Tài sản bất minh: Sao chỉ thu thuế 45%?

H.Vũ (ghi) 08/03/2018 14:07

Liên quan đến Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, ông Dương Ngọc Sơn - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đặt vấn đề: Không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì tài sản đó được coi là bất minh. Đã là bất minh thì có quyền xử lý, thu hồi..

Chính phủ đề xuất, tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.

Tài sản bất minh: Sao chỉ thu thuế 45%?

Ông Dương Ngọc Sơn.

Theo ông Dương Ngọc Sơn, hiện trong việc phòng, chống tham nhũng (PCTN) vấn đề thu hồi tài sản đang rất yếu cho nên cần cương quyết để thu hồi tài sản. Thu hồi tài sản là quan trọng nhưng thời gian qua, chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn, do đó thu hồi tài sản đạt rất thấp. Kinh nghiệm các nước cho thấy những ai bồi thường được nhiều tài sản tham nhũng thì được giảm nhẹ tội. Đấy là biện pháp hay và tất nhiên còn có nhiều biện pháp khác từ thái độ, trách nhiệm trong hợp tác để đấu tranh chống tham nhũng.

Trong PCTN nếu không thu hồi được tài sản thì hiệu quả đấu tranh đem lại không được bao nhiêu. Cứ anh này cho qua thì anh khác lại thế, từ đó khiến hiệu quả kém. Thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề rất quan trọng vì là tài sản nhà nước, của nhân dân do đó cần tích cực thu hồi thì mới được. Tất nhiên biết rằng đây là vấn đề khó vì nhiều trường hợp tài sản bị tẩu tán đi nhưng phải đặt vấn đề phải thu được cơ bản tài sản tham nhũng.

“Vì thế tại Dự thảo Luật PCTN sửa đổi, Chính phủ đề xuất, tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45% tôi cho đó cũng là cái được, là biện pháp để ngăn chặn tài sản bị thất thoát do tham nhũng. Nhưng có điều đã không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì tài sản đó được coi là bất minh.

Đã là bất minh thì có quyền xử lý, thu hồi nhưng tại sao chỉ đặt vấn đề thu thuế 45% thì cần tính toán và nghiên cứu thêm bởi đã không chứng minh được, được coi là bất minh, không minh bạch sao lại chỉ xử lý ở mức đó? Tại một số nước đã không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì thu toàn bộ nhưng ta lại đưa ra căn cứ 45%?. Đã là bất minh do vơ của nhà nước, của dân bây giờ chỉ thu thuế 45% tôi nghĩ là chưa được hợp lý”- ông Sơn nói, đồng thời phân tích: Khi đã không chứng minh được nghĩa là bất minh thì phải thu hồi. Do đó Quốc hội cần xem xét trong quá trình thông qua luật.

Theo ông Sơn, PCTN mà không thu hồi được tài sản thì niềm tin của người dân vào sẽ giảm dần. Bởi xử lý tham nhũng nhưng không thu được, hay thu được ít thì chứng tỏ hiệu quả còn kém. Nói cách khác, tài sản bị xâm phạm nhiều trong khi thu hồi ít thì kết quả đem lại chả được bao nhiêu. Bởi trong PCTN xử lý hình sự chỉ là một chuyện, quan trọng là phải thu hồi.

Cũng theo ông Sơn, tất nhiên thu hồi tài sản là vấn đề khó, nhưng Nhà nước nắm trong tay luật pháp, rồi sự đấu tranh của nhân dân, dư luận. Nhà nước nắm trong tay luật pháp thì phải thu hồi bằng được. Như thế mới thu hồi được tài sản cho nhà nước.

Cho rằng, khi người dân phản ánh người này, người kia có dấu hiệu nhiều tài sản, tại một số nước họ vào cuộc kê biên, phong tỏa tài sản ngay để tránh tẩu tán, ông Sơn kiến nghị chúng ta nên nghiên cứu giải pháp của các nước, vì có nhiều giải pháp rất hay. “Thu hồi tài sản cũng là một trong những giải pháp PCTN, nếu để tẩu tán tài sản cho vợ con họ hàng, thậm chí tiền mặt gửi cho người thân quen thì tài sản thu lại chả được bao nhiêu. Dù có nhiều biện pháp nhưng biện pháp cơ bản là phải thu hồi được tài sản cho nhà nước, cho nhân dân. Đặc biệt, khi cán bộ kê khai tài sản thấy tài sản tăng lên bất thường thì phải cuộc điều tra để xác minh truy tìm nguồn gốc.

Xác minh cũng cần làm rõ nguồn gốc, tránh việc như giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái khi giải trình về khối tài sản lớn cho rằng do buôn bán chổi đót. PCTN mà chấp nhận giải trình như vậy thì không đem lại kết quả được. Tài sản lắm như vậy, đất đai bất động sản lấy ở đâu ra? Khi nói là do buôn chổi đót? Buôn chổi đót được đáng bao nhiêu tiền? Vô lý!”- ông Sơn nói. Đồng thời cho rằng: Chứng minh nguồn gốc tài sản cũng phải dựa trên căn cứ, nếu không không giải quyết được vấn đề. Kinh nghiệm từ vụ Yên Bái đã cho thấy điều đó. Cương quyết PCTN, tìm mọi giải pháp để chống tham nhũng song nếu không thu hồi được tài sản tham nhũng thì mọi việc là vô nghĩa. Vì xử lý hình sự chỉ đi tù một thời gian nhưng còn khoản tài sản kếch xù đó con cháu ăn nhiều đời không hết. Như vậy không giải quyết được vấn đề trong chống tham nhũng.

Là một cán bộ đảng viên lâu năm, ông Sơn kỳ vọng nếu như pháp luật rõ ràng, kiên quyết sẽ xử lý được tài sản do tham nhũng. Nếu đồng lòng, làm nghiêm chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả. Chứ cứ làm như hiện nay thì pháp luật không rõ ràng, không kiên quyết, và không có kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài sản bất minh: Sao chỉ thu thuế 45%?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO