Sự thích ứng của ngôn ngữ

Phạm Quý 17/12/2017 23:02

Phê bình sinh thái là bộ môn khoa học đầy mới lạ ở Việt Nam. Yếu tố không thể thiếu để xây dựng tác phẩm phê bình sinh thái chính là ngôn ngữ. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong phê bình sinh thái vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Mở ra sự thích ứng mới

Phê bình sinh thái (hay còn gọi là nghiên cứu xanh) xuất hiện tại Anh và Mỹ vào những năm cuối thế kỉ XX và nhanh chóng lan rộng tới nhiều quốc gia và trở thành bộ môn khoa học. Đây là bộ môn giao thoa giữa KHTN và KHXH & NV nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với văn học và môi trường sinh thái bằng cách tiếp cận theo hướng liên ngành.

Hiện nay, một số nhà phê bình quan tâm về phê bình sinh thái gần đây có thể kể đến: Trần Đình Sử, Đỗ Văn Hiểu, Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Đăng Điệp … Đặc biệt Trần Thị Ánh Nguyệt – Lê Lưu Oanh và Nguyễn Thị Tịnh Thy có hai chuyên luận về phê bình sinh thái đã được xuất bản. Có thể nhận định, các tác phẩm phê bình đã có những thành công bước đầu và đã được ghi nhận.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học cho hay: “Sự xuất hiện của phê bình sinh thái được coi như một chuyển hướng đầy thích ứng của nghiên cứu văn học trước bối cảnh văn hóa đương đại, nhưng xét về mặt bản chất đây là một khuynh hướng mở, cho phép các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học và môi trường ở các thời đại khác nhau.

Cũng có thể nói, phê bình sinh thái mở ra hướng đi mới cho ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ phê bình nói riêng.

Đối mặt với thách thức

Những tác phẩm phê bình sinh thái nước ta bước đầu đã hiểu và đánh giá được các tác phẩm sinh thái trong nước và giúp người đọc hiểu được quan điểm tác giả. Tuy nhiên thách thức mới đặt ra cho những tác giả phê bình đó là không chỉ đơn thuần hiểu và phân tích tác phẩm trên các phương diện vốn có của nó mà còn đòi hỏi tác giả phê bình biết cách thể hiện và biểu đạt quan điểm của mình để đối tượng tiếp nhận có thể hiểu và đồng tình.

Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quay cách diễn đạt và sử dụng ngôn ngữ phê bình sinh thái dẫn đến việc người đọc hiểu thiếu chính xác về quan điểm của nhà phê bình về tác phẩm và tác giả. Mới đây, ngay trong hội thảo khoa học quốc tế “Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu” do Viện Văn học tổ chức, đã có những tranh cãi, phản biện xuất phát từ việc diễn đạt và sử dụng ngôn ngữ của tác giả phê bình.

Tác giả phê bình là TS Trần Thị Nhung nhấn mạnh tới tính thẩm mỹ về sinh thái trong các sáng tác của Trần Nhân Tông nhưng với cách diễn đạt chưa rõ ràng nên một số nhà khoa học lại hiểu rằng, chính các tác phẩm của Trần Nhân Tông cũng là tác phẩm sinh thái.

Xoay quanh các vấn đề của phê bình sinh thái được các nhà phê bình, nghiên cứu bàn đến và thảo luận trong Hội thảo khoa học quốc tế “Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu” có thể thấy, vấn đề về ngôn ngữ chưa được quan tâm đúng mức mặc dù đây là một kênh giao tiếp cơ bản nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tác giả và bạn đọc. Chưa có một quy chuẩn nào về mặt ngôn ngữ của phê bình sinh thái cho các nhà phê bình được đề xuất.

Phê bình hệ sinh thái với mục đích cuối cùng là góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, điều chỉnh những nhầm lẫn tai hại về môi trường sinh thái, từ đó giúp cộng đồng có những ứng xử phù hợp với tự nhiên, biết lắng nghe tiếng nói của tự nhiên trên cơ sở phân tích và truy vấn mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong các sáng tác văn học – nghệ thuật. Như vậy, có nghĩa là, phê bình sinh thái hướng đến đối tượng công chúng đông đảo kèm theo đó là phông nền tri thức, văn hóa đa dạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự thích ứng của ngôn ngữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO