Đắk Lắk: Nhiều giải pháp phát triển, bảo vệ rừng

Quang Huy 15/03/2018 08:10

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn vẫn còn một số công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, Công ty TNHH 2 thành viên, doanh nghiệp được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp nhưng buông lỏng quản lý, bảo vệ khiến nhiều diện tích rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp bị người dân chặt phá, lấn chiếm trái phép mà chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Đắk Lắk: Nhiều giải pháp phát triển, bảo vệ rừng

Tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.

Tính từ năm 2015 trở lại đây, các doanh nghiệp được tỉnh giao, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp đã có gần 10.359 ha rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm trái phép; trong đó, huyện Ea Súp là địa phương để rừng tự nhiên và đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép nhiều nhất với trên 9.358 ha (chiếm trên 90,3%); tiếp đến là huyện Ea H’leo diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp bị chặt phá, lấn chiếm trái phép trên 758 ha…

Tại huyện Ea H’leo có 8 đơn vị doanh nghiệp tư nhân được nhận khoán, bảo vệ rừng với tổng diện tích rừng tự nhiên gần 2.453 ha. Tuy nhiên, sau khi nhận rừng, các đơn vị đều không thực hiện đúng cam kết ban đầu; buông lỏng quản lý bảo vệ rừng để người dân tự do vào chặt phá rừng trái phép lấy gỗ về làm trụ tiêu, xâm chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy càng làm cho diện tích rừng tự nhiên ngày càng thêm suy giảm nghiêm trọng.

Công ty TNHH Kim Huỳnh nhận khoán 750 ha rừng tự nhiên để quản lý, bảo vệ nhưng nay đã có hơn 135 ha rừng, đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép. Công ty TNHH Tân Tiến có 46,5 ha/546 ha rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm trái phép. Công ty TNHH M TV Lâm nghiệp Chư Pả để “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng tự nhiên, khai thác trái phép hơn 45 m3 gỗ tròn…

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, tỉnh có diện tích rừng, đất rừng giao, cho thuê tương đối lớn nhưng việc quản lý bảo vệ rừng của các địa phương, đơn vị, hộ gia đình, cộng đồng còn lỏng lẻo. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp được thuê rừng còn buông lỏng quản lý bảo vệ rừng làm cho diện tích rừng, đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép ngày càng gia tăng.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển và bảo vệ rừng. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các huyện có diện tích rừng cụ thể hóa nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp để phân giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, chính quyền cấp xã thực hiện có hiệu quả hơn nữa về quản lý rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh cũng duy trì thường xuyên các đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, sắp xếp, củng cố lại hệ thống các trạm quản lý bảo vệ rừng trong các Ban quản lý rừng, các công ty lâm nghệp, các tổ chốt chặn liên ngành để đảm bảo việc bảo vệ rừng hiệu quả, kiểm tra, thu hồi đất lâm nghiệp sử dụng trái pháp luật, chấm dứt tình trạng hợp thức hóa đất rừng, sang nhượng trái pháp luật…

Đắk Lắk cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp mới được thông qua, đặc biệt làm rõ vấn đề quyền, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng, cơ chế chính sách khoán, quan tâm bố trí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên nghèo, chưa đưa vào kinh doanh, có chế tài xử lý rõ ràng đối với chủ rừng, các cơ quan chức năng…khi để mất rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện giao rừng, cho thuê rừng, giao đất lâm nghiệp được trên 621.808 ha/721.786 ha; trong đó, giao rừng và cho thuê rừng trên 320.082 ha, đạt 44,3% diện tích đất lâm nghiệp (gồm giao rừng 279.695 ha, cho thuê rừng trên 40.388 ha).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Nhiều giải pháp phát triển, bảo vệ rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO