Đưa tiếng nói của người yếu thế tới Diễn đàn Chính trị cấp cao

A.T. 13/07/2018 17:54

Từ ngày 9 - 19/7, tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, đã diễn ra Diễn đàn Chính trị cấp cao (HLPF) - diễn đàn thường niên để các quốc gia báo cáo tự nguyện về quá trình thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc, từ đó xây dựng một thế giới bền vững cho xã hội.

Đưa tiếng nói của người yếu thế tới Diễn đàn Chính trị cấp cao

Diễn đàn Chính trị cấp cao (HLPF).

Đây còn là diễn đàn quan trọng để lắng nghe tiếng nói của người dân và các tổ chức nhân dân về hoạt động của các Chính phủ trên toàn cầu.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương. Dự kiến, báo cáo của Việt Nam sẽ do đại diện của Bộ trình bày vào ngày 16/7.

Điểm đặc biệt của diễn đàn năm nay đó là Việt Nam nằm trong nhóm 47 quốc gia - bao gồm 11 quốc gia châu Á - sẽ đưa ra Rà soát Quốc gia Tự nguyện (VNR) trước Liên Hiệp Quốc, báo cáo về quá trình thực hiện Kế hoạch Quốc gia Việt Nam hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền Vững.

Việt Nam cũng tự hào là một trong những quốc gia thực hiện báo cáo tự nguyện này, thể hiện nỗ lực mạnh mẽ trong quá trình thực hiện SDGs dù vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Bước ra thế giới sau hai cuộc chiến tranh kéo dài, Việt Nam vẫn đang giữ vững tốc độ phát triển nhanh chóng, ngày càng thể hiện được vị thế của mình trên trường quốc tế thông qua các chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc.

Hôm nay, 13/7, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Tổ chức ActionAid Quốc tế đã công bố một báo cáo mới về “Tiếng nói từ những cộng đồng bị lề hóa trong quá trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững”.

Báo cáo này dựa trên nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 và 2018 với sự tham gia của hơn 2.500 người từ các nhóm bị lề hóa ở 7 quốc gia, bao gồm Bangladesh, Đan Mạch, Kenia, Nigeria, Tanzania, Zambia và Việt Nam, đặc biệt tập trung vào thanh niên.

Với hi vọng đẩy mạnh quá trình tham gia thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững của người dân Việt Nam, một số giải pháp đã được nêu ra như: Xây dựng cách hiểu chung về SDGs, ưu tiên nhóm cộng đồng bị lề hóa, minh bạch thông tin, tôn trọng tri thức cũng như năng lực của người dân.

Bên cạnh đó, một sự kiện bên lề mang tên “Phát huy sức mạnh của thanh niên để tạo ra xã hội bền vững” được đồng tổ chức bởi Văn phòng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Thanh niên, Tổ chức ActionAid Quốc tế, Cơ quan phát triển do giới trẻ lãnh đạo Restless Development, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cùng chính phủ các nước Đan Mạch và Cộng hòa Dominica cũng được diễn ra.

Tại đây, ActionAid Quốc tế đã trình bày báo cáo của mình với những nét nổi bật trong quá trình thực hiện mục tiêu số 5 (Bình đẳng giới), mục tiêu số 8 (Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững), mục tiêu số 16 (Hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh) tại cả 7 quốc gia tham gia nghiên cứu.

Theo bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện ActionAid Việt Nam, phần lớn các nhóm bị lề hóa trên toàn cầu đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình thực hiện và đánh giá Mục tiêu Phát triển Bền vững. Dù vậy, những người dân này đã đưa ra được những ý tưởng và giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo, phù hợp với địa phương - thách thức duy nhất là những giải pháp này cần nguồn lực và sự hỗ trợ để thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa tiếng nói của người yếu thế tới Diễn đàn Chính trị cấp cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO