Người thắp lửa giữa đại ngàn

Song Nguyên 18/07/2018 14:00

Ở cái bản Tiền Tiêu xa lắc của xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) có một gia đình nhà Hờ - Hờ Chống Nhìa mà tiếng tăm đã bay lan khắp nơi. Xuất thân ban đầu nhà Hờ này cũng bình thường như bao người Mông khác ở khu vực biên giới này, sao họ lại trở thành những người tiếng tăm như vậy? Tôi cất công đi tìm, như sự giải mã những tò mò và thứ nữa để tìm hiểu những động lực nào đã giúp họ sống đẹp như một bài ca trên núi vậy?

Người thắp lửa giữa đại ngàn

Hờ Chống Nhìa luôn mong quê hương Nậm Cắn mình sẽ hết đói nghèo.

Người của dân!

Nằm trên độ cao hơn 1.000 thước so với mực nước biển, khí hậu của Kỳ Sơn, Nậm Cắn mà cụ thể là bản Tiền Tiêu mùa này cũng chẳng khác mấy khu Cao nguyên đá Hà Giang. Nhiệt độ hàng ngày hạ như “có người lấy cắp”, lạnh thấu xương. Do cái khí hậu đặc thù này, một thời, cây thuốc phiện đã thành loại “cây trồng mũi nhọn” ở đây với bao tàn dư mà sự khắc phục rất căng thẳng.

Sẩm tối chúng tôi mới “rẽ mây” tìm đến nhà Hờ Chống Nhìa nhưng vẫn vắng lặng. Chỉ có tiếng đàn lợn béo múp rít lên đòi ăn và lũ trâu bò lốc cốc ngoài bìa rừng chờ chủ. Tạt sang nhà hàng xóm kế bên để hỏi han, ông chủ nhà bập bõm cho biết: Phải chờ thêm đi. Vợ chồng nó chưa về đâu. Nhà nó lắm việc lắm! Hết việc dân lại thêm việc của nhà nó nữa. Đi suốt đấy…

Lại chờ và đợi, thêm gần đôi khắc giờ nữa mới nghe thấy tiếng xe máy khẩn khoản vượt dốc đi lên cùng ánh đèn pha sáng lóa. Sau cái bắt tay hỏi han và giới thiệu, Nhìa mời vào nhà cùng lời cáo lỗi cho cái sự về muộn của mình: Nhẽ ra về sớm tý. Nhưng đang chạy trên đường, lại có người dân nhờ vào để hỏi về cái giống ngô mới. Mua ở đâu, trồng lúc nào, cho nó “ăn” cái gì… Lại phải giải thích, lại phải hướng dẫn cụ thể cho dân. Vậy nên về muộn…

Bên chiếc bếp lửa bập bùng cùng sự tíu tít ra vào lo việc và chuyện trò của hai vợ chồng Nhìa, tôi ngồi “chiêm ngưỡng” anh. Sinh năm 1970, 48 tuổi mà tiếng tăm đã bay qua nhiều núi, xuống đến với cả tai cán bộ người Kinh dưới huyện, dưới tỉnh, anh là người không thể đùa.

Vốn người Mông, sinh ra trên vùng đất khắc nghiệt, chỉ có 4 dân tộc tìm đến cư trú, ban đầu Nhìa cũng bình thường như bao gã trai Mông khác. Cuộc đời chỉ nghĩ, được bố mẹ nuôi lớn lên, biết ngắt cái lá bên đường thổi để tán gái, cưới vợ là hết. Chỉ cần có ngôi nhà, sinh con, nuôi lớn rồi dựng vợ gả chồng cho chúng. Nhưng càng lớn, càng thấy mình nghèo, dân bản mình nghèo, thế là không đành.

Nhìa ngày đêm tìm cách xông xáo để vươn lên. Chính do sự xông xáo và có năng khiếu về âm nhạc của mình, Nhìa đã được cất nhắc làm Phó Bí thư Chi đoàn xã. Biết được trọng trách của mình, mới đầu nghĩ về mình, về dân 1 nhưng nay Nhìa phải tăng nó lên gấp 3 gấp 4 lần. Cứ như con thoi, Nhìa chân trần mà tìm đến các thôn trong xã.

Để tập hợp thanh niên, Nhìa đã tạo ra các phong trào để thu hút họ. Nhìa dạy thanh niên tránh xa ma túy, hăng say làm việc, anh lại còn kỳ công dịch những bài hát về đoàn, về thanh niên, về cách mạng sang tiếng Mông để cho họ hát và hiểu thêm ý nghĩa của nó. Sẵn với năng khiếu âm nhạc, anh còn mày mò sáng tác ra các ca khúc Mông để họ có thêm những bài hát cho mình. Bằng những đóng góp này, 34 tuổi, anh đã được dân, được cán bộ nơi đây bầu vào chức danh Chủ tịch xã, một trong những chủ tịch xã trẻ nhất bấy giờ trong tỉnh Nghệ An.

Không chỉ nổi tiếng trong công tác phong trào, Nhìa còn là người được những người dân trên đây yêu quý vì anh đã có những đóng góp giúp họ xóa nghèo bằng sự gương mẫu và hướng đi táo bạo của mình. Là khu vực miền núi, lại giáp biên giới nên người Mông, người Thái và người Khơ Mú trên đây nghèo lắm. Nghèo là khổ, nhưng họ không biết tìm đâu hướng ra cho mình. Trong lúc họ quay quắt về hướng mưu sinh cũng là lúc Nhìa đọc báo, nghe đài và biết đến giống ngô lai mà người miền xuôi đang trồng, với những năng xuất ít người nào trên Tiền Tiêu và Nậm Cắn nghe đến.

Tò mò, hy vọng, để vợ con trên núi, giắt lưng một khoản tiền, Nhìa tìm xuống đồng bằng để tìm hiểu và học tập. Chuyến đi này, xa vợ con cả tháng, tiêu hết hẳn 2 con trâu nhưng Nhìa đã mang về trên độ cao hơn 1.000m này 2kg ngô giống và rất nhiều kinh nghiệm. Năm đầu, Nhìa dành ra ít đất, áp dụng những gì mình học được và canh tác. Ngô cho bắp to, nhiều và chắc hạt nên Nhìa đã tin.

Năm sau, dành hẳn 12ha đất, Nhìa trồng đại trà giống ngô này. Năm ấy, sau mùa thu hoạch, gia đình Nhìa đã có tới 140triệu tiền từ bán ngô. Phấn khởi, coi đây như một bí quyết, Nhìa đã chạy khắp bản, khắp xã để “khoe” với dân và rủ họ đến nhà để cho giống và dạy kinh nghiệm. Nhờ sự đi trước và chuyển giao này mà hiện nay giống ngô lai ở Nậm Cắn và bản Tiền Tiêu của Nhìa đã phủ xanh các khoảng đồi. Cùng với màu xanh và giống ngô lai này là sự thay đổi của đời sống người dân.

Người thắp lửa giữa đại ngàn - 1

Người Mông trên độ cao hơn 1.000m này luôn tự hào về Nhìa và cây ngô lai do anh mang về.

Nhà đại học ở độ cao trên 1.000m

Từ những gì mò mẫm và đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, khi lên làm Chủ tịch xã, không những khuyến khích và chăm lo về việc học cho người dân mà Nhìa cũng luôn là người đi đầu. Công việc chủ tịch bận rộn, đường xuống Thành phố Vinh lại xa ngái, nhưng vì kiến thức nên hơn 40 tuổi Nhìa cũng làm hồ sơ thi đại học. Bằng sự tự ôn luyện của mình, Nhìa đã đỗ và đang theo học lớp tại chức, khoa Nông – Lâm của trường này.

Không những chỉ mình gương mẫu mà 3 đứa con của Nhìa cũng được anh khuyến khích và tạo điều kiện cho đi học. Vẫn với quan điểm vì dân nên sức khỏe, kinh tế và an ninh vùng phên dậu luôn được anh chú trọng. Được bố định hướng, đứa con gái đầu của anh, cô sơn nữ có tên Hờ Y Chúa đã thi đỗ và học tại trường Đại học Y khoa Thái Bình. Hờ Y Súa, cô con gái thứ 2, theo chỉ bảo của anh cũng thi đỗ và học tại trường Đại học Lâm nghiệp. Cậu con út của anh, theo quan điểm người Mông “con trai phải ở lại núi” nhưng Nhìa cũng “bắt” “hạ sơn”, hiện theo học ở trường Đại học biên phòng.

Bên chiếc bếp bập bùng than củi, đang gắng vươn lên những ngọn lửa để “đuổi” giá lạnh và sương sáng ra khỏi bậu cửa, tôi hỏi anh về việc làm và chỗ làm cho các con sau này. Nhìa cười một cách không vướng bận và bộc bạch: Lại về núi thôi. Về mà phục vụ nhân dân chứ. Bố sinh ra ở đâu thì con phải về đấy thôi. Giơ bàn tay trai sần, lam lũ, Nhìa nói: Con Chúa này, ra trường, thành bác sỹ, về khám bệnh cho dân. Con Súa, về sẽ đem thêm nhiều cái giống mới, cách làm mới về cho dân. Còn thằng út, ra trường, khoác súng lên biên giới, giữ biên cương quê hương cho dân bản, bố mẹ và các chị nó được bình yên.

Lúc nào cũng vì dân, không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã đạt được hình như đã là thứ mặc định trong con người có tên Hờ Chống Nhìa này! Từ người bình thường, vì dân trở thành lãnh đạo, rồi chuyện đem giống ngô mới về xóa nghèo, hiện nay Nhìa đang tiếp tục đưa cây hoa ly về đây. Nhìa đã trồng, đã có kết quả, anh bảo sẽ tiếp tục thử nghiệm thêm 1 năm nữa. Nếu thành công, anh sẽ lại dạy dân trồng. Và anh hy vọng, tới đây, cũng giống cây ngô lai, hoa ly sẽ lại nở bạt ngàn trên đất Tiền Tiêu, Nậm Cắn. Và cùng với đó là sự hy vọng về cái no, cái giàu sẽ đến cùng dân!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thắp lửa giữa đại ngàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO