Tín dụng vẫn còn xa đích

Hồ Hương 21/11/2017 10:10

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể không đạt con số 21- 22% như kỳ vọng nhưng quan trọng hơn là chất lượng tín dụng đã tốt hơn. Trong khi đó nhiều ý kiến cũng cho rằng, các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không phải là bắt buộc mà phụ thuộc vào kết quả của toàn hệ thống.


Tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt được kì vọng.

Đếm ngược từng %

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến 24-10, tổng dư nợ đối với nền kinh tế tăng 12,83% so với cuối năm 2016; trong khi đó cùng kỳ năm 2015 tăng 11,93%, năm 2016 tăng 12,45%. Như vậy so với con số định hướng 21% mà Chính phủ giao cho ngành ngân hàng thì khoảng cách đến đích vẫn còn khá xa.

Cũng tính đến thời điểm này, toàn hệ thống các ngân hàng đang chạy đua với kế hoạch hành động cuối năm. Theo TS Bùi Quang Tín (giám đốc Trường Doanh nhân Bizlight), thông thường trong các tháng quý cuối của năm, hệ thống ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng 2%c – 3%/ tháng, như vậy toàn hệ thống có thể mức tăng trưởng xung quanh con số 17% - 19%.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đưa ra con số tăng trưởng chỉ là định hướng. Việc nâng tăng trưởng tín dụng của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7% năm 2017. Và để đạt mục tiêu tăng trưởng cuối năm, điều quan trọng là phải cải thiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, hạ lãi suất để kích thích vay vốn sản xuất kinh doanh. Nhiều tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, ADB đã khuyến cáo, Việt Nam nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng thay vì số lượng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng và GDP nếu đạt được phải đi kèm với việc cải thiện môi trường kinh doanh một cách bền vững thì mới có giá trị lâu dài.

Trả lời chất vấn của Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng 21% không phải là chỉ đạo của Chính phủ. Người đứng đầu NHNN khẳng định, đến nay, ngành ngân hàng vẫn kiểm soát chặt chẽ tổng mức tăng trưởng tín dụng cũng như chất lượng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng bền vững. NHNN điều hành chính sách tiền tệ căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ để tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt quanh mức 18%.

Cũng theo khẳng định của NHNN, tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh. Cụ thể, với các lĩnh vực ưu tiên: Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 10/2017 tăng 19,0%, chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ cho vay nền đối với kinh tế; Tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu đến cuối tháng 8/2017 tăng 8,14%; cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 25,12% so với năm 2016.

Với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 18,90%; với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,49% và chiếm tỷ trọng 20,89% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ tích cực về nguồn vốn cho GDP 9 tháng đầu năm, tăng 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của 9 tháng đầu năm 2016.

Quyết liệt xử lý nợ xấu

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đặt ra, có dấu hiệu ngân hàng chạy đua tín dụng dẫn đến việc có thể vốn cuối năm dồn cục, chảy vào các lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng… chưa kể các gánh nặng nợ xấu cũng như sở hữu chéo sau nhiều năm vẫn còn. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, với lĩnh vực cho vay rủi ro như chứng khoán, bất động sản, NHNN đã có giải pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp.

Riêng việc cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán, NHNN quy định rất rõ ràng, chặt chẽ. Thống đốc cho biết, điều kiện để cho vay chứng khoán là các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay; ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán giới hạn 5% vốn điều lệ… thì còn có thể kiểm soát chặt rủi ro. Ngay sau khi Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, NHNN đã ban hành nhiều văn bản cũng như đưa ra nhiều hành động để thực hiện.

Chẳng hạn như việc NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 trong toàn ngành ngân hàng; đồng thời, NHNN đã có các văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng (theo từng nhóm, loại hình) xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020. Theo đó, công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng vẫn còn xa đích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO