Lương giảng viên đại học: Bao nhiêu là đủ?

Thu Hương 16/10/2018 08:00

Thông tin Trường ĐH FPT sẽ trả lương tối thiểu cho giảng viên, nghiên cứu viên có học vị tiến sĩ là 25 triệu đồng/ tháng đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trên thực tế, lương của giảng viên các trường ĐH khác là bao nhiêu? Họ có sống được bằng lương không?

Lương thấp, thu nhập cao?

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ThS Phan Văn Kiền (Viện Đào tạo khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, sau 10 năm đi dạy, hiện nay tổng thu nhập từ công việc giảng dạy của anh mỗi tháng vào khoảng 7,5 triệu đồng, trong đó có phụ cấp 25% đứng lớp. Hiện anh đang làm luận án Tiến sĩ. Trước câu hỏi của PV, sau khi có học vị Tiến sĩ, mức lương có được tăng lên? ThS Kiền cho biết, theo quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội, lương được tính theo thâm niên công tác và các đóng góp trực tiếp của cá nhân trong công việc, không phải theo học hàm, học vị. Vì vậy, ngoài việc đến hạn lại lên lương, nếu cá nhân có những thành tích, sáng kiến, giải thưởng… tùy theo mức độ đạt được, sẽ được Hội đồng lương xem xét tăng lương trước thời hạn.

Vậy giảng viên như anh có sống được bằng lương? ThS Kiền cho rằng, trên thực tế, công việc của anh được quy định 1 năm lên lớp khoảng 270 tiết học. Nếu làm thừa giờ, anh sẽ có thu nhập tăng thêm, cụ thể là khoảng 50.000-60.000 đồng/tiết tùy từng trường. Khoản này, cuối năm sẽ được cộng dồn và số tiền cao nhất anh từng được nhận là khoảng 4 triệu đồng.

Theo lịch được phân công, một tuần anh chỉ có khoảng 3-4 buổi, tổng cộng 11 tiếng/tuần đi dạy trên lớp. Nhà trường không quản lý về mặt thời gian như các công việc hành chính khác mà chỉ điều động khi có các công việc cần thiết như coi thi, họp hoặc công việc sự vụ đột xuất… Thời gian còn lại, anh dành để nghiên cứu, đi dạy thêm hoặc tham gia các dự án, làm thêm các công việc khác.

“Ở ĐH Quốc gia, có rất nhiều cách để giảng viên như chúng tôi tăng thêm thu nhập. Chẳng hạn, giảng viên nào có nghiên cứu tốt, có bài đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế, trường sẽ thưởng từ 3-15triệu đồng. Hoặc có thể đăng ký các dự án, xin tài trợ để vừa được làm công việc đúng chuyên môn, vừa tăng thêm thu nhập” – ThS Kiền cho biết.

Khởi đầu nào cũng gian khó

Tại buổi tọa đàm về định hướng chiến lược phát triển tài năng trẻ quốc gia thời kỳ toàn cầu hóa, PGS. TS Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã kể lại câu chuyện của bản thân. Cách đây hơn chục năm, khi PGS Vinh từ Mỹ về và ký hợp đồng với ĐH Quốc gia Hà Nội với mức lương hơn 2 triệu đồng, vẫn có người bảo cao. Tuy nhiên, sau đó mức lương này dần tăng lên theo thời gian và trách nhiệm công việc được giao. PGS Vinh cho rằng, về chế độ lương thưởng, các bạn trẻ không nên quá bi quan. Đặc biệt, với các nhà khoa học, không thể tăng lương một cách “bất thường” mà phải được làm việc đúng năng lực, sở trường và tạo ra được sản phẩm, tạo ra thu nhập hoặc nghiên cứu có ý nghĩa, tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu của mình. Khi đó, thu nhập sẽ được cải thiện.

Đây cũng là câu chuyện chung của hầu hết các giảng viên ĐH hiện nay. Chấp nhận gắn bó với công việc này tức là chấp nhận mức lương khởi đầu theo thang bảng lương chung, chỉ khoảng trên dưới 3 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu tính trên thời gian thực tế đứng lớp, thu nhập này không thể nói là thấp.

ThS Kiền cho rằng, về lý, các nhà trường chỉ trả lương cho giảng viên đã có năng lực, trình độ giảng dạy và nghiên cứu. Điều kiện này, với hầu hết các giảng viên trẻ là chưa đáp ứng tốt, thậm chí là đang trong quá trình học việc. Cá nhân anh, thời gian đầu ra trường, cũng giống như bạn bè, anh cũng chật vật làm thêm để trang trải cuộc sống. Anh nhận đi dạy thêm ở 7-8 trường đúng với chuyên ngành đã được học, song song với đó là học thêm ThS để nâng cao trình độ.

“Lý tưởng nhất là được làm đúng công việc mình có chuyên môn, được toàn tâm toàn ý theo đuổi công việc giảng dạy của mình. Nhưng cũng giống như rất nhiều ngành nghề khác, trong điều kiện chưa cho phép, hãy chủ động tìm kiếm thêm các cơ hội khác, bắt tay vào thực hiện thay vì mãi ngồi cân nhắc, đòi hỏi…” – ThS Kiền nêu quan điểm.

Về ý kiến cho rằng, nếu cứ mải mê làm thêm tăng thu nhập mà không quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học – một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên ĐH, một giảng viên của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng quỹ thời gian làm việc 8 tiếng theo quy định của nhà nước nhưng trên thực tế, mỗi người có tới 24 tiếng mỗi ngày. Linh hoạt thời gian để vừa đảm bảo cuộc sống, vừa nghiên cứu chuyên sâu nên là một trong những lựa chọn cho các giảng viên trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương giảng viên đại học: Bao nhiêu là đủ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO