Lỗ hổng chết người trong khâu cách ly

Nguyễn Dương Duy 14/05/2021 08:00

Trước việc liên tiếp 3 trường hợp mắc Covid-19 xuất hiện sau khi ra khỏi khu cách ly, khiến Việt Nam bùng phát một đợt dịch mới, cả cơ quan chức năng và các chuyên gia đều đặt dấu hỏi về các lỗ hổng trong cách ly. Nhiều ý kiến cho rằng đây là “lỗ hổng chết người” trong đại dịch Covid-19.

Nhân viên y tế Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) sau khi có quyết định phong tỏa. Ảnh: Nguyên Khánh.

Cụ thể, bệnh nhân 2899 sau khi kết thúc cách ly tại Đà Nẵng đã tự đi xe khách về quê, sau đó đi giao lưu ở nhiều nơi, lây nhiễm cho ít nhất 18 người khác. Nhóm chuyên gia Trung Quốc sau cách ly tập trung cũng tự tiện di chuyển khắp nơi, đi bar, vào Đà Nẵng, đi Lai Châu, mà không hề có cơ quan nào quản lý, nhắc nhở, theo dõi sức khỏe. Hay bệnh nhân Covid-19 người Ấn Độ trú tại Park 10 (Times City, Hà Nội) cũng tự đi taxi từ khu cách ly ở Hải Phòng về Hà Nội, và chỉ được phát hiện mắc bệnh khi tự đi xét nghiệm dịch vụ.

Trước đó, trường hợp bệnh nhân người Nhật tử vong tại khách sạn ở quận Tây Hồ (Hà Nội) thì chỉ khi bệnh nhân này qua đời, công an và chính quyền địa phương mới biết là có người sau cách ly về cư trú tại địa bàn.

Nêu một số dẫn chứng gần đây nhất để một lần nữa thấy rằng việc quản lý trong khu cách ly; bàn giao, quản lý người sau khi ra khỏi khu cách ly là khá lỏng lẻo. Đây là khâu quan trọng trong chu trình phòng, chống Covid-19 nhưng đã không được nhận thức một cách đúng mức. Một mắt xích bị hỏng sẽ làm sợi xích đứt văng.

Chính vì thế, 4/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, khi chủ trì cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo đã nhấn mạnh tới công tác cách ly. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo từ 0 giờ ngày 5/5, các trung tâm cách ly chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung (14 ngày) về địa phương. Trong ngày 4/5 phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly quán triệt, nhằm bảo đảm việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú. “Phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề: Người từ nơi cách ly đi về như thế nào? Chính quyền địa phương, cơ sở, nòng cốt là y tế và công an, có trách nhiệm đến bàn giao đến từng gia đình ra sao? Người hoàn thành cách ly tập trung phải thực hiện những gì trong 14 ngày theo dõi, giám sát y tế?

“Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, đi ăn uống, tới những nơi công cộng mà không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng, cực kỳ nguy hiểm” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Trong đợt dịch này, không ít trường hợp cho thấy quản lý người trong khu cách ly, sau cách ly rất lỏng lẻo. Đối với việc 4 người Ấn Độ mắc Covid-19 và lây nhiễm sang một nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái) - nơi chuyên gia cách ly đã cho thấy có sự chưa chặt chẽ trong quy trình quản lý người cách ly. Cùng với đó là việc nhóm chuyên gia người Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày lẽ ra theo quy định sau khi được đưa về công ty cần phải tiếp tục được chính quyền địa phương sở tại giám sát sức khoẻ thêm 14 ngày nữa mới được coi là kết thúc quá trình cách ly - thì cũng đã bị buông lỏng, gây lây nhiễm ra cộng đồng. Thật đáng sợ khi đối tượng đã đi khắp nơi từ Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái) đến Tân Uyên (Lai Châu), sang Sapa (Lào Cai) và về Vĩnh Phúc. Và rồi, mãi cho đến khi về nước (ngày 29/4) người này mới được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Lúc đó, tình hình lập tức căng thẳng ở nhiều địa phương, các biện pháp truy vết được kích hoạt để truy tìm, xét nghiệm những người tiếp xúc gần.

Trong trường hợp bệnh nhân 2899, về từ Nhật Bản, cách ly tập trung theo quy định tại Đà Nẵng trước khi về Hà Nam cũng cho thấy mức độ nguy hiểm khi cách ly, bàn giao, theo dõi người sau cách ly cũng hết sức lơi lỏng. Kể từ ngày 27/4, khi xác định người này tái dương tính với SARS-CoV-2 thì cũng là lúc cơ quan chức năng công bố có thêm hàng chục bệnh nhân liên quan ca bệnh này tại 5 tỉnh thành gồm Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội và TPHCM. Bệnh nhân 2899 đã trở thành “ca siêu lây nhiễm” thì trách nhiệm không chỉ thuốc về người này mà còn phải là trách nhiệm của chính quyền, y tế địa phương (cụ thể là Hà Nam và Đà Nẵng).

Sau khi vụ việc bùng ra, ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết nếu thực hiện khoanh vùng, xét nghiệm sớm, tình hình sẽ không phức tạp đến mức này. Ông Huy cũng cho biết, chỉ với 1 ca Covid-19 thôi mà Hà Nam đã phải truy vết và lấy mẫu toàn bộ trên 600 F1 (ngày 3/5), sau đó nhiều địa phương trong tỉnh đã phải phong tỏa.

Ông Huy cũng cho rằng phải có sự phối hợp giữa nơi tổ chức cách ly và địa phương, hiện phần này chưa được tốt. Nếu làm tốt phần này cộng với ý thức công dân tốt hơn, họ hiểu rằng việc khai báo sức khỏe của mình sẽ đảm bảo cho chính mình và cộng đồng thì việc phòng chống dịch sẽ tốt.

Cũng cần nhắc lại, theo Công văn 45 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa nếu trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa, không tuân thủ quy định cách ly, từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly, không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù đến 12 năm.

Đối với người có trách nhiệm quản lý khu cách ly, nếu có lỗi trong việc quản lý, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến việc người bị cách ly trốn khỏi khu cách ly làm phát sinh chi phí truy vết, chống dịch hoặc người bị cách ly lây dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì có thể bị xem xét xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lỗ hổng chết người trong khâu cách ly

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO