Tuyển sinh lớp 6 THCS tại Hà Nội: Cần sự giám sát của phụ huynh

Dung Hòa 21/05/2019 07:00

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, ngay từ học kỳ II của năm học này, rất nhiều học sinh lớp 5 ở Hà Nội đã được phụ huynh cho đi ôn luyện thi cấp tốc- cho dù họ chưa biết cụ thể phương thức xét tuyển hoặc đánh giá năng lực của từng trường ra sao. Điều này ít nhiều khiến cho cuộc chạy đua luyện thi vào đầu cấp THCS của Hà Nội “nóng” trở lại.

Theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội, việc tuyển sinh lớp 6 THCS năm học 2019- 2020 sẽ có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, thời điểm này khi mà năm học cũ đã chuẩn bị kết thúc, nhiều trường THCS vẫn chưa công bố phương án tuyển sinh, khiến phụ huynh lo lắng.

Tuyển sinh lớp 6 THCS tại Hà Nội: Cần sự giám sát của phụ huynh

Tuyển sinh lớp 6 tại Hà Nội năm học 2019-2020 có nhiều thay đổi.

Nội dung kiểm tra thuộc chương trình lớp 5

Theo quy định, tuyển sinh lớp 6 tại các trường THCS chất lượng cao, trường quá tải, điểm trúng tuyển được tính bằng điểm xét tuyển cộng với điểm kiểm tra đánh giá năng lực (tính hệ số 2).

Riêng kiểm tra, đánh giá năng lực, TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã quy định bài kiểm tra, đánh giá năng lực. Điểm kiểm tra là tổng điểm các bài kiểm tra, đánh giá năng lực được tính theo thang điểm 10. Trong đó nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành.

Hình thức kiểm tra là các trường cho học sinh làm bài trắc nghiệm khách quan hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận, trong đó đảm bảo yêu cầu bốn cấp độ nhận thức bao gồm: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Thời gian làm bài tối đa 60 phút/ bài. Các trường lựa chọn thời gian kiểm tra, dánh giá năng lực hợp lý, sau đó báo cáo phòng GDĐT trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.

Những năm học trước, do bị cấm tuyển sinh bằng thi tuyển, do đó các trường nói trên gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, buộc phải xét tuyển dựa trên các tiêu chí đánh giá dựa vào hồ sơ, học bạ, thậm chí dùng đến tiêu chí phụ là các giải thưởng… Tuy nhiên, thực hiện tuyển sinh theo phương thức này không được phụ huynh và chuyên gia ủng hộ, bởi từ đó có thể nảy sinh tiêu cực trong việc “mua giải”, mua chứng chỉ...

Năm học này, việc bỏ lệnh “cấm thi” vào lớp 6 được nhiều phụ huynh và chuyên gia ủng hộ, bởi có thể giảm được tiêu cực trong việc “mua” giải thưởng khi chỉ xét bằng học bạ cấp THCS.

Đánh giá năng lực bằng tình huống

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, ngay từ học kỳ II của năm học này, rất nhiều học sinh lớp 5 Hà Nội sẽ bước vào kỳ tuyển sinh vào các trường chất lượng cao đã được phụ huynh cho đi ôn luyện thi cấp tốc- cho dù họ chưa biết cụ thể phương thức xét tuyển hoặc đánh giá năng lực của từng trường ra sao.

Điều này ít nhiều khiến cho cuộc chạy đua luyện thi vào đầu cấp THCS của Hà Nội “nóng” trở lại. Bởi theo kinh nghiệm từ các “lò” luyện sĩ sử, nếu chỉ học trên lớp học sinh khó có thể giải được bài kiểm tra Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn của các trường chất lượng cao.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, trường nào tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực thì cần công khai các dạng bài minh họa cho phụ huynh học sinh tham khảo. Nội dung đánh giá năng lực phải nằm đúng trong chương trình tiểu học, không đánh đố, không vượt quá năng lực kiến thức của học sinh tiểu học. Có như vậy mới tránh được tình trạng đổ xô đi học thêm, tạo áp lực lớn cho học sinh, gây bức xúc trong dư luận.

Xung quanh những lo lắng của phụ huynh về phương thức tuyển sinh vào lớp 6 của các trường THCS chất lượng cao, trường quá tải tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Trung học (Bộ GDĐT) chia sẻ: Đến nay, chưa hết năm học 2018-2019 nên nhiều trường chưa công bố phương thức tuyển sinh vào lớp 6. Tuy nhiên, trong phương án tuyển sinh của các trường cũng phải đủ thời gian để phụ huynh có thể đăng ký nguyện vọng cho con em mình.

Theo ông Thành, việc đánh giá năng lực không phải là kiểm tra kiến thức quá khó. Kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh có thể ở trên giấy. Tuy nhiên, bài kiểm tra này khác với bài thi ở trên lớp học là không yêu cầu học sinh phải nhớ hay học thuộc lòng kiến thức một cách máy móc mà chỉ cần kiến thức phổ thông ở cấp Tiểu học. Đơn cử bài đánh giá năng lực sẽ đưa ra các tình huống, thông tin xung quanh môn học để học sinh có thể giải quyết chúng trong cuộc sống. Các em có thể vận dụng kiến thức mình đã học để giải quyết những vấn đề gần gũi với mình trong cuộc sống.

Cùng với đó, ngoài việc kiểm tra năng lực của học sinh như trên thì nhiều trường sẽ kiểm tra học sinh theo hướng để các em trình bày, thể hiện bản thân. Chẳng hạn có trường tổ chức 1 ngày để học sinh trải nghiệm ở một nơi nào đó và giao cho các em một số yêu cầu phải làm. Căn cứ vào sự quan sát và sản phẩm của học sinh trình bày hay làm được, nhà trường sẽ đánh giá, nhận xét và cho điểm năng lực của các em.

Trước những băn khoăn về chất lượng “đầu vào” của các trường THCS - khi mà điểm học bạ ở bậc tiểu học có nguy cơ được làm đẹp, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích, ngoài việc xét tuyển dựa trên học bạ, các trường phải đưa ra phương án kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Dẫu thế, để chọn ra thí sinh đủ tiêu chuẩn vào trường thì đòi hỏi sự đánh giá phải thật công tâm. Cùng với đó, quá trình giám sát việc đánh giá tuyển sinh năng lực của học sinh có sự tham gia của phụ huynh cũng vô cùng quan trọng, nhằm ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh lớp 6 THCS tại Hà Nội: Cần sự giám sát của phụ huynh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO