Gia Lai thương nhớ

Hoài Dương 26/11/2017 07:00

Mùa này, Gia Lai hấp dẫn du khách bởi loài cỏ hồng mang tên cỏ đuôi chồn, khi chúng bắt đầu chuyển sang sắc hồng bao phủ cả một vùng đất dài như vô tận. Phố núi Pleiku mơ màng trong sương sớm. Ngày 1/12 tới, Lễ hội hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đăng Ya sẽ diễn ra ngay tại chân núi lửa Chư Đăng Ya...


Biển Hồ Gia Lai.

Gia Lai không quá nổi tiếng về du lịch như Đà Lạt, bởi vậy, nơi này vẫn giữ được vẻ đẹp riêng có của vùng đất cao nguyên hoang sơ, mộc mạc. Trong sương sớm, Thành phố Pleiku yên bình đến lạ, sương phủ kín cỏ cây, sương vương trên nóc nhà, sương theo chân người đến tận ngõ của những ngôi nhà. Và ẩn hiện trong làn sương sớm ấy là những tia nắng đang len lỏi hòa quyện trong làn sương mờ ảo... Thời điểm này, giới trẻ cũng đang “sốt” bởi những triền cỏ hồng ở Gia Lai. Điểm thứ nhất cách trung tâm TP. Pleiku hơn 15 km, trên đường đi Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh hai bên đường là những đồi cỏ hồng tuyệt đẹp. Từ TP. Pleiku bạn đi theo hướng Quốc lộ 14 đến ngã ba Hàm Rồng quẹo phải, đi hướng tới cửa khẩu Lệ Thanh tầm hơn 15 km. Điểm thứ hai là đồi cỏ hồng lãng mạn ở Xã Glar (huyện Đak Đoa), cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 20km. Từ trung tâm TP. Pleiku chạy thẳng Quốc lộ 19 tới bùng binh trung tâm thị trấn Đắk Đoa rồi rẽ phải là đường vào xã Glar. Đi vào thêm khoảng 500m là tới.

Thả lỏng người dạo bước trên đồi cỏ hồng, về Tây Nguyên mùa này du khách dễ dàng cảm nhận được nét đặc trưng mà không nơi nào có được. Bầu trời xanh ngắt không một gợn mây, tiết trời se lạnh kèm theo những cơn gió phóng khoáng, không gian thoáng đãng... những thứ ấy tạo thành một cảm giác bâng khuâng, lưu luyến. Người bản địa ở đây nói rằng, khi cái lạnh se sắt của khí trời Tây Nguyên bắt đầu len lỏi trong từng cơn gió vào đầu tháng 11 hàng năm, cỏ đồng loạt chuyển màu hồng tím dưới những tán thông xanh. Đứng giữa khoảng mênh mông ấy, đưa mắt ngắm nhìn tấm thảm màu hồng cứ trải dài, rộng ra mãi mới thấy chiếc máy ảnh cũng trở nên thừa thãi bởi vẻ đẹp của đồi cỏ hồng là phải trực tiếp đến, ngắm nhìn, đắm chìm và cảm nhận.

Gia Lai còn là điểm đến được nhiều dân phượt đánh dấu sao đỏ chói trong bản đồ du lịch thời gian qua. Đáng chú ý là kiến trúc độc đáo, lạ mắt của chùa Minh Thành tại 14 A đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, cách trung tâm thành phố 2 km về hướng Tây Nam. Chùa Minh Thành là một quần thể kiến trúc Phật giáo rộng lớn tọa lạc trên ngọn đồi thoai thoải ở phía Tây Nam của TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Điều khiến quần thể chùa Minh Thành trở thành địa điểm du lịch được nhiều dân phượt chọn làm nơi để lại những bức ảnh lưu niệm khi tới Gia Lai đó chính là nhờ lối kiến trúc cực giống các ngôi đền thờ tại Nhật Bản với những mái chóp uốn cong. Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo với diện tích khoảng 20.000 m2 là nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng. Theo nhiều du khách nhận xét, chùa Minh Thành là sự pha trộn của lối kiến trúc Phật giáo của các nước theo dòng Phật giáo đại thừa như Thái Lan hay Nhật Bản và tất cả đã làm cho bức tranh cảnh chùa nơi đây thêm phần lộng lẫy, kiêu sa của hình ảnh một cung điện thu nhỏ nơi phố chiều mù sương Pleiku. Bên cạnh những họa tiết được xử lý vô cùng tinh xảo từ vật liệu đá và gỗ, điểm du lịch tôn giáo chùa Minh Thành còn có không gian xanh được các nhà sư thiết kế khá hợp lý bằng cây cối và hồ nước tiểu cảnh để giảm đi phần thô cứng của các vật liệu trên. Tất cả đã tạo nên một không gian vô cùng hài hòa và mát mắt cho du khách thập phương.


Hoa Dã quỳ Pleiku.

Đến Gia Lai, không thể bỏ qua khu du lịch Biển Hồ, nơi gắn liền với nhiều truyền thuyết bao đời. Người ta kể rằng, nước hồ là nước mắt buôn làng khóc thương người thân mãi khôn nguôi khi bị vùi lấp bởi núi lửa từ thủa xa xưa. Những giọt nước mắt ấy đổ thành các dòng suối rồi cùng quây tụ trở về làng thành hồ. Đứng bên hồ, du khách có thể phóng tầm mắt để nhìn bao quát cả một vùng: đây là những quả đồi đất đỏ badan, những đồi chè, những đồi cà phê trĩu quả. Kia là thành phố Pleiku - phố núi cao, phố núi đầy sương. Xa xa là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng. Du khách còn gặp ở đây những ngôi nhà rông cao vút. Trong vòng bán kính 6km về hướng nam là núi Hàm Rồng. Hàm Rồng là dương, dương từ khí núi, hiên ngang như tấm bình phong chắn gió. Ngược lại, biển hồ cũng là miệng một núi lửa nhưng khác là âm sâu xuống lòng đất. Các nhà khảo cổ học đã thám sát, thăm dò và khai mở trang sử từ lòng đất này cho chúng ta biểt về văn hóa biển hồ - nền văn hóa đặc sắc thời tiền sử… Biển hồ Tơ Nưng được ví như hạt ngọc của Pleiku, của cả Tây Nguyên.

Đặc biệt, ngày 1/12 tới đây, Lễ hội hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đăng Ya sẽ diễn ra ngay tại chân núi lửa Chư Đăng Ya của huyện Chư Păh. Thời điểm này, men theo những ngã đường lên Chư Đăng Ya, hoa Dã quỳ đang nở vàng rực, tạo thành màu chủ đạo và là điểm nhấn ấn tượng cho cả ngọn núi lửa những tháng đầu mùa khô. Ít có nơi nào hoa Dã quỳ mọc nhiều, mọc xanh tốt và đồng loạt nở hoa đẹp như ở Chư Đăng Ya. Và cũng hiếm có nơi nào lý tưởng để chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp hoang dại, thuần khiết với đủ sắc thái của sự hòa quyện như nơi đây. Chư Đăng Ya, theo tiếng của đồng bào J’rai nghĩa là củ gừng dại, một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, với miệng núi hình phễu đặc trưng. Núi lửa Chư Đăng Ya ẩn mình giữa bốn bề núi non trùng điệp, âm thầm, lặng lẽ nhưng tràn đầy sức sống. Khi đến với Chư Đăng Ya du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác yên ả, thanh bình của khung cảnh thiên nhiên hoang sơ đậm chất Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia Lai thương nhớ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO