Ngăn chặn 'vỡ trận' phân khúc đất nền

Thanh Giang 04/10/2018 08:30

Đất nền vùng ven TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục tăng giá. Lo ngại xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó một số ngân hàng đã chủ động tăng lãi suất đối với các khoản vay bất động sản. Cùng đó, Sở Xây dựng TP HCM cho biết, sẽ công khai quy hoạch để người dân hiểu rõ dự án và tránh tình trạng môi giới “làm mưa làm gió”.

Ngăn chặn 'vỡ trận' phân khúc đất nền

Không ít môi giới tung chiêu thổi giá đất.

Thời gian gần đây, đất nền vùng ven TP Hồ Chí Minh liên tục phi mã khiến thị trường chao đảo. Lo ngại nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm ngăn chặn.

Giá đất nền “phi mã”

Báo cáo về tình hình thị trường đất nền của thành phố, một số công ty nghiên cứu thị trường cho biết, quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức là tâm điểm của phân khúc đất nền. Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm ở các quận này luôn ở mức 100%. Nghĩa là cứ rao bán thì khách hàng gom hết, thậm chí có dự án phân lô chỉ diễn ra giao dịch trong vòng 2 – 3 ngày, mặc dù giá đất đang ở mức cao ngất ngưởng. “Dự án phát triển khu đô thị sáng tạo cùng với hạ tầng từng bước hoàn thiện tạo điều kiện cho đất khu Đông hút khách. Cứ dự án phân lô nào đưa ra đều được tiêu thụ hết. Tôi nghĩ rằng, với điều kiện thuận lợi như hiện nay nên đầu tư vào đất nền” - theo ông Nguyễn Văn Đông, nhân viên môi giới của Công ty Gia Phát.

Sở Xây dựng thành phố cho hay, thời gian qua có sự tăng đột biến giá đất nền và nhà phố. Đặc biệt, có nơi nhà đất riêng lẻ tăng lên tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Sở Xây dựng, việc tăng giá như trên là chưa đúng với giá trị sản phẩm, chưa phù hợp với tiến độ hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của TP HCM đang triển khai. Ghi nhận của phóng viên, tại quận 9, cụ thể là khu vực Long Phước, giá nhà đất tăng chóng mặt, từ mức giá 500 – 700 triệu đồng/nền đã tăng lên 1,2 – 1,4 tỷ đồng/nền. Dọc đường Nguyễn Duy Trinh, một số dự án đã có sổ đỏ được chào với giá 40 – 50 triệu đồng/m2, thay vì chỉ 25 triệu đồng/m2 so với một năm trước. Vì thế, một số doanh nghiệp thi nhau gom đất nông nghiệp rồi chuyển đổi mục đích sử dụng kết hợp với hạ tầng và phân lô. Với mức giá hiện nay người thu nhập thấp không biết bao giờ mới có nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, cơn sốt ảo cục bộ giá đất nền, đất nông nghiệp, đất phân lô trái phép tại một số khu vực trong cả nước đã hút một nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn xã hội không nhỏ, tác động tiêu cực đến thị trường. Đến nay, tình hình sốt ảo giá đất đã được kiểm soát nhưng vẫn còn phải tiếp tục khắc phục những hệ quả tiêu cực.

Đánh giá về thị trường đất nền hiện nay, các chuyên gia bất động sản khẳng định, kinh tế, hạ tầng phát triển cùng với chính sách di dân ra ngoại thành khiến đất nền, nhà phố hấp dẫn người dân. Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo cùng với đội ngủ môi giới nở rộ nên đất nền bị “thổi giá” cao.

Siết vốn, kiềm môi giới

Trước tình trạng “thổi giá” đất nền lên mức cao của các chủ đầu tư dự án và nhân viên môi giới, ngân hàng đã chủ động tăng lãi suất đối với các khoản vay đổ vào bất động sản (BĐS). Một số ngân hàng tăng lãi suất khoảng 2% cho vay mua nhà, cải tạo xây dựng, cụ thể lãi suất ở lĩnh vực này đang dao động từ 8,8% - 12%/năm. Để hạn chế đầu tư, ngân hàng còn áp dụng quy định, vay càng nhiều lãi suất càng cao. Nhằm ngăn chặn nguồn vốn đổ vào BĐS, từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ còn được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh BĐS là 200%.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng siết tín dụng vào BĐS vì thời gian qua vốn đổ vào lĩnh vực trên quá nhiều. Thực tế cho thấy, 8 tháng đầu năm 2018, dư nợ BĐS cả nước chiếm tỷ trọng khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, chưa bao gồm một phần tín dụng tiêu dùng có liên quan BĐS. Nếu thống kê cả phần tín dụng tiêu dùng có liên quan BĐS, tỷ trọng tín dụng BĐS lên đến khoảng 14,43%. Tại TP HCM, dư nợ BĐS là 10,8% cao hơn mức bình quân của cả nước. Tính cả tín dụng cho vay tiêu dùng có liên quan BĐS, tỷ trọng này trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 15% tổng dư nợ. Điều này có tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống tín dụng và cả doanh nghiệp BĐS.

Không chỉ ngành ngân hàng siết nguồn vốn đổ vào BĐS, đại diện Sở Xây dựng cho biết, Sở sẽ phối hợp với các sở ngành khác công khai quy hoạch để người dân hiểu rõ dự án và tránh tình trạng môi giới “làm mưa làm gió” đối với giá đất. Nhằm ngăn chặn tình trạng sốt giá ảo ở phân khúc đất nền, UBND TP HCM cũng ra công văn chỉ đạo các sở, ngành rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về dự án nhà đất để xử lý theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn 'vỡ trận' phân khúc đất nền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO