Mới, nhưng phải kế thừa

Miên Thảo 15/09/2018 09:50

Con số 1.000 tỷ đồng mua sách giáo khoa hàng năm mà phụ huynh bỏ ra tiếp tục làm nóng dư luận. Giáo dục liên quan tới mọi nhà, mọi người nên luôn nhận được sự quan tâm, và chính vì thế những ngày này người ta tiếp tục có ý kiến, nhất là việc sách giáo khoa có một bộ hay nhiều bộ, rồi cải cách giáo dục thế nào, thực nghiệm kéo dài tới 40 năm sẽ ra sao... Ngay tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì những vấn đề đó cũng rất nóng.

Mới, nhưng phải kế thừa

Sách giáo khoa là đề tài đang làm nóng dư luận xã hội.

Nói về việc xuất bản, sử dụng sách giáo khoa (SGK), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng đang có sự bất hợp lí và lãng phí lớn. Ông Hiển băn khoăn, Điều 29 của Dự thảo Luật Giáo dục quy định “cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập”. Như thế thì mỗi trường có quyền lựa chọn. Mỗi trường một SGK thế này thì sẽ ra sao? Tính chính quy sẽ như thế nào?

Băn khoăn của ông Phùng Quốc Hiển cũng là băn khoăn của nhiều người, phụ huynh lẫn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trực tiếp đứng lớp. Tương tự, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, cũng rất trăn trở khi cho rằng, chủ trương trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu về một chương trình nhiều SGK. Nội dung này đã được nêu trong Điều 29 của Dự án sửa đổi Luật Giáo dục nhưng chưa được quy định rõ ràng. Bà Hải cho rằng, cần phải hết sức cân nhắc quy định một chương trình nhiều SGK, nhất là với tiểu học.

Nhấn mạnh những vấn đề thiết yếu của giáo dục nước nhà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đổi mới phải thống nhất, đồng bộ, không nên mỗi nơi một kiểu, làm khổ học sinh. SGK phải có tính phổ quát, nên có chú thích để vùng miền nào cũng hiểu được. Mở rộng vấn đề, Chủ tịch Quốc hội nói thêm, “thực nghiệm thì mấy chục năm rồi, công nghệ giáo dục này đã được thực nghiệm rồi. Thực nghiệm gì mà mấy chục năm như vậy”.

Rồi Chủ tịch Quốc hội bày tỏ: “Giờ tôi thấy thương bọn trẻ con quá, sao học hành khổ sở quá vậy... Tôi có người bạn là giáo viên, xem sách của cháu nội tôi học mà bảo rất khó, khác hẳn thời xưa mình học. Sao không để cho học sinh được học hành một cách dễ dàng. Chúng ta làm khổ con em quá”.

Như vậy là, khi bàn về giáo dục, đã có nhiều ý kiến hết sức tâm huyết. Qua đó cho thấy còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Không chỉ chương trình, SGK mà xa hơn còn là tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam thông qua sự rèn cặp của nhà trường. Nhiều năm qua, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước coi “Giáo dục là Quốc sách” đã đi vào cuộc sống, rõ nhất là việc hầu hết tất cả các gia đình người Việt Nam đều đặt ưu tiên số một là việc học tập của con em. Với đất nước, giáo dục là quốc sách- thì với gia đình, giáo dục là “gia sách”. Như vậy là chúng ta đã rất thuận từ trên xuống dưới, vấn đề còn lại là nhiệm vụ của hệ thống nhà trường.

Nhưng, hệ thống đó vận hành ra sao?

Câu hỏi này cũng là sự bức xúc, đồng thời là kỳ vọng của mỗi gia đình cho tới của cả dân tộc. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, giáo dục hiện đang gây áp lực quá lớn cho trẻ nhỏ, cho gia đình. Cần nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, những môn học mang tính chất hàn lâm nên đưa ra khỏi chương trình.

Ông nói: “Tôi gặp nhiều học sinh nước ngoài, các cháu tự tin nói các cháu học ít nhưng hiểu biết nhiều, không như học sinh ở Việt Nam. Giáo dục của ta đang mang tính chất nhồi nhét kiến thức rất lớn, nhìn bọn trẻ học mà thương, tí tuổi đầu đã cận thị hết cả, không giảm tải thì rất gay mà tôi thấy là việc đó hoàn toàn có thể làm được”.

Đúng vậy, khó nhưng không phải là không làm được. Nhưng vì sao đã quá lâu rồi, hết năm học này trôi qua lại đến năm học khác nhưng chương trình vẫn rất nặng nề. Chậm cải tiến 1 năm là làm lỡ dở cho 1 lứa học trò. Cũng chính từ việc “nhồi nhét kiến thức” từ chương trình cứng nên đã tạo ra cuộc đua học thêm, ép học của từng gia đình. Nhất là với học sinh thành thị, gia đình nào cũng ép con học đến kiệt cùng. Học sinh tiểu học ngây thơ là vậy nhưng một ngày học tới 3 buổi, cả học ở trường lẫn học ở nhà, đến nhà cô giáo học. Không học như vậy sợ không theo kịp chúng bạn. Từ đó, dẫn đến một cuộc “đuổi bắt” kiến thức, đuổi bắt thứ hạng không biết bao giờ mới thấy điểm cuối.

Người ta hay nói, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Nhiều năm rồi, nhà trường Việt Nam vẫn nói về khuyến cáo của UNESCO là phải xây dựng trường học thân thiện. Đó là điều rất đẹp. Nhưng với mục tiêu đó, cần nghiêm túc đặt câu hỏi: Trường học của chúng ta đã thân thiện chưa? Học sinh mỗi ngày có đem được niềm vui về nhà sau khi đến trường hay chưa?

Cải cách giáo dục, đổi mới giáo dục, nhất là trong thời buổi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là điều hết sức cần thiết. Đã nhiều lần cải cách giáo dục, và còn nhiều thời gian hơn thế về việc “dự thảo” để cải cách. Thời điểm này, công việc đó đã trở nên cấp bách. Cấp bách, cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải đúng, phải trúng. Đất nước, xã hội trông chờ điều đó. Như một con tàu, phải có đường ray tốt mới chạy nhanh.

Cải cách giáo dục (hay cải cách lĩnh vực nào cũng vậy), không chỉ chú trọng yếu tố “mới”, mà quan trọng hơn là phải đúng, phải trúng. Vì thế, với những gì xã hội đang “bàn tán” về giáo dục, hy vọng rằng sẽ được cơ quan có trách nhiệm lắng nghe nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra những cải cách đúng. Trong đó, việc tiếp thu, kế thừa thành quả đã đạt được của nền giáo dục cách mạng mấy chục năm qua là hết sức cần thiết. Mới, nhưng phải kế thừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mới, nhưng phải kế thừa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO