Chớ quản lý theo mạng

Từ Khôi 29/11/2017 10:05

Khi mạng xã hội phát triển, nguồn thông tin trở nên phong phú. Bên cạnh các thông tin, các quan điểm bày tỏ suy nghĩ sự trăn trở và trách nhiệm thì cũng vô vàn thông tin “dựng chuyện” và la lối “chửi rủa” lấy được. Trong mớ hỗn độn ấy, người không đủ bản lĩnh, không suy xét kỹ càng dễ bị lung lạc hay a dua theo đám đông.

Và cũng có trường hợp nhà quản lý bị chi phối bởi mạng xã hội mà vội vã ban hành quy định xuôi theo chiều “dư luận mạng”.

Trước một vấn đề, một sự kiện gây chú ý của dư luận, thế nào cũng có nhiều quan điểm trái chiều. Dư luận thể hiện một phần suy nghĩ của người dân.

Tuy nhiên các cấp độ có khác nhau tùy theo nhận thức của từng đối tượng. Lắng nghe dư luận là cần thiết, nhưng phải thận trọng và tỉnh táo để có quyết định đúng.

Nghiên cứu, sáng tạo là quyền tự do của con người. Dù những công trình nghiên cứu, sáng tạo của các cá nhân có thành công, có đi vào đời sống hay không thì chúng ta cũng nên trân trọng những nghiên cứu sáng tạo đó.

Trong hơn 1.000 sáng chế của Thomas Edison thì máy hát, bóng đèn điện và máy chiếu phim là ba sáng chế vĩ đại làm thay đổi lịch sử và cuộc sống của nhân loại.

Nhưng để sáng chế ra bóng đèn điện, Thomas Edison phải bắt tay nghiên cứu từ tháng 3-1878 đến tháng 10 năm 1879, qua hàng ngàn lần thí nghiệm.

May mà thời đó chưa có mạng xã hội chứ không có lẽ những ý tưởng sáng tạo ban đầu ông đã bị đem ra đàm tiếu. Có vậy mới thấy tình cảnh của PGS Bùi Hiền khi tự thân nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ thật đáng thương.

PGS Bùi Hiền - Nguyên Hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông, chỉ muốn cải tiến chữ quốc ngữ sao cho khoa học bằng việc giảm bảng chữ cái từ 38 xuống còn 31 chữ.

Sự việc xuất phát từ bài viết của PGS Bùi Hiền tham luận về cải tiến chữ quốc ngữ từ tháng 9 tại hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”, do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức.

Cũng may, đây mới chỉ là bài viết chứ nếu đã là công trình cấp Bộ hay nhận tiền dự án để thực hiện thì không hiểu “cư dân mạng” sẽ bình phẩm, phán “chém” ra sao.

Nhan nhản các bình luận có, hay “chuyển ngữ” tên mình hay tên các vị lãnh đạo thành kiểu chữ mới để cười cợt. Tất nhiên, đó cũng là sự thường.

Chắc không ít người còn nhớ bài thơ “Đổi thi” của Trần Tế Xương: “Nghe nói khoa này sắp đổi thi; Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!; Dẫu không bia đá còn bia miệng; Vứt bút lông đi, giắt bút chì”.

Đó là sự thắng thế ban đầu của cải cách chữ viết từ Hán sang chữ quốc ngữ. Ngay như bản thân chữ Nôm các cụ ta sáng tạo ra trước đây cốt để thay thế chữ Hán cũng bị giễu là “Nôm na mách qué”.

Thậm chí, khối nhà Nho kỳ thị chữ quốc ngữ, nói: “giấy của tôi viết chữ thánh hiền, khi nát thì hóa (đốt) chứ không dùng làm giấy chùi như của ông”.

Một việc nghiên cứu của cá nhân đã “to chuyện” như thế, nói gì đến các quy định liên quan trực tiếp đến hàng triệu người.

Câu chuyện Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 33/2017 quy định chi tiết một số điều Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 5/12/2017 vừa ban hành đã gây tranh cãi.

Tranh cãi ở một chi tiết: Các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất được đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi dư luận mạng phản ứng với tỷ lệ cao không đồng thuận, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tỏ ra khá lúng túng trong cách giải thích.

Thực tế, khi soạn dự thảo, người soạn văn bản chỉ diễn giải lại (nhưng vụng về câu chữ khiến hiểu sai) quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư 33/2017.

Nội dung này phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 98 của Luật Đất đai: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.

Và mới nhất là Thông tư 45/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung thông tư 01/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Mục I Phụ lục số XIII quy định: “Hành khách từ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình” đã loại bỏ các loại thẻ như: Thẻ đảng viên, thẻ nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô không được sử dụng để làm thủ tục lên các chuyến bay nội địa.

Ngay lập tức, mạng xã hội cho đó là làm khó, gây phiền hà cho người dân. Và khi dư luận lên tiếng, ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ngay lập tức nhận “sai sót là do lỗi… đánh máy” và khẳng định các thẻ trên vẫn được dùng để làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa.

Nếu các thẻ trên vẫn được sử dụng thì làm sao thông tư sửa đổi lại không nhắc lại?

Theo người viết, thẻ đảng, giấy lái xe là để phục vụ công việc của đảng hay chấp hành quy định điều khiển phương tiện giao thông chứ không thể dùng thay thế cho hộ chiếu, chứng minh thư, căn cước công dân… được.

Việc quy định về các loại giấy tờ chứng minh nhân thân để lên máy bay cần theo quy định thống nhất của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Và tất nhiên, nếu các thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe vẫn đủ điều kiện làm thủ tục lên máy bay thì Bộ Giao thông vận tải phải sửa đổi thông tư, mới ban hành.

Tuy nhiên, lỗi sai thì phải có đơn vị chịu. Và ở đây, trách nhiệm đang bị dồn vào Cục Hàng không và Vụ Vận tải.

Chung quy lại, mạng xã hội là cần thiết. Nhưng với người quản lý, điều cần thiết là hiểu các quy định của luật pháp mà kiên quyết đưa ra những chính sách, hành động đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chớ quản lý theo mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO