Hoàn thiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

H.Vũ 23/11/2017 07:50

Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ tiêu chí xác định mật, tránh việc tùy tiện đóng dấu mật, gây cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân, chưa kể lợi dụng mật để bao che cho hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Xây dựng luật để nhằm nâng cao hiệu quả bí mật nhà nước cũng như bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Qua góp ý của các ĐBQH, Bộ Công an sẽ tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện luật, góp phần ổn định chính trị, vững mạnh an ninh để phát triển kinh tế xã hội bền vững. (Ảnh: Quang Vinh).

Đại biểu (ĐB) Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) cho rằng, phân loại bí mật nhà nước ở 3 cấp độ tuyệt mật, tối mật, và mật.

Tuy nhiên, theo ĐB, quy định như vậy vẫn chung chung dễ ảnh hưởng lạm dụng quy định mật làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Khi hết thời hạn cần giải mật để người dân tiếp cận thông tin, do đó thời hạn giải mật là 30 năm với tuyệt mật, 20 năm với tối mật, và 10 năm với mật là phù hợp.

Việc giải mật đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển kinh tế xã hội, nhưng thẩm quyền giải mật phải là cấp trưởng, không nên quy định cấp phó.

Theo ĐB Huỳnh Cao Nhất (đoàn Bình Định), cần tiêu chí xác định bảo vệ lợi ích bí mật quốc gia để đưa vào danh mục mật.

Bởi việc phân loại bí mật nhà nước còn chung chung dễ dẫn đến lạm dụng ban hành văn bản mật để làm cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân, chưa kể nhiều khi lợi dụng mật để bảo vệ cho hành vi vi phạm.

“Báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2017 đã chỉ rõ còn tình trạng lợi dụng mật để không công khai, hay công khai nửa vời không cụ thể, nhất là kết luận thanh tra, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Công khai minh bạch là giải pháp để chống tham nhũng cho nên cần cụ thể để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin mà Hiến pháp quy định, chưa kể vấn đề công khai minh bạch cũng là vấn đề được nhiều người đề cập đến trong Luật Phòng chống tham nhũng trong thời gian qua”- ông Nhất bày tỏ.

Đồng tình với việc phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ tuyệt mật, tối mật, mật là cơ sở trong quan trọng để xác định độ mật tương ứng của các bộ, ngành ban hành, tuy nhiên ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ băn khoăn khi luật chưa căn cứ vào mức độ cụ thể thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng- từ đó làm cho thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Cho nên cần phải có các tiêu chí xác định mức độ mật. Bà Thủy cũng cho rằng, khi hết thời gian mật cần giải mật để cho nhân dân được tiếp cận.

“Quy định sau 30 năm bí mật thì công khai cho người dân biết nhưng lại quy định việc gia hạn lại làm cho giải mật không có giá trị, tức là gia hạn vô số lần.Do vậy cần quy định thời gian tối đa và tối thiểu trong mật, và số lần gia hạn”- bà Thủy nói.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói: “Có tình trạng lạm dụng mật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật, danh mục chậm thì chậm rà soát sửa đổi, có những danh mục mật từ năm 2000-2004 vẫn dùng, trong khi hệ thống liên quan đến công khai minh bạch sửa đổi nhiều. Có cơ quan đóng dấu mật cả danh sách vụ trưởng hiện hành, có cơ quan đóng dấu vào chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó không có thông tin mật nhưng vẫn đóng dấu mật làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri về thông tin mình chất vấn. Do đó để đảm bảo tính thống nhất của luật này với các quy định liên quan đến công khai minh bạch, quyền tiếp cận thông tin trong phòng, chống tham nhũng và các công khai trong hoạt động tố tụng thì các quy định cần cụ thể minh bạch hơn”.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, xây dựng luật nhằm nâng cao hiệu quả bí mật nhà nước cũng như bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Tuy có nhiều cố gắng nhưng qua góp ý của các ĐBQH thấy rằng cần tiếp tục hoàn chỉnh hoàn thiện nên Bộ Công an sắp tới sẽ tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện luật, góp phần ổn định chính trị, vững mạnh an ninh để phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Cùng ngày, với 83,10% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Địa điểm từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên-Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Theo đó, giai đoạn 2017-2020 dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần.

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 3.736 ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037 ha.

Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng dự án Cam Lộ - La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Tổng mức đầu tư là 118.716 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoàn thiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO