Tiêu chết, người dân khó khăn

Tấn Thành-Chí Đại 16/06/2018 09:00

Thời gian qua, nhiều vườn tiêu ở thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam liên tục bị chết, dù được người dân dùng nhiều biện pháp cứu chữa nhưng vẫn không hiệu quả, khiến họ lâm vào tình cảnh trắng tay.

Tiêu chết, người dân khó khăn

Bà Bùi Thị Ánh nhìn vườn tiêu chết.

Tình trạng tiêu chết diễn ra từ năm ngoái tới đến nay. Lúc đầu, tiêu chết có biểu hiện vàng lá và rồi dần dần khô héo, thời gian phát hiện cây tiêu có biểu hiện vàng lá rồi dẫn đến chết khô diễn ra gần một tháng.

Ban đầu tiêu chết rải rác vài cây tiêu nhưng sau đó lan rộng ra cả vườn, đặc biệt, vào thời điểm cây tiêu chuẩn bị thu hoạch thì tình trạng tiêu lại chết nhiều hơn gây ra thiệt hại nặng kinh tế.

Là một trong những vườn tiêu được chọn làm trọng điểm ở huyện Phú Ninh, thế nhưng hai năm trở lại đây, vườn tiêu của gia đình của bà Bùi Thị Ánh (49 tuổi, trú khối phố Thạnh Đức, thị trấn Phú Thịnh) bỗng dưng vàng lá rồi dần dần chết khô.

Bà Ánh nói: “Gia đình tôi có tổng cộng khoảng 700 cây tiêu đang thời kì chuẩn bị thu hoạch. Thế nhưng, bắt đầu năm 2017 đến nay, các cây tiêu xuất hiện vàng lá rồi héo dần chết khô. Đặc biệt, từ đầu năm 2018, tình trạng các cây tiêu của gia đình tôi chết nhiều nhất. Hiện nay, cả vườn tiêu của tôi chỉ còn lại chưa tới 10 cây tiêu. Sau khi tiêu trong vườn chết nhiều, tôi nghi ngờ đã đào rễ tiêu lên xem thì phát hiện rễ cây bị úng phần dưới mặt đất khoảng 1cm và tôi mua thuốc về phun hết 20 triệu đồng, tuy nhiên, vẫn không trị được bệnh cho cây tiêu”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng (56 tuổi, trú khối phố Nam Đông, thị trấn Phú Thịnh) cho biết: “Gia đình tôi, có 5 sào tiêu với hơn 500 cây tiêu chuẩn bị ra trái.

Thế nhưng, mùa mưa năm ngoái, do lượng mưa quá lớn và kéo dài nên một số cây tiêu trong vườn đang xanh tốt thì bị vàng lá, rồi dẫn đến khô thân.

Sau khi tiêu trong vườn có dấu hiệu chết bất thường, tôi đào rễ lên thì phát hiện rễ cây bị úng và xuất hiện bệnh nấm lạ.

Nếu vườn tiêu của tôi không bị chết, thì tôi có thể thu hoạch kiếm được hàng chục triệu đồng, trung bình mỗi cây tiêu tôi hái được khoảng 5 kg, với giá bán hiện nay hơn 150.000 đồng/1kg hạt tiêu”.

Ông Hùng nói thêm, từ đầu năm 2018 đến nay, khoảng 250 cây tiêu của ông đã bị vàng lá rồi chết khô, ước tính thiệt hại hơn 300 triệu đồng.

Ông rất mong cơ quan chức năng quan tâm tạo giúp đỡ tìm ra bệnh trên cây tiêu để có biện ngăn ngừa xử lý.

Trước sự việc này, ông Võ Thanh An-Trưởng phòng NNPTNT huyện Phú Ninh cho biết: “Khi người dân trên địa bàn huyện phản ánh về việc các vườn tiêu của họ bệnh chết khi chuẩn bị đến thời kì thu hoạch, chúng tôi đã cử cán bộ huyện và nhờ cán bộ chuyên môn của tỉnh Quảng Nam đi xuống các hộ dân trồng tiêu bị chết để kiểm tra.

Qua xác định ban đầu, đa số các cây tiêu bị chết bị úng rễ và bị bệnh nấm nên dẫn đến vàng lá chết khô, nguyên nhân có thể thời gian qua trên địa bàn thường xuyên xảy ra mưa lớn nên dễ các vườn tiêu bị ngập úng nước.

Hiện nay, theo thống kê sơ bộ có khoảng 1,6 ha trồng tiêu trên địa bàn huyện bị chết, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người dân.

Ngoài ra, chúng tôi đã hướng dẫn bà con cần phải dọn dẹp sạch sẽ và đảm bảo hệ thống thoát nước trong vườn tiêu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiêu chết, người dân khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO