Thủ tục hành chính: Doanh nghiệp vẫn kêu khó

H.Hương 09/12/2017 09:15

Một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, 73% doanh nghiệp (DN) cho rằng thủ tục hành chính hiện nay dù được cải cách vẫn còn quá rườm rà; 64% DN cho biết thái độ giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền vẫn còn điểm vướng mắc.

Thủ tục hành chính: Doanh nghiệp vẫn kêu khó

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Người Lao Động).

Thủ tục rườm rà

Kết quả khảo sát nói trên cho thấy thực trạng DN vẫn đang oằn lưng vì các thủ tục hành chính, thủ tục thuế má. Dù nhiều bộ ngành đã có quyết tâm trong việc cắt giảm giấy phép con, cắt giảm điều kiện kinh doanh song thực tế không được như kỳ vọng. Việc cắt giảm chưa thực sự tạo được thông thoáng cho DN hoạt động.

Trên thực tế, chi phí kinh doanh đang tăng cao và có xu hướng tăng: chi phí tuân thủ, dịch vụ hành chính, dịch vụ công, hạ tầng; quá nhiều loại thuế, phí, quỹ và các đóng góp khác nhau; chi phí thời gian lớn; tham nhũng… Nhiều chi phí tăng liên tục, khó dự liệu.

Tại một cuộc đối thoại giữa cộng đồng DN với cơ quan thuế diễn ra vào thời điểm cuối tháng 11 vừa qua, ông Đoàn Duy Khương- phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dẫn chứng, có DN phải tự chạy đi tới cơ quan giám định yêu cầu ký giấy xác nhận mà cũng không được chấp nhận.

Chẳng hạn, khi DN muốn nhập khẩu 1 lô thép về phải mất 24 tiếng mới xin được công văn đến của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Sau khi có công văn đến, DN nộp cho đơn vị phân tích hợp chuẩn, sau đó nộp cho hải quan mở tờ khai. Sau khi lấy hàng về phải chờ kết quả giám định khoảng 10 ngày, tiếp đó cầm kết quả nộp cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chờ đợi 3 ngày mới lấy được thông báo đạt tiêu chuẩn nhập khẩu để thông quan tờ khai hải quan.

Ông Nguyễn Xuân Hòa- giám đốc Công ty TNHH dịch vụ công nghệ Á Châu từng chia sẻ, quy định kể từ ngày 1-7-2016, tất cả các sản phẩm máy nông cụ nhập khẩu về Việt Nam phải kiểm tra, nên đã gây khó cho DN. Bởi vì, các máy móc này đều đang được sử dụng tại các nước có nền nông nghiệp hiện đại, ngay Việt Nam cũng không sản xuất được, không có tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa ra.

Cởi trói nhưng chưa cởi được

Chính phủ đã xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho DN. Mục tiêu cắt giảm 30%-50% số giấy phép con để “cởi trói” cho doanh nghiệp. Trong đó, tập trung hai tuyến cải cách: giảm rào cản và giảm chí phí đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ…nhưng thực tế cho thấy quyết tâm có, mục tiêu có nhưng việc thực hiện rất khó.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra số liệu: hiện Chính phủ ngoài các chỉ thị, quyết định... Chính phủ còn tiếp tục duy trì Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải cách bộ máy, cải cách khu vực tư nhân, DN nhỏ và vừa từ nay đến năm 2030. Điều đó có nghĩa là Chính phủ đang đi bước đi dài hơn về cải cách, rút bớt các điều kiện, rào cản kinh doanh chứ không giật cục, chạy theo giải quyết vấn đề trong hàng năm. Nghị quyết 19 đưa ra 250 nhóm giải pháp cải cách môi trường kinh doanh, giao từng bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên, hiện lực cản chính là bộ máy trong thực thi chính sách.

Trước đó vào năm 2016, Nghị quyết 19 được ban hành với 83 nhóm giải pháp, tỷ lệ thực hiện vượt 30% so với năm trước nhưng đo lường tính xác thực rất khó. Ngành thuế nói giảm, nhưng phía DN kêu khó khăn, thuế vẫn là gian nan nhất cho DN. Ngành thuế bảo họ làm nhiều nhưng số biên chế ngành thuế vẫn vậy.

Tương tự năm 2014 là 50 giải pháp nhưng chưa thực hiện được, có cái báo cáo lên trên cũng không địa phương nào làm nổi. Năm 2015, tiếp tục đưa ra 73 giải pháp để cải cách, thực hiện có vẻ tốt hơn với 67% số cải cách được thực hiện. Tuy nhiên, đo đếm bằng gì thì còn nghi ngờ, làm được tận cùng hay không.

Ông Phan Đức Hiếu- phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, DN tư nhân phải tự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình. Nhiệm vụ của DN nói ngắn gọn tự đổi mới, chủ động sáng tạo, chớp cơ hội từ tái cơ cấu nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tục hành chính: Doanh nghiệp vẫn kêu khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO