Hai mắt, một lưỡi

Trần Hữu Thăng 06/04/2021 09:00

Trong đời sống hàng ngày, khi giao tiếp ta nên chú ý lắng nghe và nhìn cho kỹ. Thấy sai thấy đúng là theo ý mình chứ thực sự đã biết thế nào đâu, nên có thời gian theo dõi, quan sát thêm để kiểm chứng, để minh xét.

Đề thi Tú tài năm nọ có một câu hỏi ngắn nhưng các thí sinh viết mãi không hết ý. Câu hỏi ngắn đó là: “Hãy bình luận câu danh ngôn sau đây của nhà triết học Clément Colton (1853 - 1939): “Để giúp mọi người phải nhìn 2 lần rồi mới nói 1 lần nên con người sinh ra có những 2 con mắt nhưng chỉ có 1 cái lưỡi”.

Đây quả thực là một danh ngôn quá đúng đắn, quá chuẩn xác nhưng cũng quá mở, quá rộng rãi để phản biện, để tranh luận. Thôi thì cứ biết đến đâu bàn đến đấy chứ biết làm sao cho đầy đủ, cho vuông tròn ngữ nghĩa được. Để khu trú lại vấn đề, ta chép lại câu của Colton ra một tờ giấy trắng và lấy bút chì xanh đỏ ra tìm từ quan trọng thì thấy nổi bật lên là Nhìn (see) và Nói (say). Ta khoanh tròn 2 từ đó lại rồi tự do triển khai nhé. Ta sẽ thấy có những ý sau đây:

- Lời nói ra cần rất thận trọng: Cổ ngữ Đông phương đã khẳng định: “Bệnh do ăn vào, họa do nói ra” (Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất). Người trưởng thành suốt đời phải ghi nhớ, phải thực hành 8 từ này thì mới tránh được bệnh tật và tránh được cái họa vào thân do lời nói của mình tự làm hại mình (còn gọi là khẩu nghiệp).

Nên 2 lần nhìn thật rõ, thật kỹ rồi mới hoặc nói ra ít hoặc không nói là tốt nhất. Vì sao? Vì cũng theo cổ văn: “Một lời đã được nói ra, đến xe 4 ngựa cũng không thể đuổi kịp” (Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy). Chao ôi, nguy như thế, họa vào thân như thế mà có người vẫn thích nói, thích nổ, thích ba hoa chích chòe thật vừa không hiểu nổi, vừa đáng thương, vừa đáng giận.

Mổ xẻ thêm về cái tác hại của lời nói, lời hứa suông lung tung, lời hẹn hão vô tội vạ, một triết gia Cổ đại còn phân tích chi tiết: “Lời nói trong khi đang vui vẻ phần nhiều là thất tín, không giữ được lời hứa. Lời nói trong khi đang giận dữ thường hay lỗi lầm, dại miệng, nghĩ lại thì hối không kịp”.

Lão Tử, nhà triết Trung Hoa, đã khẳng định: “Lời thành thật thì không đẹp/ Lời đẹp thì không thành thật” (Tín ngôn bất mỹ/ Mỹ ngôn bất tín). Tiếc thay, lời dặn dò, dạy bảo quý hơn vàng, hơn bạc như thế mấy ai đã biết theo, biết học, biết thực hành. Thành ra xem quảng cáo thuốc vẫn bị lừa, xem thông báo mua bán nhà đất vẫn bị lừa, xem chiêu lừa đảo về tiền tín dụng, về hùn vốn kinh doanh, về mua bán online vẫn bị lừa và bị lừa thảm hại đến tan cửa nát nhà. Chao ôi, chỉ có 6 từ ngắn gọn “Lời đẹp thì không thành thật” mà học mãi không thuộc, mà suy nghĩ mãi chưa vỡ vạc được phần nào, mà rút kinh nghiệm ba lần rồi thế mà đến lần thứ tư lại mắc phải mới đau chứ!

Còn các triết gia phương Tây nói sao về tác hại, về cái họa, cái nguy cơ do lời nói gây ra?

Triết gia Cổ đại Horace (năm 65 – 8 Trước Công nguyên) đã khẳng định: “Lời nói, một khi đã thốt ra rồi, không thể rút lại được nữa”. Người xưa đã dặn kỹ như thế rồi, sao người nay vẫn cứ lấy việc nói nhiều, nói dai, nói dại làm cái thú, để khoe mẽ, để tỏa sáng một cách ngớ ngẩn.

Trong y văn hiện đại có đề cập một trong những bệnh tâm thần khó chữa nhất là bệnh hoang tưởng tự cao tự đại với biểu hiện là nói nhiều, nói ra rả, nói không ngừng lại được. Đây là một biểu hiện của bệnh giải thể nhân cách (Dépersonnalité) gần như phá hủy một phần hoặc nhiều phần nhân cách của con người. Các bệnh nhân này thường phải sống ở các bệnh viện tâm thần và phần lớn họ kết thúc cuộc đời cũng ở đó luôn.

Cũng theo luồng suy nghĩ về việc khuyên con người nên nhìn nhiều, nghe nhiều và nên nói ít, Đại văn hào Charles Dickens (1812 – 1870) cũng đã cảnh báo: “Chúng ta có 2 tai mà chỉ có 1 cái lưỡi cốt để chúng ta nghe nhiều hơn và nói ít thôi”. Nhân trích dẫn Dickens nói về cái tai ta có một liên hệ rất khăng khít giữa 3 bộ phận quan trọng bậc nhất của cơ thể con người là: Mắt (thị giác), Tai (thính giác), Lưỡi (phát âm và vị giác). Từ cách đây hàng trăm năm, ở Việt Nam có nhiều nhà buôn từ Nhật Bản, Hà Lan, Pháp... đã sang buôn bán ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Chợ Lớn, Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, Hải Phòng. Theo các vị lão thành kể lại, ở các hiệu sách, quầy tạp hóa của các nhà buôn đó có những bưu thiếp rất đẹp về phong cảnh, về các loài hoa, nhưng đặc biệt nhất là bưu thiếp mừng cô con gái cũng như cậu con trai đã được 18 tuổi. Trên các bưu thiếp ấy vẽ hay chụp ảnh 3 cô con gái Nhật Bản xinh tươi, trẻ trung. Một cô lấy 2 tay bịt 2 mắt. Một cô lấy 2 tay bịt 2 tai. Một cô lấy 2 tay bịp miệng. Những hình ảnh này ngụ ý rằng: con người ta khi đã trưởng thành, được ăn học, được giáo dục thì có những điều không nên nhìn, có những điều không nên nghe, có những điều không nên nói.

Trở lại với vế thứ hai trong danh ngôn của Colton, ta cần đề cao thị giác tức là sự nhìn, sự trông sao cho nhìn nhưng phải thấy, trông nhưng phải thấy. Nhiều người nhìn quả táo chín, rụng rơi xuống đất cho là đương nhiên, là dĩ nhiên. Ít người để ý đến vì sao nó rơi. Có người cho rằng vì nó chín, cuống quả táo cũng chín nên rữa ra, không còn đủ sức giữ nó ở trên cành nữa, nên quả táo rơi. Có người cho là do có lực hút của Trái đất nên nó rơi xuống. Tất cả đều đúng. Nhà triết học Henri Frédéric Amiel (1821 – 1881) đã mổ xẻ chi tiết cho cái sự nhìn, sự trông qua danh ngôn: “Hãy nhìn hai lần để nhận xét cho đúng, vì nếu nhìn một lần mới chỉ thấy được vẻ đẹp bên ngoài”. Lời dặn của Amiel tuy đã hơn một thế kỷ nhưng vẫn có ích cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Có một thời gian hành khách đi máy bay ở một sân bay nọ hay bị móc túi, rạch túi để ăn cắp tiền và đồ đạc. Cảnh sát theo dõi kỹ thì bắt được một bọn ăn cắp chuyên nghiệp, nam thì com lê, cravát, nữ thì áo váy sang trọng toàn mác hàng hiệu.

Việt Nam cũng có những lời khuyên dân gian rất thú vị và dễ hiểu như: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Ta có một cái giường gỗ tốt, để mộc cũng dùng được nhiều năm. Nếu mua phải cái giường gỗ xấu, được đánh véc ni rất đẹp thì chỉ nằm độ vài năm là gẫy, là mọt, phải bỏ đi.

Triết gia vĩ đại người Italia ở thời Trung đại, ngài Nicolas Machiavelli (1469 – 1527) đã dạy: “Mọi người đều có mắt nhưng ít ai có được khả năng nhìn thấu suốt”. Nhìn đã là khó, thấy lại càng khó, thấu suốt thì quá khó, gần như không thể thực hiện được. Thành ra ta cứ theo cái lý thuyết: “Biển học là vô bờ, chỉ biết lấy sự cần cù làm bến” mà áp dụng trong việc học nhìn, học thấy, học thấu suốt vậy! Nếu học từ bé, nếu có thầy giỏi kèm cặp, nếu có bạn tốt chia sẻ giúp đỡ, tin chắc rằng cái kỹ năng nhìn kỹ cho đến thấu suốt cũng có hy vọng đạt được phần nào.

Trong đời sống hàng ngày, khi giao tiếp ta nên chú ý lắng nghe và nhìn cho kỹ. Thấy sai thấy đúng là theo ý mình chứ thực sự đã biết thế nào đâu, nên có thời gian theo dõi, quan sát thêm để kiểm chứng, để minh xét. Vì vậy lúc giao tiếp nên im lặng là tốt nhất, chớ bày tỏ ý kiến đúng sai nóng vội mà hối hận không kịp. Ông giáo sư y khoa 70 tuổi, khám kỹ bệnh nhân xong, lại giở sách xem lại, đi đi lại lại mới dám đặt bút chẩn đoán, mới dám kê đơn thuốc. Trái lại có những ông bác sỹ mới ra trường, phán xanh rờn những chẩn đoán vội vàng, kê đơn thuốc vội vàng và cũng vội vàng lãnh hậu quả tại Tòa Hình sự. Thành ra, chả cứ gì nhìn nhiều mới nói, nghe nhiều mới nói, mà một nguyên tắc chung cần nhớ là: “Thận trọng trước khi nói. Thận trọng, thận trọng hơn nữa”. Victor Hugo đã đúng khi ông viết: “Thận trọng là đứa con trưởng của sự khôn ngoan”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai mắt, một lưỡi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO