Công chức 'cắp ô'

Lục Bình 29/01/2018 10:45

Để chấn chỉnh kỷ cương hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sắp tới sẽ thành lập một tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm tổ trưởng.Tổ công tác này sẽ chấn chỉnh tình trạng công chức đi muộn về sớm, làm việc chểnh mảng-những công chức vẫn được gọi là “cắp ô” trong nền công vụ.Vậy tổ công tác này sẽ hoạt động như thế nào để truy cho được công chức “cắp ô”?

Đã nhiều năm nay dư luận cho rằng có không dưới 30% công chức ngồi chơi xơi nước trong nền công vụ. Trong tất cả các cuộc làm việc của các lãnh đạo cấp cao với Bộ Nội vụ, với các Bộ, ngành địa phương về những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước câu hỏi có bao nhiêu công chức “cắp ô” trong nền công vụ đều đã được đặt ra, nhưng đến nay vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.

Kết quả của những cuộc bình xét thi đua cuối năm vẫn chỉ dừng ở con số chưa quá 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Ai cũng biết con số đánh giá này quá hình thức, nhưng làm thế nào để truy cho được công chức “cắp ô” trong nền công vụ để đưa vào diện tinh giản biên chế dường như là điều quá khó.

Không thể trông chờ vào sự tự giác của các cơ quan, đơn vị trong công cuộc “truy tìm công chức cắp ô”. Ý thức được điều này, nhiều tỉnh, thành địa phương đã ráo riết các cuộc thanh kiểm tra công vụ đột xuất. Thậm chí có địa phương như tỉnh Quảng Nam đã xác lập đường dây nóngđể tiếp nhận những ý kiến phản ảnh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về các nội dung liên quan đến việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở và sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh.

Công bằng mà nói các cuộc thanh, kiểm tra công vụ đột xuất ít nhiều cũng có tác động. Qua đó, cũng đã tìm được một số công chức “cắp ô”. Hẳn nhiều người chưa quên đầu năm 2017, trong cuộc kiểm tra công vụ đột xuất tại Trung tâm hành chính công TP Hạ Long, Quảng Ninh, tỉnh này đã ngay lập tức cách chức đối với ông Vũ Phi Hùng- phó trưởng phòng Tư pháp nằm ngủ gác chân lên bàn trong giờ làm việc, có biểu hiện của việc uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa. Đợt đó, một số lãnh đạo Trung tâm hành chính công TP Hạ Long cũng bị kỷ luật. Đây là một quyết định cứng rắn, đủ sức răn đe đối với những công bộc của dân cũng là lời cảnh báo với tất cả những công chức nếu họ chưa thực sự ý thức được hết trách nhiệm phụng sự nhân dân của chính họ.

Việc thanh tra công vụ đột xuất cũng giúp Hà Nội tìm ra được không ít công chức “cắp ô”. Theo UBND TP Hà Nội, từ năm 2014 đến cuối năm 2017, TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng thanh tra, kiểm tra công vụ đối với 30 đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như phát hiện các bộ phận, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho vi phạm. Qua đó, đã phát hiện, xem xét kỷ luật đối với 51 cán bộ, công chức, lao động hợp đồng thuộc thanh tra xây dựng có vi phạm bằng các hình thức như: khiển trách 34, cảnh cáo 8, hạ bậc lương 3, giáng chức 2 và buộc thôi việc 4 người.

Rõ ràng, có kiểm tra, có giám sát thực sự sẽ tìm ra ai là người không được việc trong nền công vụ.

Nhìn chung, nhiều tỉnh thành đã tìm được ra một số công chức “cắp ô”, nhưng vẫn là con số quá ít ỏi so với hơn 30% công chức không được việc mà dư luận đã và vẫn đang nói đến. Thực tế thì người dân vẫn ca thán về thái độ phục vụ của cán bộ công chức. Vẫn còn tình trạng người dân chạy nhiều cửa mà công việc vẫn chưa thông. Còn doanh nghiệp thì rất bức xúc với các công bộc của dân vì những khoản chi phí ngoài luồng, chi phí không chính thứcvẫn tiếp diễn bất chấp những sắc lệnh cấm, chấn chỉnh từ cấp trên. Điều đó có nghĩa, trong nền công vụ vẫn tồn tại không ít công chức chưa ý thức được trách nhiệm của mình. Một mặt có thể trình độ của họ còn non kém chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; nhưng mặt khác đáng buồn hơn là họ xung phong nhận

việc công nhưng chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi ích của chính mình mà thôi.Không thể trông chờ vào sự tự giác của các Bộ, ngành địa phương trong việc lập lại kỷ cương hành chính, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến yếu tố con người, Bà Bùi Thị An- nguyên đại biểu Quốc hội- cho rằng: Phải có các cuộc kiểm tra, truy đến cùng những ai không được việc trong nền công vụ.

Luật Cán bộ, công chức quy định rất rõ những nhiệm vụ mà cán bộ công chức được làm, cũng như không được làm như: Công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ và phải tuân thủ các quy định về văn hóa giao tiếp ở công sở và văn hóa giao tiếp với nhân dân như: Phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ. Đồng thời, cán bộ, công chức không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi…. Như vậy, quy định của pháp luật về trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức khá đầy đủ, rõ ràng thế mà để tìm công chức “cắp ô” vẫn khó.

Khó là bởi đối với cán bộ, công chức làm việc đúng, nhưng chưa đủ để tạo ra kết quả theo yêu cầu, hoặc làm việc một cách cầm chừng, làm “vừa đủ” cốt sao không phạm phải khuyết điểm hay bệnh vô cảm của cán bộ, công chức, tức là chưa hoàn thành trách nhiệm công vụ, thì chưa có quy định cụ thể và chế tài xử lý. Vẫn theo bà Bùi Thị An, “cái khó mới ló cái khôn, thế mới cần bản lĩnh của Tổ trưởng Tổ công tác về chấn chỉnh công vụ của Thủ tướng”. Hy vọng, sẽ có một tổ trưởng tổ công tác đủ tâm, đủ tài, đủ bản lĩnh với vai trò là đặc phái viên của Thủ tướng với việc làm thiết thực giúp chấn chỉnh kỷ cương hành chính thực hiện cho được phương châm 10 chữ năm 201 8 của Chính phủ là: Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công chức 'cắp ô'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO