Câu chuyện về những tấm lòng

Miên Thảo 02/05/2018 09:30

Khi mà thời gian qua ngành giáo dục nổi lên nhiều vấn đề, được dư luận quan tâm đi cùng lo lắng, thì người ta cũng biết đến những việc làm vì sự nghiệp giáo dục của không ít cá nhân có tấm lòng vàng, của những lực lượng xã hội, nổi bật là Bộ đội Biên phòng- những thầy giáo mang quân hàm xanh.

Vì rằng, giáo dục là sự nghiệp chung, khi đã là Quốc sách thì ai cũng có nghĩa vụ chung tay. Nhưng tiếc thay, cũng lại có “những tấm lòng” khiến người ta day dứt.

Câu chuyện về những tấm lòng

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk dạy học trò vùng sâu vùng xa.

Đến khóm Nguyễn Du (phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), người ta chạnh buồn trước những căn nhà nhỏ lụp sụp, ở đó có những đứa trẻ chân trần. Chúng khép nép ở một góc sân nhìn người lạ. Trong số đó có nhiều em không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa, chỉ bởi nhà quá nghèo.

Cha mẹ đêm hôm đầu tắt mặt tối lo bát cơm tấm áo vẫn không có tiền cho con đến trường. Cũng có em cha mẹ bỏ nhau, phải ở với người thân, thiếu bàn tay chăm sóc của bậc sinh thành nên đành thiệt phận. Cái nghèo gặm nhấm mơ ước của lũ trẻ, xói mòn tương lai của các em.

Nhưng cũng chính ở đây lại có những tấm lòng vàng- những con người tự nguyện đem cái chữ đến cho lũ trẻ nghèo. Mà người tiêu biểu nhất, được người dân hết sức quý mến là ông Nguyễn Hữu Thời- một cựu binh từng kinh qua đạn lửa trận mạc.

Ông Thời hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học phường Mỹ Bình. Lớp học tình thương do ông Thời và những người có cùng tấm lòng thiện nguyện như ông làm cho cái xóm nghèo không còn tĩnh mịch, mà hàng ngày như vui hơn bởi tiếng ê a học bài của lũ nhỏ nghèo. Lớp học bé nhỏ, không kiên cố nhưng bù vào đó là sự rộng rãi của những tấm lòng bao dung.

Ngay từ năm 1995, khi rời đơn vị công tác về địa phương, ông Thời đã dựng lên lớp học này. Gọi là lớp học nhưng bấy giờ chỉ có 3 đứa trẻ “đến lớp” và người dạy cũng chỉ có mình ông. Nhưng rồi theo thời gian, hiểu lòng ông, lũ trẻ đến đông dần, lên tới 20 em, từ lớp 1 đến lớp 5.

Giáo viên cũng nhiều lên. Họ là sinh viên Trường Đại học An Giang tham gia hỗ trợ giảng dạy và tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em. Riêng ông Thời, ông nói rằng ông sẽ vẫn đến lớp tình thương, vẫn đến với những đứa trẻ nghèo khi nào đôi chân ông vẫn còn đi được.

Tới nay, những lớp học tình thương như của ông Thời không ít. Những lớp học đó có ở những nơi đông lũ trẻ nghèo, không có điều kiện đến trường cho dù đã quá tuổi. Tới lớp học tình thương, các em nhận được kiến thức tối thiểu để hòa nhập xã hội, và lớn hơn nhiều lần khi các em đón nhận được tình người ấm áp, để rồi từ đó vượt lên số phận, có cái nhìn nhân hậu hơn với cuộc đời.

Cùng với những lớp học tình thương, suốt nhiều năm qua xã hội còn hết sức cảm phục, trân trọng sự đóng góp của Bộ đội Biên phòng khi tham gia dạy học ở vùng sâu, vùng xa, những vùng cách trở địa lý và cũng là những nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Ở đâu mà bản làng chìm trong sương mù, ở đâu núi cao chắn khuất tầm nhìn, nơi đó có Bộ đội Biên phòng. Họ đến với những lớp học cắm bản như một nghĩa vụ của lương tâm. Không có kiến thức sư phạm thì tự học tự rèn, người nọ bảo người kia, họ trở thành những người thầy giáo một cách tự nhiên trong lòng người dân thôn bản.

Nói đến những tấm lòng vàng, những hành động thiện nguyện mang tính nhân văn cao cả, cũng là dịp để nghĩ về nhà trường hôm nay. Khi mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết mực quan tâm đến nhà trường, đến sự nghiệp trồng người thì cũng là đặt niềm tin vào ngành giáo dục đào tạo cho đất nước những thế hệ công dân tốt.

Vì thế, lại chạnh buồn khi nghĩ đến tệ nạn bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể của học trò đó đây vẫn xuất hiện khiến trái tim nhức nhối. Một cô bảo mẫu đánh đập đứa trẻ vài ba tuổi; một cô giáo tiểu học phạt học trò bằng cách buộc phải ngậm nước từ giẻ lau bảng... Rồi chuyện học trò đánh nhau, ghi hình tung lên mạng..., quả là những câu chuyện buồn.

Lý giải nguyên nhân tình trạng bạo lực học đường, người ta cắt nghĩa nhiều cách, trong đó có nguyên nhân tiền bạc đã len lỏi sâu vào chốn học đường thanh cao. Có người gọi đó là tình trạng thương mại hóa giáo dục.

Việc đó thể hiện ở nhiều khía cạnh. Nạn “sổ vàng” như một cách nhà trường buộc cha mẹ học sinh phải đóng góp dù đã bớt nhưng không phải không còn, mà nó ẩn dưới những hình thức tinh vi hơn, trong đó có việc lấy hội cha mẹ học sinh ra làm bình phong để dễ bề thu tiền.

Chủ trương xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng, nhưng không ít nơi đã “vận dụng” một cách quá đáng, bày ra nhiều khoản thu vô lý, khiến gia đình nghèo phải vật lộn “đào ra tiền” để cho con đến trường. Rồi còn nạn dạy thêm tràn lan (mà người ta kéo cả yếu tố “học thêm” vào và ghép thành cụm từ “dạy thêm - học thêm” mang tính ngụy biện.

Nhiều nơi khó khăn, thầy cô giáo phải vừa dạy vừa dỗ, phải đến từng nhà, phải lên nương gọi học trò đến lớp - thì cũng lại có nơi học trò bị xâm hại, gia đình phải nộp nhiều khoản tiền để con được đi học cho bằng chúng bằng bạn. Đó là một nghịch lý và cũng là sự bất nhẫn lẽ ra không thể tồn tại trong hệ thống nhà trường của chúng ta.

Trở lại với những tấm lòng vàng đến với lũ trẻ nghèo, rất mong ngày càng có nhiều những người như thế. Và vì thế cũng mong môi trường giáo dục thật sự lành mạnh, nơi đó những chủ nhân tương lai của đất nước được học tập, rèn luyện chu đáo với tất cả sự thương yêu, chở che của người thầy. Để lũ trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui - như chính thông điệp của ngành giáo dục vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Câu chuyện về những tấm lòng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO