Hành động vì người nghèo

Hạnh Nhân 17/10/2018 08:00

Hôm nay, 17/10, là Ngày cả nước vì người nghèo, mở đầu cho Tháng hành động cao điểm “Vì người nghèo” và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. 20h tối nay, 17/10, tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội sẽ diễn ra Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2018.

Hành động vì người nghèo

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao tiền hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tháng 10/2017.

Đây là sự kiện được tổ chức thường niên mang đậm tính nhân văn nhằm ghi nhận động viên, tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân trong nhiều năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cộng đồng khu dân cư, xã, huyện nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội.

18 năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị-xã hội đã nhận trách nhiệm vận động xã hội góp công sức, trí tuệ để hỗ trợ nhân dân thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, trọng tâm giám sát việc thực hiện các chính sách được quy định tại Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung: Giám sát việc thực hiện quy trình xác định đối tượng hỗ trợ (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn); Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng được hỗ trợ.

Kết quả vận động ủng hộ người nghèo từ khi phát động (17/10/2000 đến hết tháng 8/2018), các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và quỹ 3 cấp ở địa phương (tỉnh, huyện, xã) đã nhận được 14.000 tỷ đồng. Ủng hộ trực tiếp qua Chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được hơn 36.000 tỷ đồng.

18 năm qua, từ nguồn ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước, Chương trình đã xây dựng, sửa chữa gần 1,5 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn (riêng năm 2017 đã xây dựng và sửa chữa được 32.000 căn nhà); hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất; hỗ trợ xây dựng hàng ngàn công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn…), tặng quà hàng triệu người nghèo trong các dịp Tết Nguyên đán, cứu trợ thiên tai, chữa bệnh cho người nghèo…

Riêng chương trình truyền hình trực tiếp năm 2017 đã có 104 doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội với tổng số tiền lên tới 280 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” với số tiền trên 52 tỷ đồng, chương trình an sinh xã hội với số tiền trên 227 tỷ đồng.

Với những con số đóng góp trên, có thể khẳng định, giúp đỡ, hỗ trợ, chăm lo người nghèo không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn của cả cộng đồng xã hội, cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc đã điểm tô thêm truyền thống tương thân, tương ái, thương yêu con người của dân tộc Việt Nam.

Nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, các hoạt động chung tay vì người nghèo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội, các tập đoàn, tổng công ty, qua đó góp phần thiết thực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trăn trở, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn cao, vì vậy cần tiếp tục triển khai Chương trình thành hoạt động thường niên để góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, tạo sự lan tỏa và huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Do đó, việc tổ chức Chương trình cần đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, trong năm 2018, hoạt động chăm lo cho người nghèo cần có trọng tâm, trọng điểm với các chương trình cụ thể như tặng áo ấm cho người nghèo, mổ tim, chạy thận cho bệnh nhân nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Tháng cao điểm hành động Vì người nghèo là hoạt động rộng lớn, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, hợp ý Đảng, lòng dân, khơi dậy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta. Ở đó, tinh thần thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn được phát huy, công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo được thực hiện tốt hơn. Những chương trình có ý nghĩa sâu sắc như vậy cần được triển khai và thực hiện rộng khắp với kết quả thực chất. Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ Mặt trận chủ chốt các địa phương, các ngành, đoàn thể cần có những hành động thiết thực nhất giúp những nhà nghèo, những gia đình không may mắn. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của những người là “công bộc của dân”.

* Kết quả vận động ủng hộ người nghèo từ khi phát động (17/10/2000 đến hết tháng 8/2018), các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ hơn 50.000 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và quỹ 3 cấp ở địa phương (tỉnh, huyện, xã) đã nhận được 14.000 tỷ đồng. Ủng hộ trực tiếp qua Chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được hơn 36.000 tỷ đồng. 18 năm qua, từ nguồn ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước, Chương trình đã xây dựng, sửa chữa gần 1,5 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn (riêng năm 2017 đã xây dựng và sửa chữa được 32.000 căn nhà)...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành động vì người nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO