Hậu Lộc - Thanh Hóa: Các xã ven biển ngập trong rác thải - Bài 2: Rác thải về đâu?

Nguyễn Chung - Vĩnh Hùng 18/05/2019 08:00

Khó khăn về quỹ đất là một trong những nguyên nhân chính khiến huyện miền biển Hậu Lộc (Thanh Hóa) đến nay vẫn chưa có nổi một nhà máy xử lý rác thải “ra hồn”.

Việc các xã đang phải “tự bơi” với rác và bài toán xử lý rác chưa có lời giải đã dẫn tới thực trạng không ít xã đã bất chấp ký hợp đồng với các đơn vị doanh nghiệp không có chức năng hoặc không đủ khả năng chuyên môn. Hệ quả, rác thải không được vận chuyển thường xuyên, để giảm chi phí, doanh nghiệp đã lén lút đổ trộm ra đồng ruộng, ra lòng lề đường quốc lộ…

Hậu Lộc - Thanh Hóa: Các xã ven biển ngập trong rác thải - Bài 2: Rác thải về đâu?

Không ít đơn vị đã bất chấp, đổ rác thải trộm ra ven đê, ra đồng ruộng để giảm chi phí.

[Bài 1: Sống chung với rác]

Doanh nghiệp “tay mơ” xử lý môi trường

Chuyện nhiều xã miền biển huyện Hậu Lộc hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp không có chức năng về môi trường thu gom vận chuyển, xử lý rác thải đang là một thực trạng tại các xã huyện miền biển huyện Hậu Lộc.

Qua trao đổi với chính quyền các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc hay một số xã khác… quan điểm của chính quyền các xã này cho rằng: Sau khi ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thì việc vận chuyển đi đâu, xử lý rác thế nào, đổ thải ở đâu là trách nhiệm nằm ở phía các Cty, doanh nghiệp đã ký kết chứ không phải địa phương? Cũng chính sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm đó mà không ít Cty doanh nghiệp mới được thành lập, không đủ khả năng, thậm chí không có chức năng xử lý môi trường vẫn nhảy vào làm vì những khoản lợi nhuận béo bở từ… rác!

Đơn cử như Cty TNHH MTV Đức Tâm Phát (huyện Hậu Lộc). Hiện tại, Cty này đang chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác thải cho 2 xã là Ngư Lộc và Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc). Tuy nhiên, lần tìm đến địa chỉ của Cty TNHH MTV Đức Tâm Phát, trước mắt chúng tôi chỉ là một cửa hàng may mặc quy mô gia đình, với tấm biển khá khiêm tốn ghi tên Cty. Qua tra cứu từ hệ thống doanh nghiệp tại Hậu Lộc trên internet cho thấy: Cty TNHH MTV Đức Tâm Phát có ngành nghề đăng ký kinh doanh là: Bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh vận tải hàng hóa bằng đường bộ?!

Đối với trường hợp Cty TNHH MTV dịch vụ công ích Hậu Lộc, hiện đang thu gom, vận chuyển rác thải cho xã Đa Lộc thì trái lại, qua tra cứu ngành nghề đăng ký kinh doanh của đơn vị này là thu gom, xử lý rác thải… Song, thực tế tìm hiểu của chúng tôi, cũng như sự thừa nhận từ chính quyền xã, Cty này chỉ mới thành lập và không đủ khả năng xử lý rác thải như đã đăng ký?!...

Rõ ràng, khi các đơn vị doanh nghiệp không có chức năng xử lý môi trường lại được ưu ái ngồi vào bàn ký kết với chính quyền các xã là điều khó hiểu. Hệ lụy là những doanh nghiệp này đã huy động những chiếc xe không chuyên dụng để vận chuyển rác thải, ô nhiễm môi sinh trầm trọng.

Rác thải đổ đi đâu?

Không có nổi một bãi rác chôn lấp thông thường, một dự án xử lý rác triệt để, vậy rác thải các xã huyện miền biển Hậu Lộc này đổ đi đâu?! Để có câu trả lời không khó! Ngoại trừ một số xã có mô hình lò đốt rác như Phú Lộc, Hòa Lộc hay Đại Lộc đang tồn tại lay lắt thì đa phần các xã khác còn lại đều giao phó trách nhiệm trên cho các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác ra khỏi địa phương. Rác được đưa ra khỏi địa phương là coi như xong. Đơn vị đã thực hiện đúng hợp đồng. Còn vận chuyển đi đâu, đổ thải thế nào, xử lý rác ra sao, đơn vị có chức năng xử lý môi trường hay không… chính quyền các xã không quan tâm và cũng không biết. Bởi các điều khoản trong hợp đồng cũng mập mờ không ràng buộc rõ ràng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại các đơn vị đoanh nghiệp tham gia thu gom vận chuyển rác thải tại các xã miền biển huyện Hậu Lộc đang vận chuyển, đổ thải tại các bãi rác huyện Thọ Xuân, huyện Nông Cống, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) và bãi rác Tam Điệp (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Hầu hết các doanh nghiệp này đều không có hợp đồng ký kết với các chủ bãi nêu trên, mà thay vào đó dựa vào quan hệ, xin xỏ với mức giá từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/1xe để được đổ rác.

Thừa nhận thực tế trên, ông Nguyễn Ngọc Nam - Giám đốc Cty TNHH DV công ích Hậu Lộc, đơn vị ký hợp đồng vận chuyển rác thải với UBND xã Đa Lộc cho biết: Hiện Cty đang vận chuyển đổ tại bãi rác Đông Nam TP. Thanh Hóa. Tuy nhiên, vì bãi rác Đông Nam TP Thanh Hóa không được phép tiếp nhận rác thải từ huyện khác, hiện một số ô chôn lấp như hố số 3 của bãi rác này cũng đang rơi vào tình trạng quá tải nên Cty đành “linh hoạt” dựa vào mối quan hệ để xin vận chuyển về đó tập kết chứ không có hợp đồng, ký tá gì cụ thể.

Tìm hiểu thêm từ phía Cty TNHH MTV Đức Tâm Phát (địa chỉ xã Hưng Lộc, Hậu Lộc) đang ký hợp đồng vận chuyển rác thải với 2 xã là Ngư Lộc và Hưng Lộc, chúng tôi được biết, Cty này cũng đang vận dụng sự linh hoạt xin, cho như hình thức “gửi rác” của Cty DV công ích Hậu Lộc.

Trước những bất cập trong việc xử lý rác thải và vấn đề môi trường của địa phương, ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc khẳng định: Thực tế, có một số doanh nghiệp không có chức năng về môi trường, xử lý rác thải nhưng một số xã vẫn buông lỏng, xuề xòa ký hợp đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Lộc - Thanh Hóa: Các xã ven biển ngập trong rác thải - Bài 2: Rác thải về đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO