Làm sao nướng được mẻ bánh ngày xưa

ngọc anh 16/09/2020 14:00

Chỉ là một chiếc bánh quy thôi mà. Bánh quy ngày xưa có bột mì, trứng gà và đường. Bánh quy bây giờ vẫn có bột mì, trứng gà và đường, cộng thêm vô vàn hương vị khác.

G. thân mến!

Sắp sửa trung thu rồi. Hôm nay tôi đi làm trên dọc đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) thấy trên vỉa hè đã tràn ngập các quầy bán bánh trung thu. Nhãn hiệu nào cũng đẹp rực rỡ. Rồi tôi đi xuôi Hàng Lược xuống Lương Văn Can, đồ chơi trung thu cũng đã đầy ăm ắp. Lại nhớ tuổi thơ của chúng mình, háo hức chờ trung thu để được ăn bánh dẻo, bánh nướng. Để được có cái đèn ông sao xanh đỏ.

Bây giờ đang có phong trào làm bánh trung thu handmade. Nghe thì có vẻ thế, chứ thực ra người tự nghiền bột làm vỏ bánh thì ít lắm. Thường là người ta mua sẵn vỏ, có khi mua sẵn cả nhân, về đóng khuôn thành cái bánh. Thế cũng bảo là tự làm bánh rồi.

G. thân!

Bệnh nhớ ngày xưa là của những người cổ, nó báo hiệu rằng chúng ta thực ra đang già đi. Bằng nhiều biểu hiện, mà đôi khi tự chúng ta không nhận ra hoặc không chịu nhận ra.

Trong những cách để lưu giữ ký ức ngày xưa, tôi thường gửi vào những món ăn. Những món ăn được làm theo cách của ngày xưa, mang hương vị của ngày xưa.

Hôm nọ có người bạn bảo nhớ hương vị bánh quy ngày xưa quá, nướng cho một mẻ đi. Những chiếc bánh của hoài niệm. Ngày chớm tết, mang gạo đổi bột mì, trứng gà dành dụm từ những ổ rơm ngoài vườn, túi đường chắt chiu mỗi tháng một chút… Gói ghém mang tới lò, bồn chồn chờ đợi cả buổi, có khi cả ngày, để mang được về nhà cân bánh quy thơm tho, gói cẩn thận chờ sáng mùng Một tết. Vị khách đầu tiên tới nhà, mới bày ra, suýt xoa bên chén trà tỏa làn hơi mờ xanh, ngắm mưa rây bụi trên những tán cây ngoài sân. Một niềm thỏa mãn đơn sơ nở bừng trong giá rét.

G. ơi! Nhớ hương vị bánh quy ngày xưa quá. Là nhớ, không chỉ bánh quy. Nhớ những ngày cuối năm tất bật thu vén. Nhớ nỗi lo toan sao cho đủ đầy. Nhớ sự bận rộn khủng khiếp mà không ai hiểu tại sao lại bận đến thế, tại sao nhiều việc phải làm đến thế, tại sao nhiều việc chưa làm đến thế. Nhớ cái nôn nao khi chạm tay vào những tờ lịch cuối. Nhớ cảm giác thanh tân của ngày đầu năm mới…

Chỉ là một chiếc bánh quy thôi mà. Mà nhớ tới bánh quy là nhớ cả ngày xưa. Bạn muốn tìm lại điều gì trong chiếc bánh nhỏ bé ấy? Tuổi thơ. Niềm vui. Hạnh phúc. Gia đình. Ngôi nhà cũ. Một sớm mùa xuân. Một đêm gió rét. Một nỗi nhọc nhằn. Hy vọng. Tình yêu. Đổ vỡ… Một chiếc bánh nhỏ bé có gánh nổi ngần ấy thứ không?

Bạn bảo bánh quy ngày xưa ngon hơn bây giờ. Hay cảm giác của ngày xưa ngon hơn bây giờ? Hay mình của ngày xưa tươi xanh hơn bây giờ?

Chỉ là một chiếc bánh quy thôi mà. Bánh quy ngày xưa có bột mì, trứng gà và đường. Bánh quy bây giờ vẫn có bột mì, trứng gà và đường, cộng thêm vô vàn hương vị khác. Khi mang bánh quy ngày xưa và bánh quy bây giờ đặt lên bàn cân, bạn có còn nghĩ bánh quy ngày xưa ngon hơn bây giờ?

Nhưng bạn vẫn khăng khăng bánh quy ngày xưa ngon hơn bây giờ. Có phải vì chiếc bánh ngày xưa được pha thêm hương vị là những ngày tháng chắt chiu, bột được nhồi bằng bao nỗi lo toan, bánh được nướng bằng ước vọng ngày mai sẽ tươi sáng hơn. Như bao nhiêu người xác tín một niềm rằng, bước chuyển thời gian giữa năm cũ và năm mới là khoảng thời gian thiêng liêng hơn những khoảng thời gian khác; buổi sáng mùng một Tết có hương vị riêng mà không một buổi sáng nào trong năm có được; và con người của năm mới sẽ không còn là con người của năm cũ…

Làm sao mà nướng được cho bạn một mẻ bánh của ngày xưa?

Bây giờ tôi đã làm những cái bánh mang hương vị khác ngày xưa. Nhưng thỉnh thoảng, trong một nỗi nhớ ngày xưa đến quặn lòng, tôi đã làm những cái bánh của ngày xưa. Như có hôm làm bánh mì quên bơ quên dầu, chỉ có bột mì, nước, men và muối. Lấy bánh ra khỏi vỉ, mùi còn vương mãi trên tay. Một thứ mùi mộc mạc, dịu dàng, ngọt ngào. Không phải ngọt của vị ngọt, mà đó là cái ngọt ta cảm nhận từ tâm tưởng, của một thứ gần gụi, quen thuộc. Nói chung là dễ chịu.

Và chợt nhận ra tại sao mỗi chuyến đi xa, ta đều cần tới bánh mì. Để mùi bột át đi mùi tàu xe hôi hám. Để tinh bột dằn dạ dày xuống mỗi khi cơn nôn trào ngược lên ngực. Điều này thì biết từ lâu. Điều giờ mới biết là chân thực mùi bột nguyên chất ấy, mùi của thứ cực kỳ quan trọng nuôi ta sống, là thứ mùi tinh khôi nhất, nồng nàn nhất, giản dị mà mê hoặc nhất. Như ta chưa bao giờ thôi mê muội khi nồi cơm sôi lục bục, khi chõ xôi tỏa khói, hay như tối nay khi mùi bánh mì tỏa hương trên tay ta. Vậy nên khi ở Hà Giang, ta say xe ngất ngây khi bên cạnh là một túi bánh mì bơ vàng mượt. Chỉ sau hai giây, ta hít vào không còn là mùi bột tinh nguyên mà là một thứ mùi ngọt ngọt, khét, gây. Hai giây sau nữa thì thứ mùi hỗn tạp ấy thành khó chịu làm cơn say xe tăng thêm một cấp. Chỉ có chiếc bánh mì (bột mì + muối) không hề thay đổi. Khi nó còn là chiếc bánh mới, mềm mịn, tới khi khô khốc đi trong tay ta ở cuối chặng đường, vẫn phảng phất mùi hương ngọt ngào.

G. thân!

Hơn tất cả mọi thứ mùi sang trọng và đắt tiền, tôi luôn luôn có cảm giác cực kỳ dễ chịu khi tinh bột tỏa hương. Kín đáo, nhẹ nhàng, thanh khiết. Giữa cơn ốm, nồi cháo sôi trên bếp là thứ mùi làm dễ chịu nhất. Khi bực bội, không phải mùi nước hoa làm bớt đau đầu mà nhiều lần làm tôi cảm thấy kinh sợ. Khi mùi bánh mì kiên nhẫn len lỏi trong từng hạt không khí trong căn phòng tôi làm bánh đêm nay, đó là mùi hương hấp dẫn nhất trên đời, mùi hương cũ kỹ có lẽ tuổi cũng già gần bằng tuổi sự sống, nhưng đủ sức đánh bại mọi thứ mùi cầu kỳ nhất, được tạo ra bằng kỹ thuật tiên tiến nhất.

Mùi bánh mì, mùi cơm, hình như là thứ mùi hương thân thuộc từ trong tiềm thức sâu thẳm của kiếp người.

Mùi hương của sự giản dị và tinh khôi ấy, tôi gọi là sự quyến rũ vĩnh cửu.

Khi tôi nói những điều này trong một bữa tiệc nào đấy mọi người đang ăn uống say mê, họ sẽ nhìn tôi như một người từ hành tinh nào đấy. Những người thân thiết vẫn nghĩ tôi giống như không bình thường khi mà lúc nào cũng níu kéo ngày xưa, lúc nào cũng thèm những hương vị nguyên sơ của rơm rạ, của đất đai, của gạo, của bột mì.

Tôi nhìn những hộp bánh trung thu ngày càng cầu kỳ rực rỡ, tiền vỏ hộp có khi còn đắt hơn tiền bánh, mà nhớ những chiếc bánh trung thu giản dị ngày xưa.

Bao giờ thì làm được cái bánh có hương vị ngày xưa?

Có lẽ là không G. nhỉ? Mà như thế có lẽ cũng đúng với qui luật cuộc sống hơn. Hãy để những cái bánh của ngày xưa chỉ còn trong ký ức!

Chào G. nhé!

Hẹn gặp ở thư sau!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sao nướng được mẻ bánh ngày xưa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO