Nhân sĩ Vi Văn Định: Tiếng lành còn lại

Phạm Huy Dũng 20/06/2015 15:53

Tổng đốc Vi Văn Định khi còn trị nhậm ở Thái Bình đã từng bắt giam một người hoạt động cách mạng tên là Nguyễn Văn Ngọ (Ba Ngọ), trực tiếp tra xét nhưng rồi lại thả ra với câu nói chia tay: “Tôi biết anh là đảng viên Cộng sản nhưng anh là một người dũng cảm, gan dạ”. Về sau, ông Ba Ngọ từng có thời gian làm Chủ tịch tỉnh Thái Bình... Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông Ba Ngọ tới gặp ông Vi Văn Định để chuyển lời mời tham gia các hoạt động của chế độ mới.

Nhân sĩ Vi Văn Định: Tiếng lành còn lại

Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam DCCH quy tụ được một loạt gương mặt trí thức nổi tiếng.

Đôi điều về dòng họ Vi

Họ Vi là một dòng họ lớn người Tày ở Lạng Sơn, sống tại bản Chu, huyện Lộc Bình, nguyên quán ở xã Vạn Phần, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Ngay ở thời Trần đã có người họ Vi làm quan đến chức Đô đốc. Theo ông Vi Văn Đài, Trưởng ban đại diện của gia tộc họ Vi tại Hà Nội, khi giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, ông Vi Kim Thăng, lúc đó đã được tập ấm bổ chức Trực điện kim đạo ty, đã chiêu tập dân định cư các trại, các động theo Lê Lợi. Chính vì thế nên khi giặc tan, vua Lê Thái Tổ mới phân phong gia tộc họ Vi (cùng 6 dòng họ lớn khác) làm thổ ty cha truyền con nối ở Lạng Sơn, góp phần bảo vệ biên cương “thần trung tận tiết, trung hiếu song toàn... cho mạch nước được vững bền...” như lời khắc trên tấm bia đặt ở chùa Trung Thiên xứ Mẫu Sơn, được khắc từ năm 1680 (đời thứ 7 của dòng họ Vi, với Vũ quận công Vi Đức Thắng; ông này ở triều vua Lê Huy Tông đã được phong tới chức cao nhất là Đô đốc Thiên sứ, được triều đình trao quyền phân xử mọi việc ở xứ Lạng, kể cả giao hiếu với Trung Quốc). Đời thứ 13 là ông Vi Văn Lý, được phong tới chức Hiệp tá đại học sĩ, Tổng đốc Lạng Sơn... Con trai của ông Vi Văn Lý chính là ông Vi Văn Định, một người cũng đã trải qua những đoạn đời không đơn giản. Trải qua 4-5 thế kỷ con cháu của dòng họ này đã trở thành người Tày.

Do quá hiểu uy lực và ảnh hưởng của dòng họ Vi ở vùng biên ải Lạng Sơn, thực dân Pháp đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” và không cho Vi Văn Định tiếp tục làm quan trên mảnh đất ở của ông cha mà đưa ông sang Cao Bằng làm tuần phủ rồi đưa xuống miền xuôi (năm 1922 làm Tuần phủ Phúc Yên, năm 1925 làm Tuần phủ Hưng Yên...). Từ tháng 8-1928, ông Vi Văn Định làm Tổng đốc Thái Bình. Đây chính là giai đoạn có nhiều câu chuyện khác nhau nhất kể về cách hành xử của vị quan đầu tỉnh. Cho tới hôm nay, trong rất nhiều sách báo công khai, Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định luôn được miêu tả như một viên quan thét ra lửa. Ngay cả con cái trong gia đình cũng phải công nhận là ông có tính gia trưởng, độc đoán. Con trai của ông, Vi Văn Kỳ, mặc dù làm đến chức tri phủ rồi nhưng vì thua bạc, cú quá đem bát nhang nhốt vào lô-cốt, đã bị bố gọi về đánh cho một trận nhừ tử, đến mức bức ảnh người mẹ đã quá cố của ông Kỳ đang treo trên tường cũng phải rơi xuống đất!

Có lần những người Cộng sản ở Thái Bình định tổ chức ám sát Tổng đốc Vi Văn Định. Theo hồi ký của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, cháu ngoại của ông Vi Văn Định, con gái Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (rể lớn của ông Vi Văn Định), câu chuyện xảy ra như sau: Khoảng năm 1932-1933, khi nghe tin có một người muốn gặp mình, Tổng đốc Vi Văn Định đã cho mời vào phòng làm việc riêng, không cần lính canh đứng kèm. Người khách ngồi đối diện với chủ, hai tay đút túi quần. Thấy vậy, quan Tổng đốc cũng để tay vào ngăn kéo, phòng có chuyện gì thì rút súng ngắn ra ngay. Cuối câu chuyện, người khách nói: “Tôi được lệnh ám sát ông, nhưng sau khi đối thoại, tôi hiểu ông. Kể từ nay chúng ta hiểu nhau và sẽ làm việc trên tinh thần đó”...

Theo hồi ức của ông Hoàng Văn Kiểu, người dân tộc Tày, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn trong những năm 1946-1956, Tổng đốc Vi Văn Định khi còn trị nhậm ở Thái Bình đã từng bắt giam một người hoạt động cách mạng tên là Nguyễn Văn Ngọ (Ba Ngọ), trực tiếp tra xét nhưng rồi lại thả ra với câu nói chia tay: “Tôi biết anh là đảng viên Cộng sản nhưng anh là một người dũng cảm, gan dạ”. Về sau, ông Ba Ngọ từng có thời gian làm Chủ tịch tỉnh Thái Bình...

Về vụ đụng độ giữa ông Nguyễn Thế Truyền với Tổng đốc Vi Văn Định đầu năm 1933 trên phà Tân Đệ, gia tộc họ Vi ở Hà Nội tỏ ra rất hoài nghi về tính xác thực của câu chuyện này. Theo họ, đó có lẽ chỉ là giai thoại vì ông Truyền từng du học tại Pháp cùng con trai của ông Vi Văn Định là Vi Văn Lê, một luật sư, một người đã từng có bộ sách Tư bản luận của Mác ở trong nhà (ông Lê học xong về nước, không chịu đi làm quan, chỉ muốn mở văn phòng luật sư riêng, năm 1934 bị chết vì lũ cuốn, được dân địa phương lập đền thờ). Liệu một người với tư cách như ông Truyền có thể đưa tay tát một ông quan đầu tỉnh lại là bố của bạn mình hay không?

Năm 1942, ông Vi Văn Định, lúc đó đang là Tổng đốc Hà Đông (từ năm 1937) vì bực với người Pháp nên xin về hưu và trở lại quê với con trai Vi Văn Dư ở cách Lạng Sơn vài chục cây số.

Ông Vi Văn Định, như các quan lại thời ấy, thuộc loại “năm thê bẩy thiếp”. Con cái ông cũng đông, phần nhiều đều thành đạt. Cô con gái thứ Vi Kim Phú kết duyên với bác sĩ ngoại khoa, Giáo sư Hồ Đắc Di con trai Quận công Hồ Đắc Trung, còn cô Vi Kim Ngọc đã trở thành vợ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục,... Cháu gái của ông Vi Văn Định, cô Vi Thị Nguyệt Hồ ở tuổi 15 thì được gả cho bác sĩ Tôn Thất Tùng (con trai của vị nguyên là Tổng đốc Thanh Hóa). Bác sĩ Tôn Thất Tùng lúc đó là học trò yêu của Giáo sư Hồ Đắc Di, hơn người vợ trẻ trung xinh đẹp của mình những 20 tuổi. Thầy thương trò nên đã làm mối cho trò.

Cùng dân tộc đi kháng chiến

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bùng nổ, Bác Hồ với tầm nhìn xa trông rộng của mình đã nghĩ ngay tới việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, không để cho kẻ thù lợi dụng những nhân vật người dân tộc thiểu số có uy tín vào những mục tiêu đen tối của chúng. Không ngẫu nhiên mà Bác đã cho đón “vua Mèo” Vương Chí Sình từ Hà Giang về Hà Nội, kết nghĩa anh em và đổi tên họ cho ông sang Hồ Chí Thành. Bác cũng nói: “Con cháu cụ Vi đều đi với Cách mạng cả, hãy mời cụ Vi về Hà Nội”. Nhiệm vụ này được ông Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, giao cho ông Ba Ngọ cùng bác sĩ Tôn Thất Tùng. Hai người lên Lạng Sơn để cùng ông Hoàng Văn Kiểu (lúc này là Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn) mời ông Vi Văn Định về Hà Nội. Ông Hoàng Văn Kiểu đã kể lại chuyến công tác này như sau: “Để tránh sự theo dõi của Pháp, lúc này đã vào đóng một số điểm ở Lạng Sơn, ôtô của ta từ Hà Nội lên Km5 ngoài thị xã thì cất giấu, chờ sẵn ở đó, còn anh em đi bộ vào cơ quan Tỉnh ủy lúc đó còn đóng ở ba xã ngoài thị xã. Tôi cùng với anh Ba Ngọ, anh Tôn Thất Tùng bàn nhau rồi lấy xe đạp đàng hoàng đạp qua thị xã, đi thẳng lên nhà ông Vi Văn Định ở bản Chu, Lộc Bình. Lúc đi chúng tôi vẫn lo ngại gặp nhiều khó khăn khó lường. Nhưng mọi việc đều suôn sẻ và chóng vánh. Khi chúng tôi tới nhà, nghe báo có khách, ông ra đón. Vừa thấy Ba Ngọ, ông Định nhận ra ngay, rồi như đôi bạn thân lâu ngày gặp lại, ôm chầm lấy nhau. Sau khi nói rõ lý do cuộc “viếng thăm”, chúng tôi nói rằng vì để giữ được bí mật và cả an toàn cho tính mạng của ông, cần phải đi ngay. Ông Định rất xúc động, nhận ngay “lời mời”, sẽ đi với chúng tôi về Hà Nội, cảm ơn Cụ Hồ và Chính phủ ngày Cách mạng thành công đã tha chết cho ông, nay lại quan tâm tới ông...”. Trước khi rời Lạng Sơn, ông Vi Văn Định đã cho làm cỗ chia tay và bà con địa phương đến rất đông. Uy danh dòng họ 13 đời làm thổ ty ở Lạng Sơn có nhiều công trạng với quốc gia cho tới giữa thế kỷ XX vẫn còn quá lớn trong lòng đồng bào dân tộc thiểu số ở đây...

Việc ông Vi Văn Định đồng ý đi theo cách mạng đã tác động rất tốt tới khối đại đoàn kết dân tộc, giúp chính một số người con của ông thoát khỏi sự cám dỗ của thực dân Pháp. Ông Vi Văn Kỳ đã từ bỏ lời mời làm tỉnh trưởng của giặc để đi theo kháng chiến và được thưởng Huân chương Kháng chiến. Nhiều người con và cháu của ông Vi Văn Định đã tham gia tích cực trong 2 cuộc kháng chiến, là những chiến sĩ trên mặt trận Nam Tiến, các chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ, Quảng Trị, Cồn Tiên-Dốc Miếu.... Có những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ông Vi Văn Định, cũng như nhiều nhân sĩ cao tuổi khác, đã sống gần Bác Hồ trong những năm kháng chiến. Tới nhà ông Dương Hồng Lục, cháu ngoại ông Vi Văn Định, một đại tá quân đội về hưu đang cư trú trong khu tập thể ở Cống Vị (Hà Nội), người viết bài này đã được nhìn thấy bức ảnh chụp Bác Hồ cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt và nhiều nhân sĩ trí thức, trong đó có cả ông Vi Văn Định... Lúc này ông Vi Văn Định được bầu làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Liên Việt. Ông đi đâu cũng bằng ngựa... Chính ông đã chọn cho Bác Hồ một con ngựa tốt mà Bác thường dùng...

Kháng chiến thành công, ông Vi Văn Định về sống Hà Nội. Ông làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho tới hết đời. Theo lời kể củacon cháu, vì biệt thự 20 Trần Bình Trọng của ông đã hiến cho Chính phủ nên nhà nước cho ông thuê một ngôi nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Một bận, đồng chí Hoàng Quốc Việt tới chơi, thấy ông phải trả tiền nhà nên đã nói với chính quyền địa phương không thu tiền nhà của ông nữa...

Năm 1975, ông Vi Văn Định qua đời, thọ 96 tuổi. Trước đó 35 năm, ngày 16-6-1940 tại bản Chu, ông từng viết trong di chúc: “Sau khi ta mất, đám ma phải làm rất đơn giản, không được bày nghi lễ phiền phức, phí tổn và đọc disccours lôi thôi. Nhất thiết không được làm chay, làm đàn đốt vàng đốt mã”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân sĩ Vi Văn Định: Tiếng lành còn lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO