Phát huy dân chủ từ giám sát cải cách hành chính

Ngô Sách Thực Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam 05/09/2018 08:10

Giám sát cải cách hành chính là để phát huy dân chủ, là việc làm cụ thể góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước. Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước là 1 trong 5 chương trình hành động trọng tâm của Đại hội MTTQVN khóa VIII đang được tổng kết để đề ra nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo.

Phát huy dân chủ từ giám sát cải cách hành chính

Giám sát cải cách hành chính góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân. Ảnh: Quang Vinh.

Vừa qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam trong cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước và dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp.

Mục đích của Hội thảo là làm rõ vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam với công tác giám sát cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trong thời gian qua; chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, phương pháp, cách làm giám sát có hiệu quả thời gian tới. Hội thảo đã có nhiều ý kiến phát biểu; các ý kiến tập trung vào một số nội dung chủ yếu là:

Thứ nhất, ý kiến của các bộ, ngành: Khẳng định sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng cải cách hành chính, trong những năm qua, các bộ, ngành đã chủ động xây dựng các phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân phù hợp với ngành, lĩnh vực phụ trách như: Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc triển khai đo lường sự hài lòng của các bộ, ngành đã dần đi vào nề nếp và đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận dịch vụ hành chính công và sự nghiệp công.

Các ý kiến đều khẳng định vai trò giám sát của nhân dân trong cải cách hành chính rất quan trọng và rất mong nhận được sự phối hợp, vào cuộc của MTTQ, các đoàn thể để thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Kinh nghiệm thời gian qua đã chỉ rõ khi có chương trình phối hợp cụ thể giữa MTTQ Việt Nam với các bộ, ban, ngành, cơ quan thì việc giám sát có kết quả và tác dụng thiết thực hơn.

Thứ hai, ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố: Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đã triển khai giám sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cho rằng công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Do đó, đề nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần tăng cường giám sát cải cách TTHC của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố; hướng dẫn, đôn đốc MTTQ các cấp ở địa phương đẩy mạnh giám sát cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện các hình thức công khai, minh bạch, giảm TTHC, đơn giản hóa TTHC để tạo môi trường đầu tư- kinh doanh thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công; trên cơ sở đó đánh giá sự hài lòng của người dân một cách thực chất.

Thứ ba, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học: Các ý kiến tập trung đánh giá về công tác cải cách hành chính của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong những năm qua. Bên cạnh việc ghi nhận những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các ý kiến cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ cả về hoàn thiện chính sách, pháp luật và cả về tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính trong thời gian tới.

Thủ tục hành chính hiện nay còn rườm rà; việc thể chế còn chậm, việc giảm 50% điều kiện kinh doanh chưa thực chất; trình độ dân trí còn hạn chế, nhất là khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về pháp luật, về qui hoạch, đất đai, cơ chế, chính sách; trình độ cán bộ, công chức, nhất là cấp xã chưa được đào tạo cơ bản; tinh thần, thái độ phục vụ chưa cao; trách nhiệm của người đứng đầu quản lý liên quan đến hạn chế trong cải cách hành chính chưa rõ...

Qua đó, các ý kiến đưa ra một số nội dung đề nghị MTTQ giám sát trong thời gian tới như: giám sát việc thể chế các nghị quyết của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực như: đầu tư, kinh doanh, đất đai, giáo dục, y tế, khoa học- công nghệ, lao động- thương binh xã hội; giám sát cá nhân cán bộ, công chức trong việc thực hiện đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp với nhân dân…

Hiện tại UBTƯ MTTQ Việt Nam có 2 chương trình giám sát về cải cách hành chính cần có sự đổi mới về nội dung, cách làm:

Một là, Chương trình giám sát cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, được ký phối hợp với Bộ Nội vụ và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ năm 2014.

Nội dung còn hẹp, tập trung vào giám sát thực hiện chỉ số SIPAS, thực tế MTTQ nhiều địa phương đã giám sát nhiều nội dung của cải cách hành chính: một cửa, một cửa liên thông từ cấp xã, huyện, tỉnh thành phố; hoạt động của trung tâm hành chính công; theo dõi, kiến nghị giải pháp để nâng cao chỉ số của địa phương sau công bố Chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), Chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), Chỉ số PAR INDEX (cải cách hành chính), Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính)…

Hiện tại Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện chương trình phối hợp chỉ ra những nội dung cần quan tâm, đã có văn bản hướng dẫn, phổ biến đến MTTQ và đoàn thể các 63 tỉnh, thành, dự kiến trước khi triển khai trong quí IV/2018 sẽ tổ chức tập huấn.

Nội dung giám sát này cần có đánh giá kết quả giám sát trong thời gian qua; chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, bổ sung nội dung, giải pháp giám sát qua các ý kiến Hội thảo trong thời gian tới.

Hai là, Chương trình phối hợp giám sát cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan, ký phối hợp từ năm 2014 giữa 5 cơ quan, tổ chức (Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính, VCCI, Liên minh các HTXVN và 2 hiệp hội doanh nghiệp).

Chương trình này cũng cần đổi mới phương pháp, cách làm, có sự tham gia của MTTQ các đoàn thể ở 63 địa phương. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ký chương trình giai đoạn 2018- 2020 và có văn bản hướng dẫn MTTQ các địa phương.

Vấn đề đặt ra là vẫn chương trình đó, nhưng trọng tâm hàng năm tập trung giám sát nội dung việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh (50%); giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết, tăng khả năng tiếp cận của người dân, doanh nghiệp. Phương pháp, cách làm có sự đổi mới có sự vào cuộc thực sự của MTTQ, các đoàn thể và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy cải cách hành chính.

Vấn đề lớn liên quan đến đông đảo người dân hiện nay là chất lượng dịch vụ của các đơn vi sự nghiệp, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế được người dân quan tâm, có nhiều ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, gửi đến các cấp nhất là trong các kỳ họp của Quốc hội và HĐND các cấp. Người dân quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ; giá dịch vụ, học phí, giá thuốc; lợi dụng, lãng phí trong sử dụng bảo hiểm y tế; vấn đề đạo đức nghề nghiệp…

Hội nghị TƯ 6 khóa XII có Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 nêu rõ MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát thực hiện Nghị quyết. Hiện nay Nghị quyết số 08/NQ-CP2018 của Chính phủ đã ban hành nhưng tổ chức thực hiện còn rất chậm, Mặt trận Tổ quốc chưa có chương trình, kế hoạch giám sát.

Kinh nghiệm và qui định đã chỉ rõ muốn giám sát được phải có kế hoạch và chương trình phối hợp. Rõ nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết giám sát. Ba chương trình giám sát nghị quyết về khoa học- Công nghệ, Giáo dục- Đào tạo, Y tế hiện nay của UBTƯ MTTQ Việt Nam phải được đánh giá rút kinh nghiệm, đưa nội dung mới vào triển khai trong thời gian tới cho phù hợp.

Các ban, Hội đồng tư vấn của Trung ương Mặt trận chủ trì chương trình phải thực hiện đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, đề xuất nội dung mới trước tổng kết 5 Chương trình hành động Đại hội VIII MTTQ Việt Nam trước tháng 12.2018.

Cải cách hành chính có 6 nội dung, thực tế 11 chương trình giám sát hiện nay của UBTƯ MTTQ Việt Nam đều liên quan đến cải cách hành chính. Như vậy, các chương trình giám sát của MTTQ trong thời gian tới ngoài nội dung theo chuyên đề cần phải gắn liền với giám sát thực hiện các nội dung, hình thức công khai để phát huy dân chủ và giám sát của người dân; kiến nghị mở rộng công khai bằng những hình thức thiết thực, hiệu quả.

Công khai, minh bạch là chìa khóa để chống tham nhũng, phiền hà, quan liêu, tiêu cực, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Gắn nội dung này với tổ chức thực hiện Kế hoạch số 537/KH-MTTW-BTT ngày 18/4/2018 và Chương trình phối hợp giữa Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về giám sát công tác cán bộ.

Những vấn đề này phải có sự giám sát thường xuyên, phát huy các hình thức giám sát, có các kênh thông tin, phản ánh của người dân, kết hợp với hình thức giám sát theo đoàn (vừa qua mới chủ yếu giám sát theo Đoàn, nên nhiều kiến nghị chưa kịp thời).

Có như vậy Mặt trận, đoàn thể mới có được kiến nghị thiết thực, trong kiến nghị có cả giải pháp, hiến kế. MTTQ Việt Nam cần kiến nghị những vấn đề lớn, liên quan đến chính sách đại đoàn kết, phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, dân tộc, tôn giáo, phân hóa giàu nghèo… Các đoàn thể kiến nghị những nội dung cụ thể liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy dân chủ từ giám sát cải cách hành chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO