'Linh hồn' của làng Sur A

Phạm Hưởng 03/08/2018 11:34

Siu Alút (42 tuổi), Bí thư Chi bộ làng Sur A, xã Ia Ko, huyện Chư Sê (Gia Lai) không chỉ là linh hồn, điểm tựa, là hình mẫu lý tưởng để người dân noi theo làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà ông còn là ân nhân cứu mạng, thức tỉnh những người lỡ vượt biên trái phép hồi hương đoàn tụ gia đình.

'Linh hồn' của làng Sur A

Bí thư Chi bộ Siu Alút đang trao đổi với cán bộ Công an tỉnh Gia Lai về công việc tại làng Sur A.

Hơn 20 năm tham gia công tác xã hội tại làng, từ công an viên đến trưởng thôn rồi trở thành Bí thư Chi bộ khi mới 32 tuổi, chứng kiến nhiều biến cố của làng, nhiều gia đình tan cửa nát nhà, ly tán, là người con của làng, Siu Alút cảm thấy đau đớn, có lỗi với người dân. Từ năm 2001, khi các đối tượng xấu lén lút vào làng lôi kéo, kích động người dân gây chia rẽ, phá vỡ tình làng nghĩa xóm. Nhiều người dân bị các đối tượng xấu “tiêm kích” vào đầu những thứ viển vông mơ hồ làm nhiều người bị mê muội. Bỏ công việc, không chịu lao động sản xuất, phát triển kinh tế mà thường xuyên tham gia họp nhóm “Tin lành ĐêGa” trái phép gây xáo trộn cuộc sống, làm mất an ninh, chính trị tại địa phương.

Siu Alút kể, thời điểm đó làng Sur A trải qua những tháng ngày nóng bỏng nhất nhì huyện Chư Sê. Lúc đó ruột gan mình đau lắm, coi như mình đã thất bại nhưng rồi niềm tin về một ngày người dân làng Sur A sẽ bừng tỉnh như một thứ lực cuốn hút, thôi thúc ông vượt qua thách thức. Và trong cơn bĩ cực, biến cố ấy, Siu Alút như là “linh hồn” hút mọi người dân làng Sur A về phía mình bằng những việc làm cụ thể. Từ công việc gõ cửa từng nhà vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ họp nhóm “Tin lành ĐềGa” trái phép, tập trung lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Siu Alút hiểu rằng, thuyết phục người dân bằng lý thuyết suông chẳng ai tin, trước hết mình phải là hình mẫu, tấm gương lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình thì lúc đó nói dân mới hiểu, làm dân tin. Ngày đi làm rẫy, đêm đến lại vào làng tỉ tê, phân tích sự dối trá của bọn xấu. Khi điểm nóng hạ nhiệt, các đối tượng cầm đầu đã thừa nhận hành vi sai trái, cuộc sống người dân trở lại với công việc thường ngày, ổn định cuộc sống. Cách đây hơn 3 năm, dưới chiêu thức mới tinh vi, phức tạp hơn, những đối tượng lưu vong ở nước ngoài móc nối với các phần tử trong nước lại tổ chức lôi kéo, kích động người dân làng Sur A vượt biên qua Campuchia, Thái Lan với lời hứa cuộc sống sẽ sung túc, giàu có hơn.

Để bảo vệ cuộc sống bình yên cho làng, ứng phó với thủ đoạn của bọn xấu, Siu Alút đã bỏ ra 3 triệu sắm một máy điện thoại, rồi tự mày mò lập một tài khoản Facebook đi từng gia đình có con cái, người thân có người vượt biên dò hỏi thông tin rồi chủ động kết nối trao đổi với họ.

Thông qua mạng xã hội Facebook, từ năm 2016 đến nay anh đã vận động 3 người vượt biên hồi hương; 5 người viết đơn tự nguyện và được UNHCR trao trả; hòa giải 15 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tổ chức 5 đợt tuyên truyền với hơn 1.000 lượt người tham gia. Năm 2008, anh còn ghi dấu ấn với thành tích vận động 4 đối tượng trốn vào rừng theo tổ chức phản động Fulrô.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Linh hồn' của làng Sur A

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO