Đất nước Mông Cổ

Mỹ Hiền (nguồn tham khảo: Wikipedia Telegraph) 05/09/2018 13:00

Mông Cổ - quốc gia châu Á, nơi có cao nguyên và những hoang mạc mênh mông; có những kị sĩ, những đô vật lừng danh. Và cũng là quốc gia có nền văn hóa độc đáo.

Đất nước Mông Cổ

Đi săn bằng đại bàng- sự độc đáo của đàn ông Mông Cổ.

1. Với nhiều người trên thế giới, Mông Cổ vẫn là quốc gia cần được khám phá. Timothy Allen, nhiếp ảnh gia người Anh, cũng vì sự “bí hiểm” của quốc gia này mà đã rong ruổi khắp nơi trên đất nước Mông Cổ. Kết quả của hành trình đó chính là những bức ảnh ghi lại cảnh sắc, sinh hoạt của Mông Cổ, “nó khác hẳn những gì tôi và mọi người từng thấy”- Timothy nói.

Nhiếp ảnh gia người Anh đã lang thang cùng những người chăn cừu trên đồng cỏ. Ngủ chung lều với những người chăn thả gia súc trên cao nguyên. Tránh nắng dưới gầm một chiếc ô tô tải cùng những đứa trẻ địa phương. Và nhiều lần đã cùng ăn, cùng uống với một gia đình trên bước đường họ dịch chuyển.

- Người dân sống thật bình yên bên vó ngựa thảo nguyên và bước chân du mục. Timothy nhớ lại và cho biết, nếu muốn tìm một chốn yên bình trong một thế giới vận động gấp gáp như hiện nay thì hãy đến Mông Cổ. Khi đó, bạn sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nhất, khoáng đạt nhất. Ăn những món ăn tinh khiết nhất và ngon nhất. Được trò chuyện với những con người hiền lành nhất.

Tính tới nay, Timothy Allen đã đến Mông Cổ 10 lần. Địa điểm ông dừng chân lâu hơn cả là vùng Bayan-Olgii, phía tây đất nước, nơi sinh sống của người Kazakh. Một lần, suốt từ tháng 2 đến tháng 4, Timothy đã cùng 200 gia đình người Kazakh đi ngang qua dãy núi Altai trong một hành trình kéo dài với đàn lạc đà, cừu, dê, ngựa, bò và chó.

Đất nước Mông Cổ - 1

Trên cao nguyên Gobi.

2. Mông Cổ là quốc gia rộng lớn, diện tích 1.564.116 km², rộng thứ 18 trên thế giời và là nước có mật độ dân số thấp nhất trên thế giới: chỉ 1,9 người trên mỗi km2. Trong tổng số khoảng 3 triệu người thì có tới 45% trong số đó sinh sống tại Thủ đô Ulan Bator. Tuy nhiên tới nay, vẫn có khoảng 30% dân số sống theo hình thức du mục hoặc bán du mục. Từ đó hình thành nên tên gọi “nền văn hóa trên lưng ngựa” chỉ riêng có đối với người Mông Cổ.

Mông Cổ cũng được coi là quốc gia có người đến sinh sống sớm nhất, vào khoảng 40.000 năm trước, trong thời đại đồ đá cũ. Hang Khoit Tsenkher tại tỉnh Khovd có các hình vẽ đất son màu hồng, nâu và đỏ sống động về voi ma mút, linh miêu, lạc đà hai bướu, và đà điểu.

Cuộc sống du mục được chứng minh qua các bằng chứng khảo cổ học tại Mông Cổ vào khoảng 3500 năm trước Công nguyên. Người ta còn phát hiện ra những cỗ xe có bánh với niên đại 2.200 trước Công nguyên. Điều đó cho thấy cuộc sống du mục đã hình thành rất sớm tại Mông Cổ, và trình độ phát triển của đất nước cũng đã có từ rất lâu đời.

Cũng chính từ cuộc sống du mục mà tại đây hình thành nên những cộng đồng khá biệt lập, trước khi được thống nhất. Đứng đầu cộng đồng là “Khan”, hay “Hãn”- người đàn ông tiêu biểu nhất về sức mạnh cũng như trí tuệ. Chính các Khan hùng mạnh đã làm nên lịch sử oai hùng cho Mông Cổ. Từ cao nguyên Gobi rộng lớn và khắc nghiệt, những đoàn chiến binh trên lưng ngựa đã tung hoành nhiều nơi, nhất là tại châu Á.

Sắc tộc Mông Cổ chiếm khoảng 85% dân số và gồm Khalkha cùng các nhóm khác, tất cả được phân biệt chủ yếu bởi các phương ngữ. Người Khalkha chiếm 90% dân số Mông Cổ. 10% còn lại gồm Buryat, Durbet và các nhóm khác. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Khalkha. Phía tây đất nước, tiếng Kazakh và tiếng Tuva, cùng với các ngôn ngữ khác, cũng được sử dụng. Người Mông Cổ nói tiếng Nga thành thạo, là ngôn ngữ phổ thông của quốc gia này.

Là quốc gia nhiều lễ hội, nhưng Naadam là lễ hội lớn nhất của Mông Cổ. Tại đây có 3 môn thể thao truyền thống là bắn cung, đua ngựa và vật. Lễ hội Naadam được tổ chức từ ngày 11 tháng 1 đến ngày 13 tháng 7, có nghĩa là tùy từng địa phương chọn lấy ngày tổ chức, tuy vẫn cùng một tên gọi. Tại Thủ đô Ulan Bator, Naadam được tổ chức trong 3 ngày vào mùa hè.

Đất nước Mông Cổ - 2

Kiến trúc truyền thống và phổ biến của Mông Cổ.

Tới Mông Cổ, người ta ngạc nhiên trước lối kiến trúc vô cùng độc đáo, đó là những nhà bạt hình tròn, người địa phương gọi là “yurt”. Lối kiến trúc này phù hợp với cuộc sống du mục, dễ dựng mà cũng dễ dỡ. Nó có tác động mạnh mẽ đến cả các kiến trúc hiện đại, hoặc các kiến trúc tôn giáo như đền, chùa. Mỗi yurt có từ 6 tới12 góc với các mái kiểu kim tự tháp để thích hợp với hình dáng tròn. Lỗi kiến trúc này cho phép công trình dễ dàng mở rộng nếu cần.

Trong những yurt, người ta thưởng thức những món ăn rất đặc biệt, mà thành phần có khá nhiều thịt, sữa và mỡ động vật. Thịt cừu là thực phẩm chính trong ẩm thực Mông Cổ. Trong khẩu phần của người Mông Cổ, thì món cừu nướng đá, thịt dê hầm đá và sữa chua Koumis là phổ biến.

Cuối cùng, cần phải nói tới Ulan Bator- thủ đô của đất nước Mông Cổ. Trong tiếng Mông Cổ, có nghĩa là “Anh hùng đỏ”. Thành phố nằm ở độ cao 1.310 mét so với mực nước biển, được hình thành từ năm 1639. Cho tới năm 1778 thành phố cố định tại địa điểm hiện nay, nơi hợp lưu của hai dòng sông Tuul và Selbe (trước đó thành phố đã thay đổi vị trí 28 lần). Đây là thành phố lớn nhất nước, đông dân nhất nước, là đầu não chính trị, kinh tế của Mông Cổ.

Đất nước Mông Cổ - 3

Em bé Mông Cổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đất nước Mông Cổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO