Chặn hiểm họa rình rập

Lê Anh Đức 01/03/2018 09:50

Trong vụ 2 tàu (tàu khách SE25 và tàu hàng ASY2) suýt đâm nhau sáng 27/2 tại khu vực ga Dầu Giây (Đồng Nai), thông tin bước đầu từ cơ quan chức năng cho biết, lái tàu khách SE25 đã thừa nhận sai sót khi nhìn đèn đỏ hóa đèn xanh, khiến xảy ra sự cố đáng tiếc nói trên.

Chặn hiểm họa rình rập

Hai tàu dừng lại chỉ cách nhau 10 m được xem là sự cố nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Sơn.

Mặc dù 2 chiếc tàu đã được thông báo và dừng lại kịp thời, song sai sót nguy hiểm này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn đối với các đoàn tàu, nhất là tàu khách.

Dù tai nạn chưa xảy ra nhưng ngành đường sắt vẫn phải thừa nhận đây là sự cố nghiêm trọng. Đáng tiếc, đây không phải lần đầu xảy ra sự cố tương tự khiến người đi tàu không khỏi hoang mang, lo lắng.

Mới cách đây chưa lâu, cuối tháng 7/2017, ngành đường sắt đã phải kỷ luật 4 cán bộ “ngủ quên” khiến 2 đoàn tàu (tàu SE1 và tàu SQN2) suýt đâm nhau tại ga Suối Vận (Bình Thuận). Cụ thể, ngày 14/7/2017, theo kế hoạch tàu SQN2 tránh tàu SE1 tại ga Suối Vận thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM.

Tuy nhiên, trực ban chạy tàu ga Suối Vận lại đón cả 2 đoàn tàu vào đường sắt số 2. May mắn là lái tàu SE1 đã phát hiện và cho dừng tàu SE1 trước tàu SQN2 khoảng cách 80m, tránh được một thảm họa giao thông.

Sau đó chỉ hơn nửa tháng, một sự cố đường sắt nghiêm trọng khác tiếp tục xảy ra, đó là việc đoàn tàu SP2 liên tiếp bị trật bánh 2 ngày liền (6, 7/8/2017) tại khu vực ga Yên Viên cũng do lỗi chủ quan của con người.

Trong cả 3 trường hợp vừa liệt kê kể trên đều do lỗi tại nhân viên ngành đường sắt, mà hoàn toàn không có bất cứ lỗi khách quan nào. Thông tin này không khỏi khiến dư luận có phần hơi... sốc, bởi mỗi đoàn tàu hoặc là mang theo tính mạng hàng trăm con người, hoặc là chuyên chở nhiều của cải vật chất của xã hội, vậy mà lại bị coi nhẹ, lơ là dẫn đến những hoàn cảnh nguy hiểm.

Trong cả 3 trường hợp trên, dù chưa có thiệt hại về người, song đây là điều không thể chấp nhận được. Tính mạng của hàng trăm hành khách được giao phó cho ngành đường sắt khi họ chọn phương tiện đi lại là những con tàu từ Bắc và Nam, từ miền xuôi lên miền ngược. Vậy mà sự tin tưởng của hành khách đã bị một số nhân viên đường sắt xem nhẹ.

Tính mạng của hàng trăm con người trên các chuyến tàu có thể bị nguy hiểm khi nó bị trật bánh và sẽ là thảm họa nếu 2 đoàn tàu đối đầu nhau trực diện với vận tốc cao thì thiệt hại không thể lường hết được.

Xét cho đến cùng thì việc trật bánh của đoàn tàu SP2, hay việc suýt húc nhau giữa các tàu SE1 với SQN2, SE25 với ASY2 tuy có nguy hiểm và khó có thể dung thứ, song điều nguy hiểm hơn là sự “trật đường ray” trong tư duy của một số cá nhân có trách nhiệm của ngành đường sắt.

Khi mà người ta làm việc với tinh thần thái độ thờ ơ, bàng quan, được chăng hay chớ, không quan tâm đến kết quả cũng như hậu quả thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Với cung cách làm việc như vậy cần phải bị xử lý và loại bỏ.

Trong dịp làm việc với ngành đường sắt vào gần cuối năm 2017, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá: Dù đã bước vào nền kinh tế thị trường hàng thập kỷ, song ngành đường sắt vẫn bị đè nặng tư duy bao cấp của những năm trước đổi mới. Đó chính là lý do mà trong thời điểm hiện nay, đối với hành khách, đường sắt kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác, từ chất lượng, an toàn, thị phần giảm dần qua từng năm. Lẽ ra ngành đường sắt phải là nơi “gánh vác” một lượng lớn hành khách cũng như hàng hóa, để giảm tải cho giao thông đường bộ thì lại lẹt đẹt không thể phát triển khiến các “thượng đế” quay lưng lại.

Làm sao mà hành khách và các doanh nghiệp có thể mặn mà với phương tiện vận chuyển đường sắt khi mà cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu. Người ta sao có thể đặt niềm tin phó thác tính mạng mình cho ngành đường sắt khi mà hết lần này đến lần khác đơn vị này để xảy ra những sự cố hết sức nguy hiểm do lỗi chủ quan của nhân viên?

Những sai sót trên của một số nhân viên ngành đường sắt là rất nguy hiểm, bởi nó không chỉ đe dọa tính mạng hành khách, không đảm bảo tài sản doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng lớn đến ngành đường sắt. Đã đến lúc ngành đường sắt cần có những giải pháp căn cơ giải quyết triệt để những vấn đề trên, không để lỗi chủ quan thành hiểm họa rình rập khách đi tàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn hiểm họa rình rập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO