Không nên 'một mình một chợ'

Hà Linh 05/12/2017 09:30

Từ 1/12, giá điện bán lẻ bình quân đã chính thức tăng với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Tức tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).

Việc điều chỉnh giá điện lần này của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm “tối sầm mặt mũi” mọi thành phần kinh tế và người dân, nhất là trong thời điểm cuối năm giáp Tết, với biết bao áp lực “cơm áo gạo tiền”.

Tăng giá điện, người dân băn khoăn (Nguồn: Zing.vn).

Cách đây ít ngày, tại một cuộc họp báo ở Bộ Công thương về lần tăng giá điện này, báo giới tham dự đã đưa ra khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc “đường đột” (thậm chí có báo còn gọi là “đánh úp”) tăng giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương, cho biết, trong năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương xây dựng phương án giá điện. Sau khi cập nhật hết các yếu tố đầu vào, đến thời điểm này Thủ tướng mới quyết định tăng giá điện.

Theo ông Tuấn: “Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, khi các yếu tố đầu vào tăng lên thì mới tăng giá điện. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Công thương xem xét toàn diện, mức độ ảnh hưởng đến từng đối tượng, chủ yếu các hộ sinh hoạt, hộ khó khăn, hộ nghèo … “

Thế nhưng qua tìm hiểu, doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2016 là 265.510 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 thì EVN lãi 2.658 tỷ đồng…

Vậy tại sao đang kinh doanh có lãi, mà EVN vẫn “loay hoay” đề đạt để tăng giá điện và tăng vào một thời điểm có khác nào “đánh đố”.

Về phía đại diện Bộ Công thương cũng cho hay, việc điều chỉnh giá bán điện lần này đã nhận được sự đồng ý của Thủ tướng, và được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ.

Thế nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, cũng thốt lên rằng “hơi bất ngờ!” trước tin giá điện tăng.

Ngay cả một thành viên của Tổ công tác thẩm tra giá thành sản xuất điện mà còn “bất ngờ” thì người dân với doanh nghiệp thì sao?

Còn nhớ khoảng hơn một năm trước, vấn đề về ngành điện đã được nhóm nghiên cứu CEPR (Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách) của Đại học Kinh tế - ĐHQGHN “mổ xẻ” trong Dự án nghiên cứu “Ước lượng của tăng giá điện lên chi tiêu hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế” .

Qua nghiên cứu, phân tích, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngành điện không hề thiếu vốn và lợi nhuận cũng không hề thấp, bằng chứng là EVN (đơn vị chiếm 74% sản lượng điện sản xuất, chiếm 100% về truyền tải và 94% về phân phối điện trên cả nước) vẫn có khả năng đầu tư mạnh vào những ngành thâm dụng vốn, chẳng hạn như viễn thông hay tài chính...

Ngành điện ở vào thế độc quyền, nên việc tăng giá điện có thể bắt nguồn chủ yếu từ đây.

Để khẳng định thêm, TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách – Trưởng nhóm CEPR nói: “Ngành điện cũng không thể dựa vào lập luận tăng giá điện để tạo sức ép tiết kiệm điện nhằm đạt tới cân đối cung cầu. Nó như là một lý do dễ dãi để biện minh cho sự cám dỗ rất khó cưỡng lại từ vị thế độc quyền hiện nay của ngành điện. Thêm vào đó, mức tiêu thụ bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp hơn 20% ở Thái Lan. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ điện ở nước ta tất yếu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới”

Hệ lụy của tăng giá điện, là đương nhiên. PGS, TS Ngô Trí Long – một chuyên gia về giá - đánh giá, giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng đối với tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, nên giá điện tăng chắc chắn tác động đến toàn bộ các ngành kinh tế, gây thêm trở ngại cho doanh nghiệp.

Mức tăng nhiều hay ít tùy thuộc vào từng ngành nghề cụ thể sử dụng nhiều hay ít điện. Trước mắt, sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2017 và sẽ kéo qua năm 2018.

Người tiêu dùng sắp tới cũng sẽ chịu tăng thêm chi phí do giá điện sinh hoạt tăng và giá sản phẩm hàng hóa tăng theo giá điện.

Theo thống kê hiện cả nước có 54 triệu khách hàng đang sử dụng điện, trong đó có 4,1 triệu hộ tiêu thụ dưới 50kWh, chiếm 17%.

Với các hộ này, Chính phủ cũng có quyết định hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách có sử dụng dưới 50 kWh với mức 51.000 đồng/tháng.

Với khoảng gần 4 triệu hộ nghèo trên cả nước, mỗi năm số tiền chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách, số tiền chi mỗi năm là trên dưới 2.500 tỷ đồng.

Việc tăng giá điện sẽ khiến chi phí của các đơn vị hành chính sự nghiệp với mức ảnh hưởng là 4,97%. Còn theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá điện làm tăng CPI 0,08%, tăng chỉ số sản xuất 0,7%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không nên 'một mình một chợ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO