp đúng cơ hội có thể thực hiện được mà lại nhầm lẫn là không thể làm được, đành chịu thua, thì tức là mất cơ hội, có khi là cơ hội cả đời chỉ đến với ta có một lần, thật ân hận suốt đời!

Mở rộng ra, có những khi ta nhầm lẫn đến nỗi đã dẫn đến:

- Cái cần thận trọng lại không thận trọng.

- Cái cần tiết kiệm lại không tiết kiệm hoặc ngược lại.

- Cái cần liều lĩnh lại không dám liều lĩnh hoặc ngược lại.

Việt Nam ta cũng có những câu ca dao, tục ngữ rất cụ thể để chỉ dạy cho con người lúc nào cũng phải tỉnh táo, sáng suốt lựa chọn mọi việc, đó là:

+ Trăng đến rằm, trăng phải tròn.

+ Thuyến đã đông người thì thuyền phải sang sông.

+ Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.

+ 30 chưa phải là Tết.

+ Bàn tay có ngón dài ngón ngắn.

+ Ai nắm tay đến tối, ai duỗi tay đến sáng...

Cứ hiểu đầy đủ, áp dụng sáng tạo. Vài lời dạy của ông bà ta vừa nêu trên áp dụng được cũng vô cùng khó nhọc, phải bao nhiêu chữ nghĩa, bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới khôn ra được, tỉnh ngộ ra được.
Đến đây có thể tạm sơ kết bằng sơ đồ sau:

Tâm bình an → Lòng thanh thản → Cái có thể thực hiện được → Phải tranh đấu, nỗ lực.

Tâm bình an → Lòng thanh thản → Cái không thể thực hiện → Nhẫn nhịn, chờ dịp khác.

Như vậy muốn thực hiện tốt lời dạy của Reinhold Niebuhr ta cần chú trọng mấy kỹ năng sau đây để luyện Tâm bình an, để luyện Lòng thanh thản từ lúc niên thiếu cho đến mãi mãi, cho đến lúc về già vẫn phải tiếp tục rèn luyện.

Triết gia bậc thầy Samuel Johnson (1709 – 1784) trong tác phẩm “Thư gửi Bosurell” đã viết câu để đời: “Đời sống không có thể tồn tại được ở trong một xã hội nếu không có sự nhường nhịn lẫn nhau”. Đáng quý thay lời bậc thầy dạy ta sự nhường nhịn, sự san sẻ, sự chín bỏ làm mười để mà chung sống. Việt Nam ta có câu: “Làm bạn thiệt mình” cũng chính là dạy ta biết nhường bạn, biết nhận phần thiệt về mình thì mới giữ được tình bạn lâu dài, giữ được hòa khí trong gia đình, trong họ tộc, trong cộng đồng để cùng giúp đỡ nhau làm ăn phát triển. Còn gì đau lòng hơn anh em, hàng xóm tranh nhau mấy tấc đất mà dẫn đến đâm chém nhau, đưa nhau ra tòa kiện tụng. Thành ra cái kỹ năng Thiền định số 1, kỹ năng Tâm bình an số 1 của Yoga, của các môn võ thuật chính là tính nhẫn nại, chịu đòn, chịu nhịn để tĩnh tâm, để tích trữ năng lượng cho những việc lớn hơn, những việc quan trọng hơn. Sự tĩnh lặng, lặng lẽ một mình tập luyện, một mình trưởng thành tạo ra một nội tâm bình an, từ đó tạo ra Trí tuệ, tạo ra sự khôn ngoan. Ngạn ngữ cổ phương Đông đã chỉ rõ: “Chỉ có ở những mặt hồ yên tĩnh phẳng lặng, ta mới chiêm ngưỡng được các vì tinh tú”.

Xin chúc cho tất cả chúng ta luôn có một mặt hồ yên tĩnh trong thế giới nội tâm để có dịp thưởng ngoạn các vì sao lấp lánh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lòng thanh thản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO