Đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp và người lao động

Khanh Lê 25/01/2018 09:00

Bộ LĐTB&XH; đang xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một trong những nội dung quan trọng là sẽ đưa ra những tiêu chí mới để làm căn cứ xây dựng mức lương tối thiểu với mục đích “Bảo đảm tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu và cải thiện đời sống người lao động “.

Đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp và người lao động

Việc xây dựng lương tối thiểu đáp ứng đủ mức sống tối thiểu không dễ.

Đề xuất 5 tiêu chí

Qua khảo sát với 1.600 người lao động (NLĐ) tại 60 công ty do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện, chỉ 20% trả lời thu nhập không thể đủ cho cuộc sống của họ; 31% phải chi tiêu rất đạm bạc và tiết kiệm; 41% có mức lương chỉ đủ để trang trải các nhu cầu cuộc sống của họ; và chỉ có 8,0% có khả năng để làm cho tiết kiệm.

Với mức thu nhập thấp như vậy, người lao động buộc phải làm việc thêm giờ để duy trì cuộc sống. Hơn nữa theo Khoản 1, Điều 91 của Bộ luật Lao động hiện hành, quy định tiền lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Thực tiễn thực hiện trong thời gian vừa qua cho thấy, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng. Các khảo sát về nhu cầu sống thường khó cho kết quả chính xác vì người khảo sát thường có xu hướng kê khai cao hơn so với nhu cầu thật của họ.

Từ thực tế trên, Bộ LĐTB&XH đã đề xuất sửa đổi quy định mức lương tối thiểu theo hướng đảm bảo “mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Bên cạnh đó, sẽ quy định các tiêu chí để Hội đồng tiền lương quốc gia làm căn cứ vào đó để xác định tiền lương tối thiểu gồm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; Mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động; ...

Thực tế cho thấy tại Điều 91 của Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Căn cứ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền công trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Như vậy có thể thấy về mục tiêu, tiêu chí xác định và phương thức xác định mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện nay về cơ bản phù hợp với các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đó là Công ước 131 năm 1970 về ấn định lương tối thiểu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển và các tiêu chí xác định mức lương tối thiểu nêu tại Khuyến nghị số 135, tiếp thu kinh nghiệm hợp lý của một số nước vào điều kiện thực tế của Việt Nam.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thực hiện việc dựa trên căn cứ nào để cho quyết định mức lương tối thiểu vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn.

Phương án nào?

Tuy những tiêu chí trên mới chỉ là đề xuất của Bộ LĐTB&XH, song đã nhận được sự chú ý, quan tâm rất lớn của người dân đặc biệt là NLĐ. Làm thế nào để lương tối thiểu đạt mức sống tối thiểu không chỉ đơn thuần là mong muốn của người lao động, ngành chức năng mà cũng là mong muốn của các doanh nghiệp.

Bởi khi mức sống người lao động ổn định thì kéo theo năng suất lao động sẽ tăng. Song dù cùng mục tiêu nhưng dường như qua mỗi kỳ họp của Hội đồng tiền lương quốc gia họp về đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung vì mỗi bên đều dựa trên các tiêu chí riêng của mình để đưa ra các mức đề xuất tăng khác nhau.

Đánh giá tác động của việc đề xuất các tiêu chí trên, đại diện Bộ LĐTB&XH nhận định, đây là một đề xuất thay đổi chính sách và dự đoán sẽ có tác động lớn đến kinh tế và xã hội. Chính vì vậy cơ quan soạn thảo đề xuất 3 phương án.

Trong đó, phương án 1 là giữ nguyên chính sách hiện tại, bao gồm duy trì mức lương tối thiểu được tính trên nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Phương án 2 là thay đổi cơ sở xác định lương tối thiểu từ yếu tố nhu cầu sống tối thiểu sang mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Phương án 3 quy định rõ các yếu tố của mức lương tối thiểu để làm cơ sở xác định lương tối thiểu, bao gồm: Mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; mức tiền lương phổ biến trên thị trường lao động; giá tiêu dùng; và điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động; tình hình sản xuất kinh doanh của DN; việc làm và thất nghiệp của NLĐ.

Phương án 3 là giải pháp dung hòa giữa phương án 1 và phương án 2 nên được khuyến nghị lựa chọn. Phương án này đưa ra những yếu tố rõ ràng hơn về cách tính lương tối thiểu để bảo đảm công bằng cho NLĐ và người sử dụng lao động. Đồng thời quy định thẩm quyền sửa đổi cách tính lương tối thiểu thuộc về Quốc hội.

Ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, theo quy định mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp và người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO