Nóng với quy định giao đất 99 năm

H.Vũ 23/11/2017 09:10

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đơn vị kinh tế-hành chính đặc biệt, áp dụng đối với 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Dẫu đồng tình với sự cần thiết của luật song nhiều ĐB bày tỏ những băn khoăn làm sao có cơ chế đặc thù để phát triển nhưng phải đảm bảo sự chặt chẽ trong quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế phải thực sự bền vững, thu hút được đầu tư. Đáng chú ý là luật cho phép giao đất trong 99 năm trong khi pháp luật hiện hành chỉ quy định tối đa là 70 năm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường (Ảnh: Quang Vinh).

Tại sao giao đất 99 năm?

Đó là câu hỏi được ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu lên và phân tích: Như vậy là mở so với pháp luật hiện hành vì thời hạn cấp đất tối đa pháp luật quy định là 70 năm và phải do Thủ tướng quyết định.

Ở đây nhà đầu tư chiến lược đầu tư 44 ngàn tỷ vào casino là được cấp đất với thời gian tối đa 99 năm. Vậy ai dám chắc 50 năm nữa có còn hình thức đánh bạc casino nữa không hay có các loại khác?

50 năm nữa không còn casino thì lúc đó thu hồi đất thế nào? Vì vậy phải quy định những dự án thất bại thì phải trả lại đất, ví dụ cấp đất trong 70 năm mà 20 năm đã thất bại thì phải bị giải thể, còn muốn kinh doanh cái khác phải chuyển sang ngành khác.

Theo ông Nghĩa, nhiều quốc gia đã thất bại khi làm đặc khu, tỷ lệ thành công thường là 50%. Chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá cho nên hình thành đặc khu với mục tiêu phải tạo nội lực cho Việt Nam, không thể 10 đồng người ta thu 8 đồng, còn ta thu được 2 đồng.

“Phải làm sao cùng có lợi, và tăng cường nội lực, chủ quyền quốc gia và bản sắc văn hóa Việt Nam do đó đáp ứng được những yếu tố đó mới cho làm”-ông Nghĩa nói.

Cùng chung quan điểm, ĐB Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) cho rằng, điều khoản về thuê đất, Nhà nước quy định 70 đến 99 năm là quá dài. Do đó chỉ cho thời gian 50 năm để phù hợp với Luật Đất đai, vì hiện nay nếu cho thuê quá thời gian này phải được Thủ tướng cho phép. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với nhận định trên.

Môi trường đầu tư thông thoáng quan trọng hơn ưu đãi

ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, 5 nhóm chính sách cụ thể trong luật có ưu đãi vượt trội nhưng quan trọng nhất là đồng bộ trong tiếp cận thủ tục hành chính thuận lợi, khung pháp lý tiện lợi cho nhà đầu tư.

Việc tạo môi trường thông thoáng còn quan trọng hơn là ưu đãi thuế, đất đai. Do đó theo ông Sơn, cần làm rõ hơn sự tinh gọn thủ tục, xóa rào cản tiếp cận chính sách.

Sự vướng mắc nhiều khi nằm tại bộ ngành, chức năng, địa phương cho nên nếu luật không quy định rõ, thì đặc khu khó đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, và cần có đầu mối xử lý vướng mắc của nhà đầu tư, cần thống nhất, đồng bộ, tránh dè dặt, dựng hàng rào chuyên môn.

Đặc biệt, vượt trội để tạo tăng trưởng, trong đó đổi mới bộ máy là cái gốc của phát triển. Tinh giản để hiệu quả nhưng cần chính sách thu hút nhân tài để tạo sự đột phá.

Theo ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long), đặc khu thì phải khác biệt hẳn với các đơn vị hành chính khác, tuy nhiên phải tính đến độ mở của nó cho nên cần trao cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội.

Giám sát trưởng đặc khu

Thống nhất thành lập 3 khu hành chính kinh tế đặc biệt, có cơ chế để lan tỏa, thu hút đầu tư cho nền kinh tế, tuy nhiên ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, về tổ chức chính quyền nên tổ chức HĐND gọn nhẹ, tăng cường chức năng giám sát.

Việc tổ chức bộ máy phải đảm bảo gọn nhẹ, quyền lực tập trung cho người đứng đầu để đảm bảo sự phát triển cho đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được xuyên suốt và thống nhất.

Theo nhìn nhận của ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), việc không tổ chức HĐND và UBND mà người đứng đầu là trưởng đặc khu kinh tế là gọn nhẹ. Tuy nhiên, để đảm bảo giám sát chặt chẽ thì trưởng đặc khu kinh tế phải do cấp tỉnh quản lý.

Còn ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nói: “Tinh gọn nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Trong 2 phương án Chính phủ trình thì một phương án thì không có HĐND, còn một phương án thì như HĐND hiện tại là không đột phá.

Do đó tổ chức Hội đồng đặc khu gồm có nhiều chuyên gia về đô thị, giao thông, kinh tế, hành chính. Hội đồng này do Quốc hội phê duyệt và thực hiện việc giám sát một cách hiệu quả”.

99 năm phải được Thủ tướng quyết định

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, luật cho phép thời gian thuê đất tối đa là 99 năm và cho phép nhà đầu tư nước ngoài được chuyển nhượng nhà ở.

Theo Luật Đất đai hiện hành thời hạn tối đa là 70 năm, còn luật này cho phép là 99 năm nhưng chỉ áp dụng đối với những dự án, ngành nghề ưu tiên phát triển và phải được Thủ tướng quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng với quy định giao đất 99 năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO