Vai trò của Bí thư cấp ủy

Hoài Vũ (thực hiện) 14/05/2018 08:01

Đề án trình Trung ương 7 về công tác cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, cơ bản bố trí Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Vai trò của Bí thư cấp ủy

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tham nhũng trong công tác cán bộ.

PV: Thưa ông, ông suy nghĩ sao khi trong đề án công tác cán bộ được Trung ương 7 cho ý kiến lần này có vấn đề Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương?

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn: Đây không phải là vấn đề mới bây giờ mới đặt ra. Trước đây, vấn đề này đã được quy định trong các Quyết định 37 và 24 của Đảng. Có điều chúng ta thực hiện chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, tôi cho rằng đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tham nhũng trong công tác cán bộ, nhất là việc bố trí người thân, người quen, người cùng cánh hẩu vào vị trí lãnh đạo.

Tôi xin nhấn mạnh, không phải bây giờ mà từ thời phong kiến cũng đã quy định, người đứng đầu địa phương không phải người địa phương, thậm chí còn cấm mua bán đất đai, lấy vợ ở vùng đó để tránh bị tác động bởi các mối quan hệ. Thời phong kiến đã quy định chặt chẽ đến như vậy. Đến nay Trung ương đánh giá lại thấy rằng việc thực hiện Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương không đến nơi đến chốn, nhiều nơi không thực hiện, còn để xảy ra sai sót lớn. Sai sót do nhiều cơ chế chứ không chỉ riêng lãnh đạo cấp ủy là người địa phương nhưng bây giờ yêu cầu Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương thì cơ chế sẽ chặt chẽ hơn.

Theo ông, vì sao quy định về Bí thư cấp ủy không phải người địa phương đã có rồi nhưng thời gian qua nhiều nơi lại không thực hiện và đến nay lại phải tiếp tục yêu cầu thực hiện?

- Tổ chức thực hiện vẫn đang là khâu yếu nhất. Đã yếu thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý. Trung ương 7 xác định đây là giải pháp đột phá. Như vậy, thấy đúng là phải cương quyết làm, vừa rồi không làm đến nơi đến chốn dẫn đến hậu quả nhiều nơi bố trí cán bộ không đúng. Theo tôi, nếu làm được sẽ đỡ và hạn chế được tình trạng cục bộ, bố trí người thân, người nhà vào vị trí thân quen, cánh hẩu.

Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận, trong công tác cán bộ, công tác kiểm tra đang là khâu kém nhất từ trước đến nay. Ai lục hồ sơ xem có đủ tiêu chuẩn hay không? xem xét xem sai ở đâu? Ví dụ lý lịch có “bằng cấp này, bằng cấp kia” nhưng đưa bằng dởm vào cũng không biết. Đến khi bị kiện cáo mới lộ ra bằng dởm, chứ ban đầu không xác minh, kiểm tra nghiêm túc. Ngay như chuyện kê khai tài sản, có mấy ai rà soát xem lại có ai kê khai không đúng?

Theo ông, khi Bí thư cấp ủy không phải người địa phương, chúng ta sẽ ngăn chặn được tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ?

- Để ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ, không chỉ riêng Bí thư cấp ủy không phải người địa phương mà còn có nhiều vấn đề khác nữa. Quan trọng nhất là tiêu chuẩn đạo đức của người đứng đầu cấp ủy. Dù không phải người địa phương nhưng nếu phẩm chất đạo đức kém cũng sẽ câu kết để tham nhũng. Cũng phải nói thêm, thời gian qua tinh thần phê và tự phê chưa được phát huy cao độ. Bởi còn có vai trò của Ban thường vụ cấp ủy chứ không chỉ riêng mỗi bí thư. Khi thấy không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn giơ tay biểu quyết bỏ phiếu thì phải chịu trách nhiệm chung.

Hiện chúng ta xử lý người có quyền, nhưng quyền là của tập thể chứ không phải một người có quyền. Tập thể Ban thường vụ chịu trách nhiệm cuối cùng, cho nên không đủ tiêu chuẩn mà vẫn quyết định cho đề bạt thì là sai. Đó chính là trong phê và tự phê tính chiến đấu kém, biết không đúng nhưng vẫn không đấu tranh. Ví dụ trong Ban thường vụ có 13 người, bí thư chỉ là 1, còn 12 người khác nữa chứ. Biết không đúng nhưng vẫn giơ tay biểu quyết chứng tỏ anh cũng sai.

Như vậy muốn ngăn chặn hiệu quả điều cốt lõi là phải kiểm soát quyền lực, thưa ông?

- Muốn kiểm soát quyền lực phải có cơ chế, quy chế, quy định về việc phải làm theo các bước quy trình để không có gì có thể lợi dụng được. Phải quy trình hóa các khâu, và ai chịu trách nhiệm? Bên cạnh đó cấp trên cũng phải tăng cường kiểm tra giám sát đối với cấp dưới, ví như Ủy ban Kiểm tra cấp huyện không thể kiểm tra giám sát Bí thư huyện, mà phải là Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh.

Cũng như kê khai tài sản vậy, kê khai rất nhiều nhưng ai xác minh, so sánh tài sản lúc vào, lúc ra, năm này, năm khác bổ sung thế nào. Trong 1 năm mua nhà mà không bổ sung vào bản kê khai tức là không trung thực với Đảng. Cho nên bây giờ phải công khai bản kê khai tài sản để người dân biết. Dân không biết sao có thể giám sát được bản kê khai của cán bộ là đúng hay sai? Mặt khác, khi phát hiện ra tài sản đó không giải trình được phải tịch thu hết.

Luật phải nghiêm ở mức đó thì mới được. Chứ tài sản của con vậy con còn nhỏ làm gì mà có được tài sản lớn đến thế? cũng giống như mẹ già ở quê làm gì có tiền mà có đứng tên biệt thự, biệt phủ to như thế? Cơ chế phải chặt chẽ mới ngăn được tham nhũng.

Thời gian qua chính là do cơ chế chưa chặt chẽ cộng với việc không dám “đụng” vào vì có khi nó “đụng” luôn mình. Đây là cuộc chiến không hề đơn giản thậm chí càng ngày càng khó lường. Nhưng theo tôi, Bí thư cấp ủy không phải người địa phương cũng là một trong những giải pháp đột phá. Nếu thực hiện nghiêm sẽ tránh được những khuyết điểm trong thời gian qua như đưa người nhà không đủ tiêu chuẩn vào làm lãnh đạo.

Theo ông cần cơ chế gì để người dân, báo chí cũng là một trong những khâu kiểm soát quyền lực?

- Chúng ta đã có Quyết định 218 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó phát huy vai trò của nhân dân trong công tác cán bộ. Vừa qua chính người dân và báo chí đã góp phần dân chủ hóa trong công tác cán bộ. Phát huy sức dân mới đem lại hiệu quả trong công tác cán bộ, cũng như trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Muốn phát huy được sức dân, trước hết người dân phải biết thông tin về cán bộ. Dân muốn biết thông tin tại sao bản kê khai tài sản lại không công khai? Mà, tài sản thế nào người dân biết hết vậy sao ta phải giấu? Như thế càng để cho đối tượng xấu chống phá xuyên tạc. Cho nên công khai minh bạch là cách đấu tranh có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, muốn phát huy sức dân phải có hàng loạt giải pháp như nâng cao trình độ dân trí, trách nhiệm của nhân dân, trách nhiệm của cơ quan báo chí và phải cung cấp thông tin cho người dân một cách đầy đủ, chính xác.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

“Đề án về Chiến lược công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết đội ngũ cán bộ cấp chiến lược… do Trung ương bàn định tại Hội nghị lần này là một hệ thống bài bản, toàn diện nhất, xét trong hai chục năm qua, kể từ sau Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, về công tác cán bộ. Hội nghị lần này cũng bàn đến 2 đề án khác là vấn đề cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội - những tiền đề căn bản bảo đảm cho việc thực hiện Đề án về công tác cán bộ. Đó là nhóm chỉnh thể đại sự của công cuộc đổi mới hiện nay, là nhân tố quyết định thành công của cuộc vận động lịch sử của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong bối cảnh mới hiện nay.
Hy vọng sau Hội nghị Trung ương lần này, các quan điểm được định vị, sáng rõ hơn; quyết tâm kiên định, kiên trì hơn; lộ trình minh bạch hơn, phù hợp hơn, hệ giải pháp thật sự khả thi và lượng hóa rõ ràng hơn, các điều kiện được bảo đảm đầy đủ, kịp thời hơn… để thực hiện một kỳ công, thậm chí là một mơ ước mà lâu nay muôn dân chúng ta vẫn trăn trở và ước mong về một đội ngũ xứng đáng và đủ tầm vóc dẫn dắt dân tộc, mà sẵn sàng càng đồng hành mạnh mẽ cùng với Đảng làm cho kỳ được”.

H.M.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò của Bí thư cấp ủy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO