Áp lực nghề

Miên Thảo 15/01/2018 10:30

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu hướng và cũng là cơ hội đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không chỉ với một quốc gia nào. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Áp lực nghề

Cần đổi mới phương thức dạy nghề đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng đó cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là với nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu thiếu hụt nguồn nhân lực này thì khó bắt nhịp được với tốc độ phát triển bởi cuộc cách mạng dựa trên nền tảng khoa học công nghiệp hiện đại. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta đã và đang làm gì chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng cuộc cách mạng đó?

Một cách tổng quát, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) chính là thành tựu của công nghệ kỹ thuật số, công nghệ sinh học, robot thế hệ mới. Nó đã và đang trở thành nền tảng để chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức. CMCN 4.0 cũng sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động, cũng như cơ cấu lao động.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ CMCN 4.0, do chất lượng nguồn nhân lực, khi mà lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động.

Đó là nguyên nhân cơ bản khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN, cũng như mặt bằng chung của thế giới. Tới nay, không có cách nào khác người lao động phải tự trang bị cho mình nghề nghiệp một cách vững chắc, bài bản, phù hợp với những ngành nghề mới cũng như đòi hỏi tay nghề cao ở những ngành nghề cũ.

Thực ra, đây cũng không hẳn đã là điều gì đó quá mới mẻ. Các cụ xưa đã dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, với hàm ý con người ta muốn no ăn ấm mặc thì phải biết một nghề, giỏi một nghề. Ít ra là như vậy. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, việc học nghề (qua trường lớp) cũng như tự đào tạo của người lao động không được chú trọng, hiệu quả thấp.

Việc “thừa thầy, thiếu thợ” đã được cảnh báo nhiều chục năm qua, tới nay vẫn rất gay gắt. Cho dù hệ thống trường phổ thông có nói đến việc hướng nghiệp dạy nghề, phân luồng ngay từ sau trung học cơ sở nhưng trên thực tế vẫn chỉ dừng lại ở lý thuyết, cao hơn cũng chỉ là sự thuyết phục.

Trong khi xã hội vẫn nặng tâm lý phải học đại học cho bằng được. Tấm bằng đại học được cho là chìa khóa mở cánh cửa vào đời nên hầu hết học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đều thi vào đại học. Đáng tiếc, phần lớn chương trình các trường đại học, kể cả đại học nghề, lại nặng về lý thuyết mà thiếu việc trang bị kỹ năng cho người lao động, bên cạnh đó còn là sự lạc hậu của hệ thống giáo trình dạy nghề.

Những năm qua, việc dạy nghề cho thanh niên nông thôn như một phong trào. Nhưng chỉ dạy những nghề giản đơn, thời gian rất ngắn, cốt là họ có thể làm được những công việc không cần học nghề trong trường lớp. Nhưng cuộc CMCN 4.0 lại không cần điều đó, mà đòi hỏi người lao động phải có tay nghề cao, chuyên sâu.

Điều đó cho thấy đã đến lúc phải chuyển hướng dạy nghề, không thể dạy theo lối cũ. Bản thân người lao động cũng phải ý thức được điều đó, không thụ động mà phải đón đầu, nếu không muốn thất nghiệp, không muốn “đứng ngoài cuộc chơi”.

Áp lực chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực phải được nhìn nhận một cách thực tế. Không thực tế sao được khi mà một thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, có đến 86% lao động trong ngành dệt may và giày dép của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc CMCN 4.0.

Cũng cần nói thêm, trong vòng hơn 20 năm qua, tổng số lao động Việt Nam đã tăng thêm khoảng 19 triệu người, từ mức 35 triệu người năm 1996 lên 54 triệu người năm 2016. Khi máy móc tham dự vào nhiều công đoạn sản xuất, đương nhiên sẽ dư thừa lực lượng lao động. Và chính nguồn lao động dôi dư ấy sẽ trở thành lực cản của quá trình phát triển.

Tuy nhiên, đáng lo ngại không kém là ở những ngành nghề mới, thu nhập cao thì lại rất thiếu lao động đáp ứng được yêu cầu. Với ngành công nghệ thông tin, một thống kê của Vietnamworks năm 2016, nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm này.

Ước tính sẽ có gần 80.000 sinh viên CNTT bước vào thị trường lao động trong hai năm, 2017 và 2018, tuy nhiên so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam vẫn sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT. Nếu tính tới năm 2020, số nhân lực thiếu hụt sẽ lên tới hơn 500.000 người.

Vậy, mô hình đào tạo mới sẽ là gì?

Cuộc CMCN 4.0 đương nhiên sẽ tạo ra đột phá về năng suất lao động và nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp buộc sẽ phải giảm người lao động tay nghề thấp mà tuyển người lao động tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất mới.

Nói như lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) thì hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang trong giai đoạn đổi mới, nâng cao chất lượng và con đường để đi đến thành công là đào tạo phải gắn với việc làm, đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, của các doanh nghiệp.

Thực sự thì chưa có cuộc CMCN 4.0 thì người ta cũng đã nói thế rồi, nhưng tình hình không chuyển. Vấn đề là phải có một cuộc cách mạng thật sự trong đào tạo nghề, mà lẽ ra điều đó đã phải diễn ra từ lâu. Nay, muộn, nhưng không thể không làm.

Cuộc cách mạng đào tạo nghề không cần đòi hỏi mục đích ý nghĩa cao xa gì, mà đơn giản theo giới chuyên gia là chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình đào tạo hiện có sang mô hình đào tạo những gì thị trường cần và hướng tới chỉ đào tạo những gì thị trường sẽ cần. Khi đó, như một lẽ tự nhiên sẽ gắn kết được cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo yêu cầu của thị trường.

Nhưng những gì đã qua cho thấy, không hề đơn giản, nếu như chúng ta vẫn bị kìm chân bởi lý thuyết, thêm vào đó lại thiếu tinh thần vào cuộc một cách quyết liệt.

Sở dĩ nói vậy là bởi theo ông Huỳnh Kim Tước- giám đốc điều hành Không gian sáng tạo và khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh - Shihub, thì lẽ ra, trường ĐH phải dạy kỹ sư khả năng tích hợp được nhiều kiến thức bằng phương pháp STEM (tức là trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học); thì trong 350 trường đại học ở Việt Nam chỉ có 12 trường có được nhóm giảng viên được trang bị kiến thức giảng dạy bằng phương pháp STEM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO