Vi phạm sửa chữa bài thi: Phạt tiền thôi chưa đủ

Thu Hương 12/10/2018 09:30

Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đưa ra quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt này chưa đủ sức răn đe.

Vi phạm sửa chữa bài thi: Phạt tiền thôi chưa đủ

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại Hà Nội.

Mức phạt cao nhất tới 25 triệu đồng

Cụ thể, mục 6 của dự thảo quy định các hình thức xử phạt về sai phạm trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Theo đó, phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi. Từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng nếu thông tin sai sự thật về kỳ thi, từ 10 triệu đến 12 triệu đồng đối với hành vi làm mất bài thi.

Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy chế thi theo các mức phạt sau đây: Từ 1 triệu đến 2 triệu đồng nếu mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi; từ 2 triệu đến 3 triệu đồng nếu làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài. Từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác.

Hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng; đánh tráo bài thi hoặc lấy bài của thí sinh này giao cho thí sinh khác phạt từ 15 triệu đến 20 triệu, phạt từ 20 triệu đến 25 triệu đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định hoặc chấm thi không đúng hướng dẫn.

Trên thực tế, qua các kỳ thi đã được tổ chức những năm qua đã phát hiện một số tiêu cực trong việc coi thi, chấm thi, nhập điểm vào máy... Gần đây nhất là sai phạm nghiêm trọng tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn chưa có kết luận điều tra cuối cùng. Một số cá nhân vi phạm đã bị khởi tố hình sự vì cơ quan chức năng xác định mức độ của hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng.

Vi phạm nghiêm trọng

TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng mức độ của hành vi sửa bài, nâng điểm thi là nghiêm trọng. Nếu đưa nhóm hành vi này vào nghị định xử phạt hành chính chưa thật hợp lý. Nhất là mức xử phạt chỉ từ 10 -15 triệu đồng như thế là quá nhẹ.

“Nếu chỉ bị xử phạt hành chính thì khác nào mở đường cho gian lận thi cử ”- TS Khuyến nhấn mạnh.

Đây cũng là quan điểm của giảng viên Nguyễn Hoài Phương (Trường CĐ Phát thanh truyền hình 1). Ông Phương cho rằng, đã là thầy cô giáo càng cần phải nghiêm túc chấp hành mọi quy định của nhà nước, làm gương cho học sinh. Việc sửa bài, nâng điểm cho một số cá nhân nào đó, dù với bất cứ lý do nào cũng không thể chấp nhận được. Nhất là ở kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, hàng loạt thí sinh được nâng điểm so với bài thi thực tế làm giảm sút niềm tin của xã hội vào những nỗ lực cải cách đổi mới của ngành giáo dục thời gian qua... Những cái mất đi, những hệ lụy như vậy chỉ bị xử phạt hành chính số tiền 10-15 triệu đồng là chưa hợp lý.

“Cao hơn vấn đề phạt bao nhiêu là cần tìm biện pháp để ngăn chặn tận gốc được các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục. Bởi thực tế lương nhà giáo ở mức nào, ai cũng biết. Nếu phạt cao quá thì giáo viên lấy đâu ra tiền nộp phạt, mà phạt thấp thì không đủ sức răn đe. Vì vậy nên chuyển sang những hình thức khác, cách tốt nhất là tìm biện pháp để phòng chống” - ông Phương nêu quan điểm.

Trong đó, về phía ngành giáo dục cần tìm các biện pháp về công nghệ thông tin để làm sao hạn chế tối đa nhất sự tác động của con người vào bài thi đối với các kỳ thi quốc gia.

Thứ hai, đối với việc kiểm tra, thi cử trong giáo dục, cố gắng càng công khai, minh bạch bao nhiêu càng tốt.

Thứ ba, khi phát hiện tiêu cực, cần xử lý thật nghiêm, không chỉ người trực tiếp thực hiện các hành vi sửa điểm, đánh tráo bài... mà cả người đứng đầu đơn vị đó.

Lấy ví dụ về cách xử phạt khi vi phạm các lỗi tương tự trong giáo dục, TS Lê Viết Khuyến nêu câu chuyện của Trường ĐH Harvard đã đình chỉ 1 năm học một số sinh viên khi có nghi vấn về hàng trăm bài thi của sinh viên trong một lớp có một số điểm tương đồng. Hay như mới đây, một GS thuộc Trường ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc) đã lĩnh án 10 tháng tù vì nâng điểm cho một số sinh viên là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng theo học trong trường.

TS Khuyến cho rằng trong môi trường giáo dục, mọi thứ phải đánh giá bằng năng lực, trình độ thực tế thể hiện trong quá trình học tập và kết quả bài thi.

“Không chỉ trong nhà trường mà chính cha mẹ học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh cũng cần thấm nhuần và chấp hành nghiêm túc quy định này. Tuyệt đối không thể vì thân quen hay là người nổi tiếng mà được ưu ái hơn người khác. Tất cả những hành vi tiêu cực bị phát hiện, không chỉ xử phạt người thầy mà cả phụ huynh hay đối tượng tác động dẫn đến tiêu cực này cũng cần bị xử lý nghiêm để trả lại môi trường giáo dục trong sáng” - TS Khuyến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vi phạm sửa chữa bài thi: Phạt tiền thôi chưa đủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO