Trị bệnh 'lạm phát' cấp phó

Nguyên Khánh 12/03/2018 10:00

Thời gian qua, câu chuyện về “lạm phát” cấp phó không còn là mới. Dù nhiều giải pháp được đưa ra để trị căn bệnh “đẻ” thêm cấp này nhưng xem ra không mấy hiệu quả. Để tránh chuyện cấp phó cứ phình ra khi công cuộc sáp nhập các đơn vị để giảm biên chế đang trở nên nóng bỏng thì chặn tăng thêm những chiếc ghế trong bộ máy là điều nhất thiết phải làm.

Các cuộc làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện ở các địa phương mới đây đều chỉ rõ: Hầu như địa phương nào cũng tồn tại tình trạng dư thừa cấp phó, từ cấp phó giám đốc sở tới cấp phó ở các phòng ban thuộc sở.

Như tại Thanh Hóa, tỉnh này còn nhiều đơn vị có số lượng lãnh đạo cao hơn nhân viên, điển hình như Sở Tư pháp có 25 lãnh đạo cấp phòng trở lên và chỉ có 18 công chức với một người lao động.

Một số đơn vị như Sở Tài nguyên và Môi trường có tới 6 phó giám đốc. Trong khi đó, Sở Xây dựng cũng tới có 34 lãnh đạo trên 41 công chức, chuyên viên; Sở Giáo dục và Đào tạo 36/42, Sở Y tế có 25/26.

Không kém cạnh Thanh Hóa về số lượng cấp phó, Hải Dương cũng trở thành tỉnh có số lượng lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp phó tương đối lớn.

Điển hình là Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương với 44 người giữ các chức vụ từ phó phòng trở lên trong khi đó nhân viên chỉ có 2 người.

Đặc biệt, rất nhiều phòng, ban của sở này có tới 4-5 phó phòng. Trong đó, Văn phòng Sở, Phòng Kế hoạch -Tài chính, Phòng Lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, Thanh tra Sở có 4 cấp phó. Riêng Phòng Việc làm, an toàn lao động có đến 5 phó phòng…

Tại sao lãnh đạo lại nhiều hơn nhân viên và “lạm phát” cấp phó không chỉ diễn ra cá biệt ở một vài địa phương mà xuất hiện tại rất nhiều nơi? Có rất nhiều lý do nhưng lý do người ta hay vin vào đó là do lịch sử để lại, do số lượng việc quá nhiều cần thêm người…

Nhưng dẫu có viện lý do nào đi chăng nữa thì phải chăng là vì đã không làm rõ trách nhiệm người đứng đầu của những cơ quan quản lý dưới quyền?

Chúng ta làm vậy không chỉ làm phình to hơn bộ máy hành chính mà còn dẫn đến tình trạng hiệu quả, hiệu lực công vụ giảm đi. Cấp phó cũng là một chức quyền, từ chức quyền đó trong cơ chế ngày nay rất dễ tạo cơ hội để họ tìm kiếm lợi ích.

Với con số hơn 39 nghìn cơ quan hành chính trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn từng khẳng định: Tăng cấp phó chắc chắn dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất, tiền bạc, vì thêm một cấp phó là thêm phòng làm việc, xe cộ, phụ cấp chức vụ…

Nhưng tính toán như thế với tất cả các cơ quan, đơn vị trong cả nước thì cũng chưa hoàn toàn chính xác. Lãng phí lớn nhất là việc không phân công, phân nhiệm rõ ràng.

Nhiều cấp phó mà cấp trưởng không làm gì, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức không cao, phục vụ nhân dân không tốt. Đấy mới là cái lãng phí lớn nhất, khó đo lường nhất.

Có một thực tế, trong khi chưa giải quyết được những tồn tại lịch sử về số lượng cấp phó đông đảo thì hiện ở nhiều địa phương công cuộc sáp nhập cơ quan để tinh giản biên chế chắc chắn nếu không tính toán kĩ thì cấp phó theo đó mà tăng cao.

Bởi, việc hợp nhất từ nhiều cơ quan, đương nhiên số lượng trưởng, phó phòng từ những đơn vị cũ nhập lại không thể “giáng chức” hay điều chuyển việc của họ được. Vì vậy, phải có giải pháp căn cơ để không tái diễn tình trạng “lạm phát” cấp phó.

Mới đây TP Hồ Chí Minh khi phê duyệt về biên chế công chức của địa phương này cũng cho biết: TP HCM sẽ sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực.

Theo đó, địa phương này sẽ cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả. Trong trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị đó phải tự đảm bảo toàn bộ về tài chính

Đáng chú ý, TP HCM yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ tiêu về lãnh đạo cấp phó.

Theo đó, trong thời gian sắp xếp lại, số cấp phó ở các đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định.

Nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung.

Đồng thời, trong thời hạn tối đa 3 năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất, đơn vị phải có giải pháp điều chuyển, sắp xếp lại cấp phó.

Không chỉ chặn đứng việc tăng thêm số lượng cấp phó từ các đơn vị sáp nhập, Sở Nội vụ TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP. báo cáo thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bổ sung lộ trình tinh giản biên chế ở TP HCM.

Theo đó, lộ trình tinh giản biên chế được trình, từ nay đến năm 2021 sẽ giảm từ 1,5 - 2% biên chế công chức và số lượng người làm việc được giao.

Cụ thể, năm 2018 biên chế công chức dự kiến là 11.210 người, đến năm 2021 giảm còn 10.430 người.

Mỗi năm giảm từ 260 - 693 người so với năm trước liền kề. Riêng khối sự nghiệp, trên cơ sở lượng người được Trung ương giao, UBND TP sẽ trình HĐND TP .giảm 1,5%.

Cụ thể năm 2018 lượng người làm việc dự kiến là 119.976 người, đến năm 2021 giảm còn 114.576 người. Mỗi năm giảm 1.800 người so với năm trước liền kề.

Trở lại câu chuyện “lạm phát” cấp phó, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, giải pháp căn cơ là phải rà soát lại các quy định về bổ nhiệm cấp trưởng và cấp phó ở từng cấp, từng ngành. Theo đó cần yêu cầu tất cả cơ quan, địa phương báo cáo về số lượng cấp phó để chấn chỉnh.

“Việc nhiều sở, ngành có nhiều cấp phó có thể là do lịch sử để lại nhưng vấn đề là pháp luật về cấp phó đã không được tuân thủ nghiêm.

Việc xử lý trách nhiệm đối với những người đứng đầu, cấp ủy cho phép bổ nhiệm cấp phó không đúng quy định cần phải được tiến hành”- ông Nhưỡng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trị bệnh 'lạm phát' cấp phó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO