Cách mạng công nghiệp 4.0: Thay đổi cách chúng ta sống

Tuệ Phương (ghi) 17/12/2017 07:00

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau; làm đảo lộn các ngành công nghiệp, sắp xếp lại các mối quan hệ, chuyển đổi các ngành kinh tế.

Cuộc cách mạng này sẽ mang lại niềm tin cho con người về một nền kinh tế thịnh vượng, mang lại cơ hội rất lớn cho những nước còn nghèo, còn lạc hậu để không ai bị bỏ lại phía sau. Vấn đề chính là các nhà hoạch định chính sách và các tác nhân liên quan làm thế nào để đi theo và tận dụng được cuộc cách mạng này.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Thay đổi cách chúng ta sống

Cuộc cách mạng 4.0 sẽ mang lại niềm tin về một nền kinh tế thịnh vượng.


Chia sẻ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ khởi nghiệp - Sáng tạo và kết nối, ngày 14/12, tại Hà Nội, do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cuộc cách mạng này mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Thay đổi cách chúng ta sống - 1

Bà Phạm Chi Lan.

Tích hợp và kết nối

Theo bà Phạm Chi Lan, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau; làm đảo lộn các ngành công nghiệp, sắp xếp lại các mối quan hệ, chuyển đổi các ngành kinh tế. Cuộc cách mạng này sẽ mang lại niềm tin của con người về một nền kinh tế thịnh vượng, mang lại cơ hội rất lớn cho những nước còn nghèo, còn lạc hậu để không ai bị bỏ lại phía sau.

Vấn đề chính là các nhà hoạch định chính sách và các tác nhân liên quan làm thế nào để đi theo và tận dụng được cuộc cách mạng này. Công nghệ chính là tay chơi cừ khôi nhất, nhân vật có thể đóng góp lớn nhất cho tất cả các quốc gia, nó làm thay đổi xã hội và giúp đưa ra mục tiêu phát triển bền vững.

Ở đây, công nghệ mới đang hội tụ và hình thành một hệ thống tương tác lẫn nhau. Điều này có nghĩa chúng ta sẽ quan tâm đến không chỉ là công nghệ ICT, công nghệ truyền thông mà chúng ta còn quan tâm đến công nghệ sinh học và các ngành công nghệ mới như Nano, tự động hóa….

Thế giới hiện nay đang được tích hợp và kết nối một cách mạnh mẽ. Ở đây là kết nối trên phạm vi toàn cầu cũng như kết nối giữa các ngành, các cộng đồng, các doanh nghiệp với nhau. Đây là một sân chơi được mở ra và tạo cơ hội bình đẳng cho các bên. Tuy nhiên, ai kết nối được sẽ thì tìm được cơ hội nhưng ai không kết nối được hoặc hoạt động độc lập rất khó có thể thành công.

Với những lĩnh vực như thành phố thông minh mà chúng ta đang muốn xây dựng cũng chỉ thực sự thông minh khi nó tương tác được, kết nối được với thế giới bên ngoài. Nếu thông minh mà hoạt động đơn lẻ cũng vô nghĩa.

Với câu hỏi: Đối tượng nào sẽ là “nhân vật chính” làm nên thành công cho cuộc cách mạng này?, bà Lan cho rằng “nhân vật chính” làm nên thành công của cuộc cách mạng này chính là thế hệ trẻ vì người trẻ học hỏi kinh nghiệm từ công nghệ nhanh nhạy nhất. Họ phải cạnh tranh để tồn tại, không chỉ cạnh tranh với những người giỏi hơn, nhanh hơn mình mà còn phải cạnh tranh với cả máy móc, người máy. Vì vậy, phải có tri thức, kỹ năng hợp tác, ý thức trách nhiệm và đạo đức.

Cuộc cách mạng 4.0 sẽ làm cho phương thức sản xuất của con người thay đổi cơ bản. Trong đó, sản xuất được điều khiển, hỗ trợ, quyết định từ không gian số. Các tiến bộ đột phá của công nghệ số cho phép thực hiện các tính toán phức tạp, giúp sản xuất thông minh và hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp phải nắm lấy công nghệ mới nhưng cũng phải hiểu để tận dụng được nó nhưng cũng phải khắc chế những tiêu cực khi con người sử dụng công nghệ. Bản thân công nghệ không gây ra những mặt tiêu cực nhưng con người có thể sử dụng công nghệ để phục vụ cho mục tiêu xấu.

Thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh

Vậy, cuộc cách mạng 4.0 sẽ thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh của Việt theo hướng nào? Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, sẽ có một sự thay đổi cơ bản. “Chúng ta có thể ngồi ở nhà điều khiển được các hoạt động khác nhau ở các cơ sở sản xuất.

Ở Việt Nam cũng đã có những anh, những chị nông dân trẻ dùng điện thoại di động để điều khiển đồng ruộng của mình và đã thành công”- bà Lan nói và thêm rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm cho một số quy trình sản xuất giản đơn chuyển từ sử dụng chân tay sang máy móc tự động, tăng kết nối và có sự phân công giữa các ngành, các lĩnh vực cũng như tăng kỹ năng khác nhau, cá biệt hóa các sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng theo từng đối tượng cụ thể.

Doanh nghiệp Việt, đa số chiếm khoảng 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta cũng có thể tận dụng cơ hội này để không nhất thiết phải xây dựng nên những đơn vị thật lớn nhưng có thể tích tụ sử dụng công nghệ Việt để mang lại hiệu quả cao hơn.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong khoảng thời gian từ 2015-2020 sẽ có đến 30% kỹ năng của các ngành kinh tế sẽ thay đổi. Có những kỹ năng cũ vẫn sử dụng được nhưng cũng có những kỹ năng mới đòi hỏi phải phát triển lên hoặc là có những kỹ năng trước đây rất cần nhưng bây giờ độ cần thiết của nó giảm đi. Có những ngành như ngành công nghiệp ô tô, xây dựng cơ bản, dịch vụ tài chính và đầu tư… dự đoán đến năm 2020 các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn rất nhiều.

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo cho chúng ta khai thác được khả năng khác biệt hóa, tạo sự khác biệt để cạnh tranh. Đây là phương châm mà nhiều doanh nghiệp Việt đang theo đuổi. Cuộc cách mạng này sẽ giúp chúng ta ứng dụng được những công nghệ mới để tiết kiệm tài nguyên, thân thiện hơn mới môi trường, sản xuất ra những quy trình mới để tạo ra những sản phẩm độc đáo hơn.

Các tổ chức kinh doanh có thể áp dụng các mô hình mới, cách làm mới, phương thức mới sáng tạo hơn. Việc này các doanh nghiệp ở Việt cũng đang bắt đầu ứng dụng nhiều. Như vậy sẽ tạo thành các chuỗi sản phẩm cung cấp nhiều mặt cho khách hàng của mình chứ không chỉ cung cấp một sản phẩm như trước đây”- theo bà Lan.

Không dễ dàng

Còn về khó khăn, theo bà Phạm Chi Lan, một trong những rủi ro lớn nhất mà các nước và các nền kinh tế đều quan ngại đó là công ăn việc làm. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của tổ chức Lao động Quốc tế ILO đưa ra vào tháng 5-2016, nước ta đang đứng trước thách thức và rủi ro rất lớn, vì lao động thiếu kỹ năng, giá rẻ mà chúng ta đang có rất lớn. Hơn nữa mức độ rủi ro này lại rơi vào các ngành đang thu hút lao động nhiều nhất như: Nông - lâm - thủy sản; may mặc, da giày, bán buôn, bán lẻ…

Với những yếu tố thuận lợi, sức mạnh của Việt như lao động giá rẻ trong tương lai sẽ không còn nữa. Chúng ta sẽ phải tìm kiếm cơ hội mới, sức cạnh tranh mới để phù hợp với hoàn cảnh mới.

“Đối với phụ nữ khi tham gia cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng có nhiều khó khăn, vì phụ nữ được coi là một trong những lực lượng yếu thế trong xã hội. Phụ nữ phải dành thời gian để chăm lo cho gia đình.

Tuy nhiên, trên thực tế việc nắm bắt cuộc cách mạng này như thế nào, cơ hội ra sao tùy thuộc vào khả năng thích ứng, trí tuệ, kỹ năng cũng như sự học hỏi của từng cá nhân khi tham gia cuộc cách mạng này. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp thì vai trò của người đứng đầu trong việc dẫn dắt, chuyển đổi, đưa doanh nghiệp bắt kịp với thời cuộc là vô cùng quan trọng. Đây chính là yếu tố tiên quyết để làm nên thành công của các doanh nghiệp trong tương lai”- theo bà Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách mạng công nghiệp 4.0: Thay đổi cách chúng ta sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO