Cải cách tiền lương: Gốc là cải cách bộ máy

Lục Bình 14/12/2017 07:50

Sáng 13/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương (CCTL) đã chủ trì Hội thảo “Cải cách chính sách tiền lương - kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, chi thường xuyên chiếm gần 70%, trong đó dành gần 50% là để chi lương.

Như vậy, ngân sách dành cho chi lương là quá lớn. Muốn tăng lương phải giải quyết những vấn đề liên quan đến bộ máy hành chính nhà nước.

Cải cách tiền lương: Gốc là cải cách bộ máy

Cải cách tiền lương hy vọng người lao động sẽ sống được bằng lương (Ảnh: Internet).

Cần nâng cao hiệu lực bộ máy nhà nước

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, vấn đề cải cách tiền lương (CCTL) đã được bàn đến rất nhiều, đừng bàn nữa mà phải hành động. Do đó, CCTL phải đẩy mạnh để cải cách bộ máy.

Muốn làm được những điều này phải gỡ bỏ những rào cản. Theo bà Phạm Chi Lan, những gì tắc lại hiện nay đều do bộ máy mà ra. Cần nâng cao hiệu lực bộ máy nhà nước để tương thích với đổi mới chứ không thể dùng cái cũ để ứng với những điều rất mới.

Bởi, bộ máy không được cải thiện sẽ khó dẫn dắt phát triển, nhưng muốn bộ máy vận hành tốt thì phải CCTL.

Theo bà Phạm Chi Lan, một trong những thách thức lớn cho CCTL chính là tư duy về vai trò nhà nước, mối quan hệ giữa nhà nước thị trường và xã hội trong nền kinh tế thị trường chưa thực sự thay đổi.

“Thói quen bao cấp, bao biện mọi công việc của bộ máy, công chức, trong đó nhiều việc cụ thể về quản trị điều hành các hoạt động kinh tế, dân sự vẫn được bám giữ…Tệ quan liêu, lãng phí, nhũng nhiễu phổ biến trong nhiều cơ quan và cán bộ đã trở thành lợi ích lớn không dễ từ bỏ. Hơn nữa cách tuyển dụng, đãi ngộ, thăng tiến, sa thải đối với công chức không tạo áp lực và động lực cho việc cải cách chính sách tiền lương ngay trong bộ máy”, bà Lan nhận định.

Trước lý do CCTL không thực hiện bởi thiếu nguồn lực, bà Lan đã thẳng thắn: “Không thể vin vào lý do kinh tế khó khăn, không có nguồn lực để không cải cách. Càng khó khăn thì càng phải nhanh chóng cải cách tạo động lực cho xã hội phát triển".

Giải pháp đưa ra để CCTL, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội là trả lương phải theo nguyên lý coi lương là đầu tư cho phát triển, phù hợp với khả năng của nền kinh tế, gắn với năng suất, chất lượng lao động. Do đó cần mở rộng quan hệ tiền lương, giảm số bậc lương trong các bản lương, thu gọn chế độ phụ cấp lương như hiện nay.

Cũng theo ông Dũng, cần thiết kế lại hệ thống thang bản lương, các chế độ phụ cấp cho hợp lý.

Tuy nhiên, vẫn phải giảm đội ngũ hưởng lương ngân sách từ việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.

Phát biểu tại hội thảo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, lần cải cách tiền lương này sẽ tiếp nối thành tựu của các lần cải cách trước đây; và Đảng, Nhà nước mong muốn phải cải cách mạnh mẽ, căn bản hơn.

Cải cách tiền lương: Gốc là cải cách bộ máy - 1

Người lao động kỳ vọng sau cải cách tiền lương thu nhập của họ sẽ đảm bảo cuộc sống (Ảnh: Thanhnien).

Cần áp dụng linh hoạt

Với việc cải cách tiền lương trong khối hành chính nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, sẽ nghiên cứu hai phương thức trả lương theo chức nghiệp và theo ví trí việc làm.

Coi đây là vấn đề có tính then chốt trong lựa chọn, thiết kế chính sách lương hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nền hành chính năng động.

Theo Phó Thủ tướng, trả lương theo chức nghiệp là việc sắp xếp vị trí vào các ngạch lương nhất định và mỗi ngạch có nhiều bậc.

Cách thức này tạo ra ổn định trong hệ thống công chức để gắn bó lâu dài, làm việc suốt đời trong hệ thống hành chính, tạo ra thang bảng lương đơn giản, thăng tiến dựa vào thâm niên và trình độ đào tạo nhưng ít tạo động lực cạnh tranh, phấn đấu theo hiệu quả và làm tăng biên chế.

Còn trả lương theo vị trí việc làm là trả lương theo thứ bậc, tính chất công việc gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Với cách thức này sẽ kích thích cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động nhưng có nhược điểm là thiếu ổn định.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết kinh nghiệm của nhiều nước là áp dụng linh hoạt 2 hình thức này và đề nghị các cơ quan nghiên cứu, làm rõ cách thức áp dụng trong điều kiện của Việt Nam.

Đồng tình ý kiến của các chuyên gia lương phải đủ sống, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, mức lương phải bảo đảm mức sống, có mối quan hệ tương xứng với khu vực doanh nghiệp, thị trường, không thấp hơn và không nên dùng hệ số để tính lương mà tính lương bằng tiền tuyệt đối.

Ngoài ra, nên có hệ thống lương chung và dùng phụ cấp để ưu đãi đối tượng đặc thù.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các bậc lương phải đủ rộng để công chức có động lực phấn đấu, khắc phục việc chức vụ cao hơn nhưng lương thấp hơn, thứ bậc không đúng, không tạo ra động lực.

Phó Thủ tướng cũng tán thành với việc rà soát lại các loại phụ cấp, phụ cấp nào gắn với chức nghiệp việc làm thì tính vào tiền lương, còn phụ cấp khác thì duy trì, tránh việc phụ cấp thành thu nhập chính, phụ cấp chỉ chiếm khoảng 30% quỹ tiền lương, còn lại 70% là thu nhập từ lương.

Đề án cũng cần thiết kế phần thưởng trong quỹ lương và trao quyền cho người sử dụng lao động chi trả. Ngoài ra quy định chủ trương về lương “mềm” trên cơ sở khả năng ngân sách của từng địa phương, áp dụng thực hiện trả lương cho khối hành chính cao hơn quy định như Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng.

Đối với khu vực sản xuất, theo Phó Thủ tướng, cần nhận thức được việc nhà nước phải có quy định mức lương tối thiểu, bảo đảm không người lao động nào được trả thấp hơn mức này, tránh việc bần cùng hóa, bảo vệ người yếu thế và cả vấn đề giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách tiền lương: Gốc là cải cách bộ máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO