Hình dung về hiệu trưởng

B.Ngọc 22/03/2018 09:30

Phụ huynh và cộng đồng sẽ tham gia đánh giá hiệu trưởng nhưng không chấm điểm như trước đây mà chỉ đưa ra ý kiến về vấn đề liên quan đến năng lực hiệu trưởng- đó là một trong những điểm nhấn trong Dự thảo chuẩn hiệu trưởng phổ thông của Bộ GDĐT.

Theo PGS TS Đặng Thị Thanh Huyền- nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục), trưởng nhóm nghiên cứu về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, thì người hiệu trưởng trong giai đoạn đổi mới cần có phẩm chất và năng lực mới.

Thay vì thực thi nhiệm vụ hành chính như trước đây, nhà trường ngày càng được tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, xây dựng trường học lấy người học làm trung tâm, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho mỗi học sinh.

“Tiến bộ và hạnh phúc của mỗi học sinh là thước đo năng lực hiệu trưởng”- bà Huyền nói và nhấn mạnh, trong bối cảnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình rất cao của nhà trường thì người hiệu trưởng phải có tinh thần chủ động, năng động và sáng tạo để tổ chức mọi hoạt động giáo dục mang đến sự phát triển tốt nhất cho học sinh.

Có thể đưa ra công thức: Chuẩn Hiệu trưởng = Tự chủ + Dân chủ+ Thi tuyển

Cùng đó, để đáp ứng nhiệm vụ trong điều kiện mới, nhìn chung hiệu trưởng phải là người có năng lực chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học.

“Hiệu trưởng phải vững vàng về chuyên môn, am hiểu nghiệp vụ sư phạm, khoa học quản lý, quản trị nhà trường; sử dụng được ít nhất 1 ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường”- theo bà Huyền.

Với khái niệm quản trị nhà trường, có thể hiểu rằng hiệu trưởng phải điều hành các hoạt động của nhà trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch.

Bao gồm lập kế hoạch phát triển nhà trường, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản trị tổ chức, hành chính, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, quản lý chất lượng giáo dục của nhà trường và xuyên suốt năng lực quản trị trường học là lãnh đạo sự thay đổi nhà trường.

Vẫn theo PGS Huyền, hiệu trưởng nhà trường phải có các mối quan hệ theo chiều dọc đối với ngành, quan hệ đối với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và với truyền thông…

Câu hỏi đặt ra là: So với chuẩn hiện hành thì chuẩn hiệu trưởng mới có điểm gì khác trước?

PGS Huyền cho biết, điểm khác đầu tiên là mục đích quan trọng hàng đầu của chuẩn là để hỗ trợ, bồi dưỡng cho hiệu trưởng phát triển năng lực ở các mức ngày càng cao; Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông thay vì để phân loại phục vụ thi đua, bình bầu, xếp loại như trước đây.

Điều rất quan trọng là hiệu trưởng biết tự đánh giá với các minh chứng đầy đủ, rõ ràng để từ đó lập kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng. Cùng với ý kiến đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng, cơ quan quản lý cấp trên sẽ quyết định xếp loại hiệu trưởng theo các mức.

“Như vậy chuẩn hiệu trưởng mới chính là cái để mọi người tự soi, tự sửa và tự mình học hỏi, hoàn thiện”- PGS TS Đặng Thị Thanh Huyền nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hình dung về hiệu trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO