Nhùng nhằng quỹ đất

Thành Luân 14/07/2018 08:00

Không chỉ bất cập trong quản lý đất công, hầu hết các kế hoạch sử dụng quỹ đất của Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đang tỏ ra thiếu hiệu quả và tồn tại không ít bất cập, trong đó quy hoạch treo là vấn đề nhức nhối.

Ngoài khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) đã quy hoạch từ hơn 20 năm trước được nhắc tới rất nhiều thời gian gần đây, thì ngay tại khu vực trung tâm thành phố hiện vẫn còn tồn tại nhiều quỹ đất lớn khác hoặc bị bỏ trống hoặc đang được sử dụng tạm thời làm kho xưởng, gây lãng phí.

Nhùng nhằng quỹ đất

Trong khi quỹ đất cho trường học, bệnh viện khan hiếm, nhiều quỹ đất của TP HCM còn bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích.

Điển hình là Khu bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP HCM) được quy hoạch treo hơn 20 năm, đã quá sức chịu đựng của người dân khu vực này.

Trước đây, dự án quy hoạch bán đảo Thanh Đa được Thủ tướng đồng ý về việc nhà đầu tư thực hiện dự án gồm một liên danh, nhưng sau đó nhà đầu tư nước ngoài rút đi, liên danh tan vỡ.

Hiện UBND TP HCM vẫn tiếp tục phải chờ ý kiến của Chính phủ về dự án này, nên thủ tục và thời gian kéo dài.

Có thời điểm, do người dân Thanh Đa quá sức chịu đựng vì phải chờ đợi quy hoạch quá lâu, UBND TP. đã gỡ rối bằng cách chủ động mời chào đầu tư vào dự án đô thị Bình Quới - Thanh Đa nhưng kết quả vẫn chưa có chủ đầu tư nào chính thức.

Quy hoạch treo vẫn tồn tại mấy chục năm nay, nhiều nhà cửa của dân không được cơi nới, sửa chữa, dẫn tới xuống cấp trầm trọng.

Có nơi như huyện Củ Chi có hơn 500 tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 5.086 ha, nhưng qua kiểm tra phát hiện tới 27 tổ chức vi phạm pháp luật đất đai, với tổng diện tích hơn 736ha. Dù đây cũng mới chỉ là bề nổi của tảng băng.

Thực tế qua kiểm tra có đến khoảng 1.000 trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất công từ nhiều năm nay; hàng trăm địa chỉ nhà đất do Nhà nước quản lý nhưng chưa kê khai, chưa đưa vào danh sách xử lý theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế, không riêng Củ Chi mà nhiều quận huyện đem đất công cho thuê nhưng đơn vị thuê không trả tiền thuê rồi bỏ trốn.

Việc cá nhân, tổ chức lấn chiếm đất công, nếu xem xét một cách thấu đáo để giải quyết hợp tình hợp lý sẽ dẫn đến thất thoát một khối tài sản khổng lồ của Nhà nước.

Hệ quả của việc nhùng nhằng trong quản lý quỹ đất, dẫn đến hàng chục ngàn hộ dân gốc TP HCM đến nay còn phải sống trong tình cảnh “tạm trú”.

Theo một báo cáo của HĐND TP. thì hiện còn hơn 109.251 trường hợp người dân chưa được cấp sổ đỏ bởi nhiều lý do.

Cả thành phố hiện mới cấp hơn 1,5 triệu sổ đỏ cho các hộ gia đình, là một con số rất khiêm tốn so với quy mô của đô thị 13 triệu dân.

Đáng chú ý, trong đó hơn 109.000 trường hợp người dân chưa được cấp sổ đỏ hiện nay thì có đến trên 88.000 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp; hơn 20.500 trường hợp người dân chưa có nhu cầu.

Đây là một nghịch lý rất lớn, thậm chí có đại biểu Hội đồng nói các lý do nêu ra là thiếu cơ sở thực tế.

Bởi, bất cứ người dân nào cũng cần công nhận việc sở hữu tài sản và giá trị nhà đất để an cư lập nghiệp ở thành phố.

Do đó, chính quyền phải nhìn nhận về việc các thủ tục hành chính mới là rào cản khiến việc tồn đọng hàng chục ngàn sổ đỏ chưa cấp cho người dân trong thời gian qua.

Yếu kém trong quản lý quỹ đất dẫn đến một nghịch lý khác là có lúc TP HCM cần quỹ đất cho công trình phúc lợi lại lâm vào tình cảnh loay hoay vì…tìm không ra “đất sạch”.

Có lúc chính quyền thành phố lại tập trung vào khu dân cư ổn định để bồi thường, thu hồi đất, trong khi có nhiều khu đất khác lại được sử dụng một cách hết sức lãng phí.

Những nghịch lý tồn tại từ lâu nay, thế nhưng chỉ thực sự được “thổi bùng” dư luận tại kỳ họp HĐND TP HCM vừa kết thúc, dẫn đến nỗi đau của người dân sống trong các khu vực quy hoạch treo một lần nữa được khơi lại.

Nhiều lãnh đạo sở ngành khi giải trình, thừa nhận có không ít mặt bằng kho bãi, nhà xưởng của thành phố đang sử dụng chưa đúng mục đích, cần thu hồi để xây trường học, dự án phúc lợi xã hội.

Có đại biểu chỉ ra việc, trên địa bàn còn hơn hơn 1.000 ha đất và hơn 1.000 căn hộ chung cư chưa thống kê đầy đủ, nhiều công viên, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng động bị sử dụng sai mục đích, gây lãng phí.

Có đại biểu còn thẳng thắn tố cáo việc lợi nhuận từ nhà, đất công lâu nay được chảy vào túi cá nhân, tổ chức, chứ không đem về cho ngân sách, gây bức xúc trong người dân.

Trong khi đó, nhiều trường học chật hẹp, thiếu đất làm bệnh viện, còn công viên bị xâm chiếm một cách công khai,…

Trước tình thế này, người đứng đầu chính quyền TP HCM đứng ra nhận trách nhiệm và hứa với những người dân đang sống tại các vùng quy hoạch treo về việc thành phố sẽ sớm có quyết định dứt khoát, dứt điểm, không để các dự án kéo dài thêm nữa.

Dù đã quá quen thuộc với những lời hứa có cánh của chính quyền, thế nhưng giờ phút này người dân ở các vùng quy hoạch treo của TP HCM vẫn phải “chờ bằng niềm tin”, bởi với họ sự chịu đựng hơn 20 năm qua đã phải nếm trải với biết bao những cay đắng, cực khổ còn lớn hơn thế…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhùng nhằng quỹ đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO