Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Bứt phá để không tụt hậu'

Theo TTO 23/10/2018 11:20

Trao đổi thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhân dịp Chính phủ trình Quốc hội các báo cáo giữa nhiệm kỳ đánh giá kết quả tái cơ cấu kinh tế, đầu tư công.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Bứt phá để không tụt hậu'

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Dũng cho biết: "Sau gần 3 năm thực hiện nghị quyết (số 24/2016/QH14) của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020, đã có nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, đặc biệt là có một sự chuyển biến tương đối tích cực, đầu tiên là về tư duy, sau đó là hành động thực tiễn của các cấp, các ngành trong xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các chính sách, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế".

Thành công "mục tiêu kép"; thiếu cơ chế dưỡng sức dân

PV: Thưa bộ trưởng, vậy đâu là kết quả ông thấy tâm đắc và đâu là hạn chế mà ông thấy băn khoăn nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhiều chỉ tiêu của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đang có xu hướng tích cực, dự kiến khả năng hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn. Trong số 22 chỉ tiêu của nghị quyết đề ra, qua đánh giá 3 năm thực hiện, có 9 chỉ tiêu ước hoàn thành, 8 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và 5 chỉ tiêu tiếp tục cố gắng để hoàn thành.

Đặc biệt, mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân...

Nền kinh tế đang từng bước có hiệu quả hơn, phát triển theo chiều sâu và bền vững hơn, nâng cao khả năng thích ứng và chống chọi với các cú sốc bên ngoài.

Mặc dù vậy, vẫn còn những điều khiến chúng ta trăn trở. Đáng chú ý nhất là làm thế nào để đẩy nhanh hơn nữa cơ cấu lại nền kinh tế, để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong một số lĩnh vực. Hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển chưa có nhiều tiến bộ đáng kể.

Khu vực tư nhân trong nước chưa thực sự lớn mạnh. Chưa đủ cơ chế để dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp, phát huy sự chủ động, sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều bất cập về đất đai, quyền tài sản, xử lý tài sản thế chấp, thủ tục phá sản... chậm được giải quyết. Cơ cấu nguồn lực, nhất là lao động, vốn, tài nguyên, chưa dịch chuyển mạnh đến khu vực có năng suất, hiệu quả cao.

Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu vẫn hiện hữu, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Đề nghị bộ trưởng phân tích cụ thể đối với đánh giá "nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình vẫn hiện hữu"?

- VN đã trở thành nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình từ năm 2010. Kể từ đó đến nay, Chính phủ rất quan tâm đến các giải pháp như tôi đã nêu một phần ở trên, nhằm tránh cho nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nhưng trong bối cảnh các diễn biến quốc tế đang thay đổi rất nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro với kinh tế thế giới và tác động không nhỏ đến kinh tế VN thì nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn luôn hiện hữu.

Trước hết, về nguy cơ tụt hậu, có nhiều yếu tố cần đặc biệt quan tâm để vượt qua nguy cơ này. Thu nhập bình quân đầu người của VN tuy có nhiều cải thiện, ước GDP bình quân đầu người năm 2018 của VN đạt khoảng 2.540 USD, nhưng còn ở mức thấp so với các nước khu vực (như Malaysia 9.994 USD, Thái Lan 6.593 USD năm 2017 theo giá hiện hành).

Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới đang không ngừng thúc đẩy cải cách nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm... Và như vậy, mục tiêu phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020 được Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra sẽ là một thách thức rất lớn trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ. Nếu chúng ta không có sự tăng trưởng bứt phá thì nguy cơ tụt hậu là hiện hữu.

Về nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bất kỳ quốc gia nào mới đạt mức thu nhập trung bình đều phải rất cảnh giác đối với nguy cơ này. Nó sẽ còn theo đuổi chúng ta cho tới khi đạt được mức phát triển nhất định, với năng suất lao động cao; nguồn nhân lực có chất lượng được sử dụng hiệu quả; năng lực cạnh tranh tốt; trình độ phát triển công nghệ ở mức cao; tận dụng thành công cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Hiện nay, năng suất lao động của VN tuy có tốc độ cải thiện nhanh nhất trong khu vực nhưng vẫn còn ở mức thấp; tỉ lệ lao động đáp ứng trình độ chuyên môn, kỹ thuật còn thấp; chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta trên bảng xếp hạng quốc tế vẫn ở mức trung bình; đầu tư cho khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai (R&D) còn rất hạn chế...

Thời gian tới chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa thực hiện 3 đột phá chiến lược; thực hiện hiệu quả các giải pháp chiến lược về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng, là động lực để phát triển bứt phá, tránh bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Cách mạng 4.0 chưa thực sự vào cuộc sống

Năng suất lao động thấp so với khu vực là tình trạng chậm được cải thiện, đây cũng là ví dụ cho thấy cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian vừa qua chúng ta mới nói nhiều hơn làm, phải làm gì để cải thiện mạnh mẽ tình trạng này?

- Như tôi đã nói, năng suất lao động của nước ta tuy còn ở mức thấp so với khu vực nhưng lại có tốc độ tăng cao nhất của khu vực ASEAN trong giai đoạn 2008 - 2017. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của VN thấp, trong đó việc chậm tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là một nhân tố làm giảm sự bứt phá trong cải thiện năng suất lao động.

Trong thời gian qua, nhất là năm 2018, chúng ta đã có nhiều sự kiện, nhiều hoạt động liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta đều có chung cảm nhận là ở đâu đó trong nền kinh tế, có thể nhìn thấy sự hiện hữu của cuộc cách mạng này, nhưng trên bình diện chung thì chưa thấy những biểu hiện rõ nét nào, cuộc cách mạng chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Đôi khi chúng ta nói nhiều đến tác động tiêu cực của cuộc cách mạng mà chưa đề cập nhiều đến cơ hội và lợi ích mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại.

Để cải thiện, tôi cho rằng cần tập trung vào 3 nội dung chủ yếu. Thứ nhất, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức về cuộc cách mạng này, vì chỉ khi hiểu rõ chúng ta mới hình thành được mục tiêu và hoạt động.

Thứ hai, cần có một khuôn khổ chiến lược với một tư duy mới về cách tiếp cận, một tầm nhìn mang tính chiến lược và theo đó là định hướng chính sách rõ ràng, cụ thể, bước đi phù hợp với điều kiện của đất nước. Và thứ ba, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó quan trọng nhất là sự vào cuộc của Nhà nước và khu vực doanh nghiệp.

Khó đáp ứng hết nhu cầu đầu tư công

Vừa rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không nới rộng tổng mức đầu tư công cho toàn giai đoạn (2 triệu tỉ đồng), không nâng mức trần nợ công (65% GDP), trong khi nhiều tỉnh, thành phố có văn bản kiến nghị được bổ sung các công trình, dự án mà họ cho là cấp bách, Chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào? Liệu có xảy ra tình trạng thiếu vốn đầu tư, tạo nên điểm nghẽn phát triển vào cuối nhiệm kỳ này không, thưa bộ trưởng?

- Đúng là có tình trạng một số bộ, ngành, địa phương đề xuất bổ sung và thực hiện một số dự án cấp bách, cần thiết. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất với Thủ tướng, Chính phủ giải pháp xử lý, một số trường hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Một số trường hợp trình Thủ tướng xem xét, quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương các năm để giải quyết, nhất là các dự án khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ, sạt lở đất... Việc bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có) đều được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu về vốn rất lớn, nhất là vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, khả năng cân đối để đáp ứng hết nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương rất khó khăn.

Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng phương án lựa chọn hiệu quả dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, có phương án bố trí vốn hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã được giao kế hoạch dự toán hằng năm, đẩy nhanh tốc độ thực hiện và giải ngân, tránh tình trạng có vốn, có dự án mà không thể giải ngân được.

GS. TS Nguyễn Quang Thái (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế VN): Chúng ta đang ở đâu?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Bứt phá để không tụt hậu' - 1

Chỉ số cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá, VN vừa bị tụt 3 bậc. Thực chất chúng ta đang ở đâu?

Suốt 5 năm qua, từ 2012 đến 2017, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của VN đã tăng 20 bậc, từ 75 tăng lên 55/137 nền kinh tế (dựa trên 12 trụ cột tương ứng với ba giai đoạn phát triển).

VN vừa giảm bậc, nhưng một phần là do thay đổi cách tính. Nhấn mạnh đến tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, WEF tuy vẫn dùng 12 trụ cột nhưng đã thay đổi cách tính các chỉ tiêu cụ thể. Theo cách tính mới, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của VN đạt 58,1 điểm/100 điểm, tăng 0,1 điểm so với năm 2017. Tuy nhiên, do các nước tăng điểm mạnh hơn nên dù VN có tiến bộ về công nghiệp 4.0, nhưng chỉ tăng 0,1 điểm nên đã giảm 3 bậc, từ 74 xuống 77.

Nhìn sâu vào các đánh giá của WEF cũng có thấy những nỗ lực của VN. Ngay trong đánh giá theo 12 trụ cột, ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt 75/100 điểm, xếp thứ 64/140 nền kinh tế; y tế đạt 81/100 điểm, xếp thứ 68/140 nền kinh tế; quy mô thị trường đạt 71/100 điểm, xếp thứ 29/140 (là trụ cột cao nhất)...

Chính phủ VN ngay từ đầu nhiệm kỳ đã tiếp tục có hàng loạt văn bản quan trọng, như nghị quyết 01 về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hay nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp...

Dù chặng đường để đạt được mục tiêu còn cần phải có nhiều nỗ lực, nhưng đã có trên 1.500 điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của VN đối với hàng xuất khẩu giảm từ 58 xuống 55 giờ; với hàng nhập khẩu giảm từ 62 xuống 56 giờ. Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính với hơn 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 200 triệu USD cho thủ tục thông quan, hơn 16 triệu giờ lưu kho với hàng xuất khẩu và hơn 34 triệu giờ lưu kho với hàng nhập khẩu. Nhờ đó, hai năm gần đây, VN luôn ở tốp 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu ASEAN.

Tuy nhiên, để đạt được thứ bậc cao về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, những yếu tố cốt lõi cần phải làm được một cách thực chất, hiệu quả hơn. Theo bảng xếp hạng của WEF, có thể thấy ngay các trụ cột VN bị xếp trong số 34% các nền kinh tế yếu nhất, đó là: nguồn nhân lực, thị trường và đổi mới sáng tạo. Yếu tố thể chế mới đạt 50/100 điểm, xếp thứ 94/140 nền kinh tế; môi trường đổi mới sáng tạo, tính năng động trong kinh doanh 54/100 điểm...

Chúng ta có thể thấy Chính phủ VN đã đặt ra trọng tâm cần cải thiện liên quan đến khởi sự kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong các thủ tục, nâng cao chất lượng nguồn lao động...

Vấn đề bây giờ là cần tổ chức thực hiện các chủ trương mà Chính phủ đã đặt ra, ngăn chặn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã luôn nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi khó lường, cũng cần phải liên tục cập nhật tình hình để có chủ trương và chính sách phù hợp cho từng thời kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Bứt phá để không tụt hậu'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO