Nâng cao chất lượng luật sư

Kiên Long 12/07/2018 08:00

Vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, đặc biệt trong tình hình đổi mới, yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương vừa có buổi làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chủ tịch nước đã tiếp tục yêu cầu, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp...

Còn nhớ tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của ngành Tòa án, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án. Đặc biệt là việc nâng cao chất lượng xét xử, tập trung xử lý nghiêm các vụ án hình sự, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Thực tế thời gian qua, hàng loạt các vụ đại án kinh tế lớn đã và đang liên tục được đưa ra xét xử. Cùng với các vụ đại án là các bị cáo có chức, có quyền, với những tội phạm nghiêm trọng liên quan ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế đất nước.

Các vụ án lớn càng liên quan đến nhiều người, phạm vi, tính chất phạm tội càng phức tạp thì càng yêu cầu nâng cao chất lượng xét xử để đảm bảo việc phán xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai. Vai trò, yêu cầu đối với đội ngũ luật sư nhất là yêu cầu nâng cao chất lượng luật sư càng cấp thiết.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2018, thực hiện Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, ngành Tòa án đã bố trí lại phòng xử án, trong đó vị trí ngồi của các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và đại diện VKS giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử được bố trí ngang hàng. Đây là một sự đổi mới từ hình thức thể hiện quyền bình đẳng trước tòa, coi trọng quyền tranh tụng trong xét xử, coi trọng vai trò của luật sư. Và rồi, không chỉ về hình thức, xã hội cũng như việc cải cách tư pháp càng yêu cầu khắt khe với các luật sư, đội ngũ luật sư phải nâng cao chất lượng.

Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ khi thành lập (tháng 5-2009), đến nay cả nước đã có gần 12.600 luật sư. Các luật sư đã tích cực tham gia bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân.

Càng ngày, các luật sư càng tích cực tham gia vào hoạt động tố tụng trên các lĩnh vực từ hình sự, dân sự, hành chính, lao động…Không ít vụ án, nhất là các vụ án lớn, có nhiều luật sư được mời cùng tham gia bào chữa cho một bị cáo. Cũng không ít vụ án, các luật sư đã tham gia bào chữa miễn phí do tự nguyện hay được chỉ định. Tất cả để đảm bảo pháp luật là tối thượng, cán cân công lý không nghiêng lệch, đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, làm sao có được các luật sư giỏi, luật sư hết lòng vì công pháp, vì dân? Một vị đại biểu Quốc hội đã từng nhận xét, rằng “luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho người có tiền”, đã gây ra sự tranh cãi.

Thực tế ngay trong 5 năm đầu tiên từ khi thành lập, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phải xóa tên 20 luật sư, chưa kể rất nhiều luật sư bị xóa tên có thời hạn. Đó mới là các luật sư vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Còn việc các luật sư tham gia tố tụng, chất lượng, hiệu quả bào chữa thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã nhắc nhở Liên đoàn Luật sư phải tăng cường giám sát các hoạt động hành nghề luật sư, hỗ trợ các luật sư hành nghề, đồng thời kịp thời uốn nắn những sai sót của luật sư trong hành nghề, kiên quyết xử lý các luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Luật sư vốn là nghề cao quý, được mọi xã hội tôn trọng. Tôn chỉ, mục đích hành nghề luật sư là bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Việc bào chữa của luật sư không phụ thuộc, không chịu ảnh hưởng từ sự khác biệt giữa quan chức hay dân thường, khác biệt chính kiến, sang giàu mà vì lời thề phục vụ Công lý.

Công cuộc kháng chiến, kiến quốc của nước ta từng ghi công nhiều luật sư đã từ bỏ cuộc sống sung túc, lương cao từ nước ngoài để về phục vụ Tổ quốc. Không ít luật sư có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Các luật sư được ghi tên tuổi như Phan Văn Trường, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Văn Bạch, Vũ Đình Hòe, Ngô Bá Thành.v.v.

Những vị luật sư đó không chỉ tâm sáng, lòng trong mà giỏi về trình độ, ngoại ngữ, am hiểu luật pháp quốc tế, trong nước, các tập quán, cùng các sáng kiến, sáng tạo cá nhân trong quá trình đấu tranh bảo vệ quyền con người. Đó là những tấm gương cho đội ngũ đông đảo luật sư hiện nay.

Hoạt động của các luật sư hiện nay được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật nói chung và Luật Luật sư nói riêng, tuy nhiên như Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói, vẫn cần phải hoàn thiện thêm các thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, xây dựng cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng tranh tụng của luật sư tại phiên tòa, nhất là các phiên tòa luật sư được chỉ định tham gia. Việc nâng cao chất lượng phải có nhiều giải pháp; từ việc đào tạo tính chuyên nghiệp cho đến việc phổ cập, thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp....

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, càng thể hiện rõ không ít hạn chế của các luật sư, không chỉ từ năng lực chuyên môn mà ngay về ngoại ngữ. Thực tế các luật sư có tiếng xưa nay đều rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếp cận tốt với môi trường quốc tế, trong khi đó hiện nay, với đội ngũ luật sư của ta khá hùng hậu, nhưng không ít các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, đã phải thuê luật sư nước ngoài làm đại diện. Như vậy việc bảo vệ quyền, lợi ích quốc gia, tổ chức, cá nhân, làm sao đảm bảo hiệu quả tốt được.

Công cuộc đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người không đơn giản. Mỗi luật sư Việt Nam phấn đấu là một luật sư giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, không chỉ là mong mỏi của Đảng, Nhà nước, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam mà trước hết là của mọi người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng luật sư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO